Tóm tắt
- Sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dù đã có vắc xin an toàn và rẻ tiền.
- Năm 2012, có 122.000 tử vong do sởi trên toàn cầu – khoảng 330 tử vong mỗi ngày hay là 14 tử vong mỗi giờ.
- Tiêm vắc xin sởi làm cho tử vong do sởi giảm 78% từ năm 2000 đến 2012 toàn cầu.
- Năm 2012, khoảng 84% trẻ em toàn cầu được tiêm một liều vắc xin sởi trước khi một tuổi – so với 72% năm 2000.
- Từ năm 2000, hơn 1 tỷ trẻ em ở các quốc gia nguy cơ cao được tiêm vắc xin chống bệnh này thông qua các chiến dịch tiêm vắc xin mở rộng – khoảng 145 triệu trẻ trong năm 2012.
Sởi là một bệnh nghiêm trọng, dễ lây truyền do vi rút gây ra. Năm 1980, trước khi tiêm vắc xin rộng rãi, sởi gây ra khoảng 2,6 triệu tử vong mỗi năm.
Sởi vẫn là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn cầu, dù đã có sẵn vắc xin an toàn và rẻ tiền. Khoảng 122.000 người chết do sởi năm 2012 – hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi.
Sởi gây ra bởi vi rút paramyxovirus. Vi rút sởi bình thường sinh sống trong tế bào lót thành sau họng và phổi. Sởi là một bệnh của loài người và không xảy ra ở động vật.
Tiêm ngừa được đẩy mạnh đã tác động to lớn đến việc giảm tử vong do sởi. Từ năm 2000, hơn một tỷ trẻ em ở những quốc gia nguy cơ cao được tiêm ngừa bệnh này thông qua các chiến dịch tiêm vắc xin mở rộng – khoảng 145 triệu trẻ trong năm 2012. Tử vong do sởi toàn cầu đã giảm được 78%, từ con số ước tính 562.400 còn 122.000.
Dấu hiệu và triệu chứng
Dấu hiệu đầu tiên của sởi thường là sốt cao, bắt đầu khoảng 10 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút, và kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Chảy mũi nước, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, những đốm nhỏ ở mặt trong má có thể phát sinh trong giai đoạn khởi phát. Sau vài ngày, ban đỏ xuất hiện, thường ở mặt và phần trên cổ. Sau khoảng 3 ngày, ban đỏ lan rộng, cuối cùng xuống tới bàn tay và bàn chân. Ban đỏ kéo dài 5 đến 6 ngày và sau đó biến mất. Trung bình, ban đỏ xuất hiện 14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút (trong khoảng 7 đến 18 ngày).
Sởi nặng nhiều khả năng xảy ra ở trẻ nhỏ, dinh dưỡng kém, nhất là trẻ thiếu vitamin A hoặc là trẻ có hệ miễn dịch suy yếu vì HIV/AIDS hoặc vì bệnh khác. Hầu hết các tử vong có liên quan đến sởi do các biến chứng đi kèm với sởi gây ra. Biến chứng thường gặp hơn ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc ở người lớn hơn 20 tuổi. Biến chứng nghiêm trọng nhất bao gồm mù, viêm não (nhiễm trùng gây phù não), tiêu chảy nặng và mất nước, nhiễm trùng tai, hoặc nhiễm trùng hô hấp nặng như viêm phổi. Đến 10% các trường hợp sởi bị tử vong trong những cộng đồng có mức suy dinh dưỡng cao và thiếu hệ thống y tế đúng mức. Phụ nữ bị sởi khi có thai cũng có nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng và thai có thể bị hư hoặc sinh non. Người khỏi bệnh sởi được miễn dịch đến cuối đời.
Ai có nguy cơ?
Trẻ nhỏ không tiêm ngừa có nguy cơ sởi và biến chứng của nó cao nhất, gồm cả tử vong. Phụ nữ có thai cũng có nguy cơ. Bất kỳ ai không có miễn dịch (người không từng được tiêm ngừa hoặc đã tiêm ngừa nhưng không phát sinh miễn dịch) cũng có thể mắc bệnh
Sởi vẫn thường gặp ở nhiều quốc gia đang phát triển – đặc biệt ở Châu Phi và Châu Á. Hơn 20 triệu người mắc bệnh sởi mỗi năm. Sô đông các tử vong do sởi (hơn 95%) xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và hạ tầng y tế yếu kém. Các đợt dịch sởi có thể đặc biệt chết người ở những quốc gia đang chịu đựng hoặc đang hồi phục khỏi thảm họa thiên nhiên hoặc chiến tranh. Tổn hại của hạ tầng y tế hoặc các dịch vụ y tế là gián đoạn việc tiêm ngừa thường xuyên, và quá tải tại những trại cư trú làm tăng rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng.
Lây truyền
Vi rút lây nhiễm cao lây truyền qua ho và nhảy mũi, giao tiếp cá nhân gần gủi hoặc trực tiếp tiếp xúc với nước mũi hoặc đàm trong họng đã nhiễm trùng.
Vi rút tiếp tục hoạt động và lây truyền trong không khí hoặc trên các bề mặt đã nhiễm trùng sau đến hai giờ. Nó có thể lan từ một người nhiễm trùng 4 ngày trước khi khởi phát ban đỏ đến 4 ngày sau khi ban đỏ bùng phát.
Bùng phát sởi có thể trở thành dịch, gây nhiều tử vong, nhất là ở trẻ còn nhỏ, suy dinh dưỡng. Ở những quốc gia sởi đã được loại bỏ phần lớn, các trường hợp nhập khẩu từ quốc gia khác vẫn là một nguồn nhiễm quan trọng.
Điều trị
Không có một điều trị chống vi rút đặc hiệu nào cho vi rút sởi.
Biến chứng nghiêm trọng từ sởi có thể tránh được thông qua chăm sóc hỗ trợ, bảo đảm dinh dưỡng tốt, uống nước đầy đủ và điều trị mất nước bằng dung dịch uống bù nước do WHO khuyến cáo. Dung dịch này thay thế dịch và các chất thiết yếu khác đã bị mất do tiêu chảy hoặc ói. Có thể cho kháng sinh để điều trị nhiễm trùng mắt và tai, và viêm phổi.
Tất cả trẻ em ở những nước đang phát triển được chẩn đoán sởi nên uống hai liều vitamin A, cách nhau 24 giờ. Điều trị này phục hồi nồng độ vitamin A thấp trong bệnh sởi, ngay cả ở trẻ em dinh dưỡng tốt và có thể ngăn ngừa tổn thương và mù mắt. Vitamin A đã được chứng minh làm giảm số lượng tử vong do sởi đến 50%.
Phòng ngừa
Tiêm ngừa sởi thường qui cho trẻ em, cùng với những chiến dịch tiêm chủng mở rộng ở những quốc gia tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong cao là những phương pháp y tế công cộng then chốt để làm giảm tử vong do sởi toàn cầu. Vắc xin sởi đã được sử dụng được 50 năm. Nó an toàn, hữu hiệu và rẻ tiền. Chỉ mất không tới một đô la Mỹ để tiêm ngừa sởi cho trẻ.
Vắc xin sởi thường được kết hợp với vắc xin rubella và/hoặc quai bị, nơi các bệnh này đang là vấn đề. Nó riêng lẻ hoặc kết hợp đều hiệu quả như nhau.
Năm 2012, khoảng 85% trẻ em trên thế giới được tiêm một liều vắc xin sởi trước khi được một tuổi qua các dịch vụ y tế thường qui – tăng lên từ 72% năm 2000. Hai liều vắc xin được đề nghị sử dụng để bảo đảm miễn dịch và ngăn ngừa những đợt bùng phát, bởi vì 15% trẻ được tiêm ngừa không phát sinh miễn dịch từ mũi đầu tiên.
Phản ứng WHO
Mục tiêu Thiên niên kỷ Toàn cầu thứ tư (The fourth Millennium Development Goal – MDG 4) nhằm mục đích giảm tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi được hai phần ba từ năm 1990 đến 2015. Công nhận khả năng của tiêm vắc xin sởi làm giảm tử vong trẻ em và do mức bao phủ tiêm vắc xin sởi là một dấu hiệu tiếp cận các dịch vụ y tế trẻ em, bao phủ tiêm vắc xin sởi thường qui đã được chọn làm một chỉ số tiến bộ trong việc đạt được MDG 4.
Chứng cứ chỉ rõ lợi ích của việc cung cấp phổ biến vắc xin sởi và rubella. Trên toàn cầu, ước tính 562.400 trẻ chết vì bệnh sởi năm 2000. Vào năm 2012, sự thúc đẩy toàn cầu để cải thiện mức tiêm vắc xin đã làm giảm đến 78% tử vong. Từ năm 2000, với sự hỗ trợ của Sáng kiến Sởi & Rubella (M&R Initiative) hơn 1 tỷ trẻ đã được tiêm vắc xin thông qua các chiến dịch tiêm chủng mở rộng – khoảng 145 triệu trong năm 2012.
Sáng kiến Sởi & Rubella là một nỗ lực hợp tác của WHO, UNICEF, Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ, Trung tâm Phòng Chống Bệnh Hoa Kỳ (CDC) và UN Foundation nhằm hỗ trợ các quốc gia đạt được mục đích kiểm soát sởi và rubella.
Năm 2012, Sáng kiến Sởi & Rubella đưa ra một Kế hoạch Chiến lược Sởi và Rubella Toàn cầu, giai đoạn 2012 – 2020. Kế hoạch bao gồm những mục tiêu toàn cầu mới đến năm 2015 và 2020:
Đến cuối năm 2015
- Giảm tử vong sởi toàn cầu ít nhất 95% so với năm 2000.
- Đạt được các mục tiêu cấp vùng loại trừ sởi và rubella/hội chứng rubella bẩm sinh.
Đến cuối năm 2020
- Đạt được mục tiêu loại trừ sởi và rubella tại ít nhất năm vùng WHO.
Chiến lược tập trung vào việc áp dụng năm thành phần cốt lõi:
- Đạt được và duy trì mức độ tiêm vắc xin cao với hai liều vắc xin sởi và rubella;
- Theo dõi bệnh sởi bằng cách khảo sát hữu hiệu và đánh giá những nỗ lực chương trình để bảo đảm sự tiến bộ và tác động tích cực của hoạt động tiêm vắc xin;
- Phát triển và duy trì sự sẵn sàng đối phó đợt bùng phát, đáp ứng nhanh các đợt bùng phát và điều trị hữu hiệu các trường hợp bệnh;
- Truyền thông và hợp tác để xây dựng sự tin tưởng công cộng và yêu cầu miễn dịch;
- Tiến hành các nghiên cứu và phát triển cần thiết để hỗ trợ những hoạt động tiết kiệm và cải thiện việc tiêm vắc xin và các dụng cụ chẩn đoán.
Ứng dụng Kế hoạch Chiến lược có thể bảo vệ và cải thiện cuộc sống của trẻ em và bà mẹ khắp toàn cầu một cách nhanh chóng và bền vững. Kế hoạch này cung cấp những chiến lược rõ ràng cho các nhà quản lý miễn dịch cấp quốc gia, làm việc với các thành viên tại chỗ và quốc tế, để đạt được các mục tiêu kiểm soát và loại trừ sởi và rubella năm 2015 và năm 2020. Kế hoạch xây dựng trên nhiều năm kinh nghiệm trong việc ứng dụng các chương trình miễn dịch và tích hợp các bài học từ sáng kiến kiểm soát sởi mở rộng và loại trừ bệnh bại liệt.
Nguồn:Tổ chức Y tế Thế Giới – WHO
http://who.int/mediacentre/factsheets/fs286/en/
Trần Thanh Xuân dịch