Helicobacter pylori (H. pylori ) là một loại vi khuẩn gây nhiễm vào dạ dày, rất thường gặp, ảnh hưởng đến 2/3 dân số thế giới và khoảng 30 đến 40% số người ở Hoa Kỳ. Nhiễm H. pylori là nguyên nhân thường gặp nhất gây loét dạ dày. Tuy nhiên, nhiễm trùng không gây ra vấn đề gì cho hầu hết mọi người.
Nguyên nhân
Vi khuẩn H. pylori có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác. Điều này có xu hướng xảy ra trong thời thơ ấu. Nhiễm trùng vẫn còn trong suốt cuộc đời nếu không được điều trị.
Không rõ là vi khuẩn được truyền từ người này sang người khác như thế nào. Vi khuẩn có thể lây lan từ:
+ Tiếp xúc miệng-miệng
+ Đau dạ dày ruột (đặc biệt khi có nôn mửa)
+ Tiếp xúc với phân
+ Thức ăn và nước bị ô nhiễm.
Vi khuẩn có thể gây loét theo cách sau:
+ H. pylori đi vào lớp niêm mạc của dạ dày và gắn vào lớp lót dạ dày.
+ H. pylori khiến dạ dày sản xuất axit nhiều hơn. Điều này làm tổn hại lớp lót dạ dày, dẫn đến loét ở một số người.
Ngoài các vết loét, vi khuẩn H. pylori cũng có thể gây viêm mạn tính ở dạ dày (viêm dạ dày) hoặc phần trên của ruột non (viêm tá tràng).
H. pyloriđôi khi có thể dẫn đến ung thư dạ dày hoặc một loại u lymphoma dạ dày hiếm gặp.
Triệu chứng
Khoảng 10% đến 15% số người bị nhiễm H. pylori phát triển bệnh loét dạ dày. Vết loét nhỏ có thể không gây ra triệu chứng nào. Một số vết loét có thể gây ra chảy máu nghiêm trọng.
Đau hoặc đau nóng bỏng (burning pain) ở bụng là một triệu chứng thường gặp. Đau có thể nặng hơn khi bụng đói. Đau có thể khác nhau từ người này sang người, và một số người không đau.
Các triệu chứng khác gồm có:
+ Cảm giác no hoặc đầy hơi và các vấn đề khi uống nhiều như thường lệ
+ Đói và cảm giác trống rỗng trong dạ dày, thường từ 1 đến 3 giờ sau bữa ăn
+ Buồn nôn nhẹ, có thể biến mất khi ói
+ Ăn mất ngon
+ Giảm cân ngoài ý muốn
+ Ợ hơi
+ Phân có máu hoặc phân đen hoặc ói ra máu
Xét nghiệm
Nhân viên y tế sẽ xét nghiệm để tìm H. pylori nếu bạn:
+ Có loét dạ dày hoặc có tiền sử loét
+ Có cảm giác không thoải mái và đau ở dạ dày kéo dài hơn một tháng.
Nói với họ về các loại thuốc mà bạn uống. Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) cũng có thể gây loét. Nếu bạn có các triệu chứng nhiễm trùng, họ có thể thực hiện các xét nghiệm sau đây tìm H. pylori:
+ Kiểm tra hơi thở – bài kiểm tra hơi thở urê (Thử nghiệm urê đồng vị của carbon (carbon isotopope-urea test – UBT). Họ sẽ cho cho bạn nuốt một chất đặc biệt có chứa urê. Nếu có H. pylori, vi khuẩn này biến urê thành carbon dioxide và được phát hiện, ghi lại trong hơi thở ra sau 10 phút.
+ Thử máu – đo kháng thể đối với H. pylori trong máu.
+ Xét nghiệm phân – phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn này trong phân.
+ Sinh thiết – kiểm tra mẫu mô lấy từ lớp lót dạ dày bằng nội soi. Mẫu mô được kiểm tra tìm nhiễm khuẩn.
Điều trị
Để vết loét của bạn lành lại và để giảm nguy cơ tái phát, bạn sẽ được cho thuốc để:
+ Giết vi khuẩn H. pylori (nếu có)
+ Giảm mức axit trong dạ dày.
Sử dụng tất cả các loại thuốc đã cho. Thay đổi lối sống cũng có thể hữu ích.
Nếu bạn bị loét dạ dày và nhiễm H. pylori, nên điều trị. Cách điều trị tiêu chuẩn gồm có sự kết hợp khác nhau của các loại thuốc sau đây trong 10 đến 14 ngày:
+ Thuốc kháng sinh để giết H. pylori
+ Thuốc ức chế bơm proton giúp giảm mức axit trong dạ dày
+ Bismut (thành phần chính trong Pepto-Bismol) có thể được thêm vào để giúp diệt khuẩn.
Sử dụng tất cả các loại thuốc này trong 14 ngày là không dễ dàng. Nhưng làm như vậy sẽ cho bạn cơ hội tốt nhất để loại bỏ vi khuẩn H. pylori và phòng ngừa loét trong tương lai.
Dự hậu
Nếu bạn sử dụng các thuốc, bạn có một cơ hội tốt để chữa khỏi nhiễm trùng H. pylori. Bạn sẽ ít có khả năng bị loét một lần nữa hơn.
Đôi khi, H. pylori có thể khó chữa khỏi hoàn toàn. Có thể cần đến nhiều lần điều trị khác nhau. Sinh thiết dạ dày đôi khi được thực hiện để kiểm tra vi khuẩn để xem kháng sinh nào hữu hiệu nhất. Điều này có thể giúp hướng dẫn điều trị trong tương lai. Trong một số trường hợp, H. pylori không thể chữa khỏi được bằng bất cứ liệu pháp nào, mặc dù các triệu chứng có thể giảm.
Nếu được chữa khỏi, tái nhiễm có thể xảy ra ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém.
Biến chứng
Nhiễm trùng H. pylori kéo dài có thể dẫn đến:
+ Bệnh loét dạ dày
+ Viêm mạn tính
+ Loét dạ dày và ruột non
+ Ung thư dạ dày
+ Lymphoma mô dạng lymphome liên kết niêm mạc dạ dày (mucosa-associated lymphoid tissue – MALT).
Các biến chứng có thể bao gồm:
+ Mất máu nặng
+ Sẹo do loét có thể làm cho dạ dày tống thức ăn xuống ruột non khó khăn hơn
+ Thủng hoặc lỗ dò ở dạ dày và ruột.
Khi nào cần liên hệ với nhân viên y tế
Các triệu chứng nặng khởi phát đột ngột có thể cho thấy tắc nghẽn đường ruột, thủng, hoặc xuất huyết, tất cả đều là các trường hợp cấp cứu. Các triệu chứng có thể bao gồm:
+ Phân đen hoặc có máu
+ Nôn ói nặng, có thể có chứa máu hoặc có màu cà phê (dấu hiệu xuất huyết nặng) hoặc có toàn bộ những gì trong ruột (dấu hiệu tắc nghẽn đường ruột)
+ Đau bụng nặng, có hoặc không có nôn ói hoặc bằng chứng về máu.
Bất cứ ai có bất kỳ triệu chứng nào trong số này đều phải đến phòng cấp cứu ngay.
Nguồn: MedlinePlus
https://medlineplus.gov/ency/article/007715.htm
Trần Thanh Xuân dịch