Trẻ tăng hiếu động có thể do mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ
PN – Mấy tháng nay, bé N.H.M., bảy tuổi (ngụ P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trở nên quá hiếu động, không bao giờ chịu ngồi yên. Bé cộc cằn khác thường và dễ la khóc, không tập trung làm bất cứ việc gì.
Quá lo lắng nên phụ huynh đưa bé đi khám, điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Ngoài ra, bé thường ngáy và khó thở, ngủ không yên giấc. Khi được đưa đến khám hô hấp, bác sĩ nghi ngờ bé bị hội chứng ngưng thở lúc ngủ và chỉ định bé đo đa ký giấc ngủ. Kết quả cho thấy, bé bị hội chứng ngưng thở lúc ngủ tắc nghẽn (HCNTLNTN) nặng. Bé được khám tai mũi họng, phát hiện phì đại VA và amidan. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chỉ định nạo VA và cắt amidan. Một tháng sau, phụ huynh rất vui mừng vì bé đã bớt ngáy, bớt ngưng thở trong đêm, ngủ yên, đã ngoan ngoãn trở lại, bớt cáu gắt, bớt hiếu động, tập trung hơn khi học.
HCNTLNTN là rối loạn hô hấp trong lúc ngủ, xảy ra khi đường hô hấp trên của trẻ bị tắc nghẽn, dẫn đến trẻ ngáy và khó thở. Ban đêm, lượng oxy cơ thể giảm làm trẻ thức giấc nhiều lần, giấc ngủ bị xáo trộn. Đây là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ (1,5-4%) và có thể gây ra một số hành vi lầm tưởng trẻ tăng hiếu động. Trên thực tế, những biểu hiện bất thường chính là phản ứng của trẻ để chống lại tình trạng mệt mỏi do mất ngủ ban đêm.
HCNTLNTN thường bị bỏ sót, vì vậy, các bác sĩ nhi được khuyên nên tầm soát HCNTLNTN trên tất cả các trẻ em bị ngáy. HCNTLNTN dễ chẩn đoán nhầm là bị hội chứng tăng hiếu động, giảm chú ý (ADHD: Attention Deficit Hyperactive Disorder), dẫn đến cho thuốc không đúng, trong khi đó, những vấn đề về giấc ngủ lại không được điều trị.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ bị HCNTLNTN thường tăng hiếu động, bồng bột và giảm chú ý. HCNTLNTN ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi và tâm trạng của trẻ.
Nguyên nhân gây tắc nghẽn đường hô hấp trên thường gặp nhất là phì đại VA và amidan. Nạo VA và cắt amidan là phương pháp điều trị hiệu quả. HCNTLNTN nếu không điều trị, sẽ đưa đến các bệnh lý tim mạch, thường chỉ biểu hiện khi trẻ trưởng thành.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên
(Trưởng phòng Chẩn đoán, điều trị rối loạn giấc ngủ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP.HCM)
(Nguồn: Báo Phụ Nữ Online)