Giới thiệu
Trầm cảm là một tình trạng thường gặp, ảnh hưởng đến 19 triệu người Mỹ trưởng thành mỗi năm.
Trầm cảm tác động đến hầu hết các mặt của cuộc sống hàng ngày; nó ảnh hưởng đến ăn uống và giấc ngủ thường lệ, sự tự trọng và niềm hy vọng trong cuộc sống. Ngoài ra, trầm cảm ảnh hưởng đến những người vốn yêu thương và chăm sóc người bị trầm cảm.
Hiện có một số phương thức điều trị trầm cảm. Quan trọng là phải tìm đến sự giúp đỡ dành cho người mắc các tình trạng trầm cảm; các hậu quả của việc không tìm đến sự giúp đỡ có thể gây rắc rối.
Tài liệu tóm tắt này sẽ giúp bạn hiểu trầm cảm và chỉ dẫn bạn cách hỗ trợ chính bạn hoặc người thân vốn có thể đang bị trầm cảm.
Trầm cảm
Cảm thấy buồn rầu là một phản ứng bình thường khi gặp hoàn cảnh căng thẳng hoặc lo buồn trong cuộc sống. Một số hoàn cảnh có thể dẫn đến buồn bã hoặc cảm thấy buồn gồm có:
+ Mất người thân
+ Trở bệnh
+ Mất việc
+ Khó khăn tiền bạc
Hầu hết có khả năng vượt qua cảm giác buồn và có khả năng thích ứng với nỗi buồn theo một cách tích cực. Tuy nhiên, một số người không có khả năng thích ứng tốt và cảm giác buồn bã của họ trở nên tràn ngập. Đó là một dấu hiệu của trầm cảm.
Trầm cảm là một bệnh. Bác sĩ có thể phân biệt một số loại trầm cảm, một số nghiêm trọng hơn. Điều trị sẵn có và thường hiệu quả.
Trầm cảm được chẩn đoán và điều trị càng sớm, cơ hội khỏi bệnh càng nhiều.
Triệu chứng
Buồn rầu trở thành trầm cảm khi lúc nào người bệnh cũng thấy buồn. Sự buồn rầu của người ấy bắt đầu chen vào cuộc sống gia đình và công việc. Sau đây là một số triệu chứng của người trầm cảm. Không phải ai bị trầm cảm cũng trãi qua mọi triệu chứng.
+ Ít hoặc không quan tâm đến các hoạt động và các giải trí mà họ thường yêu thích.
+ Ngủ nhiều hơn bình thường hoặc khó ngủ.
+ Ít hoặc không quan tâm đến bạn bè hoặc tình dục.
+ Cảm thấy vô dụng hoặc tuyệt vọng và tự kết tội mình về mọi chuyện.
+ Xa lánh bạn bè và gia đình, cảm thấy xấu hổ vì bị trầm cảm.
+ Vệ sinh cá nhân kém, không tắm rửa hoặc ăn mặc bê bối.
Đôi khi cảm giác buồn rầu, vô dụng và tuyệt vọng trở nên mạnh đến nỗi người trầm cảm thậm chí nghĩ đến việc tự tử.
Tự tử và dự định tự tử là những hậu quả bi thảm của trầm cảm. Nếu một người có lần cảm thấy muốn chấm dứt cuộc sống của mình, nên gọi bác sĩ ngay lập tức.
Nếu bạn nhận thấy một người thân đang nghĩ đến tự tử, bạn nên tiếp xúc với một bác sĩ ngay lập tức. Cũng đúng như vậy đối với một người bắt đầu nói về chuyện làm hại người khác, nhất là người bị kết tội gây ra khó khăn cho người bệnh.
Trị liệu sẵn có và thường hiệu quả.
Đàn bà có khả năng bị trầm cảm gấp đôi đàn ông, nhất là sau khi sinh con. Trẻ em cũng có thể bị trầm cảm.
Thành viên trong gia đình có thể nghĩ rằng bằng cách quên đi trầm cảm, nó sẽ tự giải quyết và qua đi. Tuy nhiên, trầm cảm che mời lý trí, các thành viên trong gia đình hoặc các bạn bè thường cần phải khởi đầu việc điều trị.
Nguyên nhân trầm cảm
Sự kết hợp các yếu tố di truyền, tâm lý và hoàn cảnh có thể gây ra trầm cảm. Trầm cảm nặng thường đi kèm với những thay đổi trong não.
Não điều khiển tất cả các hoạt động của chúng ta. Nó điều khiển cách chúng ta vận động cơ thể, nói năng và hiểu biết, nó cũng điều khiển các xúc động và cảm giác của chúng ta.
Các tế bào thần kinh trong não giao tiếp với nhau thông qua những hợp chất hóa học gọi là “chất dẫn truyền thần kinh”.
Người bệnh trầm cảm có các chất dẫn truyền thần kinh không cân bằng. Bởi vì não điều khiển toàn bộ cơ thể, người bệnh trầm cảm cũng có thể bị đau và các đau đớn không hề dính dáng đến bất kỳ tình trạng nào.
Trầm cảm thường bị kích phát bởi một khó khăn nhận biết được của cá nhân; tuy nhiên, một số người trở nên trầm cảm mà không biết do đâu.
Trầm cảm có khuynh hướng xuất hiện trong gia đình, nó thường có tính di truyền. Nếu cha mẹ hoặc ông bà đã mắc các tình trạng trầm cảm, bạn cũng có khả năng mắc.
Uống rượu hoặc sử dụng ma túy có thể dẫn đến trầm cảm, bởi vì ma túy và rượu ảnh hưởng đến các hóa chất trong não. Để vượt qua trầm cảm, bệnh nhân cần phải ngưng uống rượu hoặc ngưng sử dụng ma túy.
Một số loại thuốc, nhất là thuốc tăng huyết áp, có thể dẫn đến sự mất cân bằng hóa chất trong não và gây ra trầm cảm. Trong trường hợp này, ngưng những loại thuốc này cũng đủ điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, KHÔNG BAO GIỜ ngưng bất kỳ loại thuốc nào mà trước hết chưa nói chuyện với bác sĩ.
Chỉ bác sĩ mới có thể chẩn đoán trầm cảm. Chẩn đoán bao gồm khám thực thể, toàn bộ lịch sử các triệu chứng và thăm khám tình trạng tinh thần.
Chẩn đoán
Nhất thiết phải tìm hiểu toàn bộ quá trình y tế và xã hội. Sau đó thăm khám thực thể để giúp loại trừ những bệnh khác có thể có những triệu chứng tương tự như trầm cảm.
Xét nghiệm máu và có thể chụp hình não để chắc chắn rằng các triệu chứng không phải do các bệnh khác sinh ra. Thường thường bệnh sử và khám lâm sàng giúp dẫn đến các thử nghiệm tiếp theo.
Điều trị
May mắn là y học và tâm lý học hiện đại có khả năng điều trị trầm cảm tương đối thành công. Điều trị thế nào tùy thuộc vào chẩn đoán.
Các dạng trầm cảm nhẹ có thể không cần đến bất kỳ loại thuốc nào, chỉ cần tâm lý trị liệu. Các trường hợp nặng hơn với ý định tự tử có thể cần phải nhập viện và điều trị bằng thuốc.
Tư vấn và tâm lý trị liệu có thể rất hữu ích trong việc điều trị các trường hợp trầm cảm nhẹ. Chúng cũng cần thiết trong những trường hợp nặng hơn cùng với các loại thuốc được kê toa.
Có thể mất vài tuần thuốc mới có hiệu quả. Do đó, điều quan trọng là tiếp tục uống thuốc và đừng nãn chí khi bạn không thấy hiệu quả ngay lập tức.
Hầu hết các thuốc chống trầm cảm không gây nghiện. Tuy nhiên, không nên ngưng thuốc tức thời trừ khi bác sĩ chỉ định.
Các thuốc chống trầm cảm có thể gây ra các tác dụng phụ như:
+ Khô miệng
+ Cảm thấy buồn ngủ
+ Khó bắt đầu đi tiểu
+ Khó khăn tình dục
Nếu bạn sử dụng thuốc chống trầm cảm và nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy báo cho bác sĩ. Bác sĩ có thể thay đổi liều dùng hoặc thay đổi loại thuốc. KHÔNG được tự ý ngưng thuốc.
Hầu hết các thuốc chống trầm cảm KHÔNG tương thích với rượu hoặc với ma túy. Do đó, điều quan trọng là không uống rượu hoặc không sử dụng ma túy.
Trong một số trường hợp, tư vấn cũng hữu ích, giúp bệnh nhân hiểu và chấp nhận nguyên nhân ban đầu của bệnh trầm cảm của họ.
Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận một phương pháp điều trị trầm cảm nặng khác. Đó là kích thích dây thần kinh X. Thần kinh X là một dây thần kinh đi từ não đến tim, phổi và bụng. Kích thích dây thần kinh này với dòng điện thấp có thể hữu ích trong một số trường hợp trầm cảm nặng.
Một dây điện, một điện cực được cấy vào quanh dây thần kinh X khi nó đi qua vùng cổ. Điện cực được nối với một cục pin đặt dưới da vùng phía trên ngực.
Liệu pháp sốc điện (electroconvulsive therapy – ECT) hữu ích đối với những bệnh nhân trầm cảm nặng và đối với người chậm đáp ứng với các loại thuốc.
ECT giúp tái lập cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh bằng cách gây động kinh thoáng qua trong khoảng 30 giây.
ECT được thực hiện trong lúc gây mê và dãn cơ toàn thân. Bệnh nhân không bị co giật một cách không kiểm soát như trong một vài phim ảnh. Bệnh nhân không hề cảm thấy đau hoặc khó chịu trong khi ECT. Thường cần đến một vài lần ECT mới có kết quả.
Khi một bệnh nhân trầm cảm bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn, người ấy sẽ có khả năng thực hiện các thay đổi lành mạnh làm giảm căng thẳng và giữ được một cái nhìn cân bằng hơn về cuộc sống.
Thể dục thể thao đều đặn, ăn uống lành mạnh và các mối liên hệ bền vững, tất cả đều rất hữu ích để giữ căng thẳng ở mức thấp và để giảm các cơ hội cảm thấy trầm cảm trở lại.
Tóm tắt
Trầm cảm là một tình trạng bệnh thường gặp. Chẳng có gì phải xấu hổ về nó.
Có cách điều trị và chúng rất có hiệu quả. Các loại thuốc và tư vấn là nền tảng của điều trị trầm cảm.
Quan trọng là phải ứng phó với trầm cảm càng sớm càng tốt khi nhận ra nó. Khi điều trị sớm, một người trầm cảm có thể trở về một lối sống hạnh phúc hơn và có cái nhìn về cuộc sống cân bằng hơn.
Nguồn: MedlinePlus http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/tutorials/depression/htm/index.htm
Trần Thanh Xuân dịch