Suyễn nặng và khó điều trị

suyen nang

Mục tiêu của điều trị suyễn là giữ các triệu chứng như khó thở và khò khè trong tầm kiểm soát để bạn có thể tiếp tục các hoạt động thường ngày.

Nhiều người có thể đạt được mục tiêu này; tuy nhiên, một số người phải vất vả để giữ suyễn trong tầm kiểm soát. Nếu bạn thấy khó giữ suyễn không ảnh hưởng đến nếp sống của bạn, thầy thuốc mô tả suyễn của bạn là “khó điều trị”.

Bài này nói về suyễn khác nhau thế nào ở những người khác nhau, tại sao suyễn của một người khó điều trị và điều trị nào giúp bệnh nhân kiểm soát được suyễn của họ.

Suyễn khác nhau thế nào ở những người khác nhau?

Suyễn ảnh hưởng đến người bệnh theo nhiều cách khác nhau. Có một số lý do, bao gồm cấu trúc di truyền của một người, họ có bệnh gì khác như là dị ứng không, vốn cũng có thể ảnh hưởng đến suyễn của họ và các yếu tố trong cách sống, như mức độ stress và mức độ hoạt động thể chất.

Điều trị do đó phải được điều chỉnh theo từng cá nhân. Thầy thuốc theo một loạt các bước điều trị để kiểm soát suyễn: nếu bước thứ nhất không giúp kiểm soát được các triệu chứng suyễn, họ sẽ cố gắng tìm ra tại sao loại thuốc đó không công hiệu. Họ cũng có thể thử một loại thuốc khác hoặc tăng liều đến khi suyễn của bạn được kiểm soát.

Dù đã thử những liệu pháp khác nhau, đôi khi suyễn vẫn tiếp tục khó điều trị.

Những yếu tố gì ảnh hưởng đến việc kiểm soát suyễn?

Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến suyễn và chúng nên được xem xét đến nếu bạn tiếp tục có những triệu chứng khó kiểm soát.

Hút thuốc lá

Nếu bạn hút thuốc lá, bạn có nguy cơ nhập viện cấp cứu cao đến gấp ba lần so với người không hút thuốc. Bạn cũng có ít khả năng đáp ứng tốt với thuốc so với người không hút thuốc. Nếu bạn bỏ thuốc lá, bạn sẽ gia tăng cơ hội kiểm soát được các triệu chứng suyễn của bạn.

Dị ứng

Nếu bạn bị dị ứng, bạn có thể khó kiểm soát suyễn của bạn hơn. Điều quan trọng là cố gắng biết được bạn dị ứng với cái gì và cái gì bạn cần phải tránh. Bạn cũng có thể điều trị dị ứng của bạn, vốn cũng giúp bạn kiểm soát được suyễn.

Các yếu tố trong cách sống

Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến suyễn của bạn, gồm có:

+ Tình trạng tâm lý như lo âu, stress hoặc trầm cảm.

+ Các yếu tố môi trường như sống trong vùng có mức độ ô nhiễm không khí cao, sống trong một tòa nhà ẩm hoặc mốc hoặc phơi nhiễm với khói thuốc lá thứ cấp.

+ Các yếu tố nghề nghiệp như nơi làm việc có bụi bậm, mùi nấu nướng, hóa chất hoặc các chất kích phát suyễn khác.

+ Thiếu vận động, bằng chứng cho thấy rằng hoạt động thể chất hoặc thể dục thể thao đều đặn ở mức độ bạn cảm thấy thoải mái có thể giúp cải thiện các triệu chứng suyễn.

Tuân thủ điều trị

Có hai loại thuốc suyễn:

+ Thuốc ngừa cơn, nên được sử dụng hàng ngày để điều trị viêm trong phổi, làm giảm các triệu chứng và làm giảm nguy cơ cơn kịch phát.

+ Thuốc cắt cơn, có thể làm giảm nhanh, ngắn hạn các triệu chứng khò khè hoặc khó thở.

Khi bạn và thầy thuốc của bạn đã tìm ra phương pháp điều trị hữu hiệu đối với bạn, bạn nên tiếp tục tuân thủ để duy trì việc kiểm soát tốt các triệu chứng. Bạn có thể muốn ngưng thuốc ngừa cơn khi các triệu chứng đã ổn định, nhưng nếu bạn ngưng thuốc, các triệu chứng sẽ nặng trở lại.

Kỹ thuật hít thuốc

Điều thật sự quan trọng là bạn học được cách sử dụng thuốc hít đúng cách. Điều này lúc khởi đầu có thể khó khăn và bạn cần mất một ít thời gian với thầy thuốc của mình để học cách sử dụng đúng thuốc hít.

Nếu bạn sử dụng thuốc hít không đúng cách, bạn sẽ không nhận được đủ liều lượng thuốc. Đó là một nguyên nhân rất thường gặp đối với bệnh nhân không kiểm soát được suyễn.

Tình trạng sức khỏe khác

Bạn có thể có một tình trạng khác cần phải xử trí ngoài suyễn, mà thầy thuốc của bạn gọi nó là bệnh kèm theo. Một vài bệnh kèm theo có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát suyễn gồm có:

+ Trào ngược acid

+ Polype mũi

+ Không chịu được aspirin (khoảng 5% bệnh nhân suyễn có phản ứng xấu với aspirin)

+ Béo phì

+ Ho mạn tính

+ Ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ

+ Viêm mũi dị ứng (thường được mô tả là một cảm cúm dai dẵng kèm theo chảy mũi nước hoặc nghẹt mũi, ngứa trong mũi và/hoặc ách xì)

Tôi có thể làm gì?

Kiến thức và hiểu biết

Sau khi bạn lần đầu được chẩn đoán suyễn, khó mà biết được cái gì kích phát, làm các triệu chứng của bạn trở nặng và yếu tố gì khiến bạn không kiểm soát được suyễn.

Một cách để biết được điều này là dành thời gian theo dõi cách sống của bạn; có thể bằng cách ghi lại những số điểm lưu lượng đỉnh, lưu ý lúc nào và ở đâu các triệu chứng của bạn trở nặng; và làm việc với thầy thuốc để tìm ra một cách sống và một cách điều trị hữu hiệu đối với bạn.

Hỗ trợ

Nếu suyễn của bạn vẫn tiếp tục không kiểm soát được, gặp gỡ thầy thuốc đều đặn có thể giúp bạn tìm ra những cách cải thiện triệu chứng; điều này có thể thực hiện được bằng cách thay đổi phương pháp điều trị hoặc thay đổi cách sống của bạn.

Bạn nên tiếp tục gặp thầy thuốc theo định kỳ đều đặn cho đến khi bạn tin rằng các triệu chứng của bạn đã được kiểm soát và bạn hài lòng với phương pháp điều trị. Nếu bạn và thầy thuốc của bạn không đạt được mục tiêu này, bạn có thể được giới thiệu đến một phòng khám chuyên khoa, có khả năng phân tích sâu hơn các triệu chứng của bạn và các yếu tố góp phần.

Tiếp nhận từ bác sĩ một bản kế hoạch tự quản lý bệnh là một hình thức hỗ trợ tốt khác. Kế hoạch này chi tiết hóa cách bạn có thể nhận biết khi nào suyễn bị mất kiểm soát và các bước bạn cần thực hiện lúc ấy.

Suyễn nặng

Khi tất cả các việc trên được thực hiện, đa số bệnh nhân kiểm soát được suyễn của họ. Tuy nhiên, ở một số nhỏ bệnh nhân (ít hơn 10%), các triệu chứng suyễn vẫn tiếp tục không kiểm soát được.

Nếu đó là trường hợp của bạn, bạn mắc một tình trạng gọi là “suyễn nặng”. Hội Hô hấp Châu Âu (European Respiratory Society – ERS) định nghĩa đó là suyễn cần mức độ điều trị cao với hai loại thuốc ngừa cơn để ngăn nó không trở nên mất kiểm soát, hoặc là suyễn vẫn tiếp tục mất kiểm soát dù mức độ thuốc cao như vậy.

Các thầy thuốc vẫn đang trong quá trình cố gắng để hiểu tại sao một số bệnh nhân lại mắc bệnh suyễn nặng như vậy và để tìm ra những phương pháp tốt nhất để điều trị họ.

Các chuyên gia nghĩ rằng suyễn không chỉ là một tình trạng mà mỗi bệnh nhân bị ảnh hưởng một cách khác nhau. Những nỗ lực nghiên cứu hiện nay nhằm vào những kiểu gen khác nhau ở bệnh nhân suyễn nặng để thử nghiệm và hiểu được cách bệnh nhân đáp ứng với các điều trị khác nhau trong bệnh này.

Tôi nên điều trị như thế nào?

Nếu thầy thuốc của bạn khẳng định bạn bị suyễn nặng, có một số cách điều trị có thể được xem xét. ERS đã xuất bản những hướng dẫn về suyễn nặng, đưa ra những khuyến cáo cho các thầy thuốc về cách điều trị tình trạng này. Bạn có thể đọc bản hướng dẫn điều trị dành cho bệnh nhân để hiểu biết thêm về các bước điều trị có liên quan. Hãy đọc www.europeanlung.org/projects-and-research/task-forces/

 

Nguồn: European Lung Foundation
http://www.europeanlung.org/assets/files/publications/severe_asthma_en.pdf
Trần Thanh Xuân dịch

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *