LỊCH SỬ CỦA ĐÀM TRONG BỆNH SUYỄN

Ernst Victor von Leyden (1832-1910 phát hiện các tinh thể trong đàm người bệnh suyễn và nghi ngờ rằng chúng là nguyên nhân của suyễn. Trong thời đại của ông, ông là người ủng hộ nhất giả thuyết phế quản của BS. Robert Bree. Ông tin rằng các tinh thể này bằng cách nào đó kích thích “thần kinh phế vị trong màng niêm mạc của phế quản và gây ra phản xạ co thắt các cơ vòng của phế quản nhỏ.”

 

Hầu hết mọi người đều ghê tởm đàm và do đó không quan tâm đến nó. Nhưng từ năm 400 trước Công nguyên, có khi còn sớm hơn nữa, các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại đã chú ý đến tầm quan trọng y học của nó.

Nếu bạn nói đến đàm trong buổi ăn tối, mẹ của bạn có thể đánh vào tay nhắc bạn. Nhưng để hiểu được đầy đủ lịch sử của bệnh suyễn và bệnh hô hấp, chúng tôi đào sâu chủ đề đàm. Xin lỗi bạn, nhưng chúng tôi phải làm.

Từ rất sớm trong lịch sử, người ta ắt đã quan sát được rằng người có vấn đề về hô hấp khạc ra đàm, đôi khi có mùi thối, thường có các màu khác nhau như đỏ, vàng, nâu và trắng.

Nhưng thay vì kinh sợ bề ngoài của đàm, các triết gia Hy Lạp bị nó lôi cuốn. Họ thậm chí phân loại nó theo một trong bốn khí chất, từ đó phân loại tính chất của một người, và cũng xác định họ có bệnh hay không.

Trước thời y học triết học của các vị Hy Lạp cổ đại, các cộng đồng cổ đại, và các dòng họ lang thang trên đất đai trước mặt họ, tin rằng đàm là sản phẩm của ma quỹ hoặc của chúa trời. Khi một người khạc ra đàm, họ chính là khạc ra một chất độc hại, vốn gây ra các triệu chứng mà họ mắc phải.

Từ thế giới cổ đại đến lúc cách mạng khoa học, có ít thay đổi trong cái cách các thầy thuốc nhìn nhận bệnh và điều trị bệnh nhân. Vào năm 1799 BS. Robert Bree cho rằng đàm có chứa một chất độc đang cố gắng thoát ra khỏi cơ thể và gây ra suyễn. Giả thuyết này không khác nhiều với bất cứ một ý tưởng nào mà Hippocrates đã đưa ra.

Bởi vì đàm xuất hiện trước cơn suyễn, Bree nghĩ rằng suyễn chủ yếu là viêm phế quản, và từ đó tạo ra giả thuyết khí quản của suyễn. Người khác, không có chứng cứ nào khác, cho rằng suyễn tạo ra đàm chứ không phải đàm gây ra suyễn.

Suy nghĩ này dần dần phai nhạt, nhưng thực tế không bao giờ mất đi trong suốt cuộc cách mạng khoa học. Nhờ sự phát minh ra kính hiển vi, các thầy thuốc thấy được rằng cơ thể con người được cấu tạo bằng những vật chất nhỏ không thể thấy được bằng mắt thường; và ống nghe, cho phép các thầy thuốc nghe được những thay đổi xảy ra bên trong lồng ngực và chẩn đoán các bệnh một cách chính xác trước khi mổ xác.

Kính hiển vi cho phép các thầy thuốc biết được rằng các đường thở được bao quanh bởi cơ trơn và cơ này có khả năng co thắt khi bị kích thích. Ống nghe cho phép nghe được khi đàm tích tụ trong ngực và biết được rằng đàm là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của suyễn.

Từ trước những năm 1850 khá lâu, suyễn cơ bản được xem là một bệnh do có đàm quá nhiều, chủ yếu bởi vì tất cả các thầy thuốc chỉ quan sát được như vậy với tai mắt bình thường không có dụng cụ.

Đến những năm 1850 đã khá rõ suyễn là một bệnh đi cùng với các co thắt của đường hô hấp, nhất là các tiếng thở rít khò khè (wheezes) do không khí lưu thông qua các đường hô hấp bị co hẹp và tiếng ran (rhonchi) nghe được khi không khí lưu thông qua lớp đàm bao bọc đường hô hấp.

Năm 1851, BS. Beau, cùng với trợ lý Cozart, quan sát được rằng các cơn suyễn thường chấm dứt khi cục đàm được khạc ra. Beau sử dụng quan sát này như là bằng chứng ủng hộ giả thuyết cho rằng suyễn là một bệnh có nhiều đàm mạn tính và rằng suyễn do tăng đàm trong đường thở gây ra.

Khi đàm khô lại, cục chất nhày hình thành, có thể chẹn các đường hô hấp, gây ra khó thở và các triệu chứng khác của suyễn, kể cả ‘tiếng ran vang và rít’ (rales vibrants) nghe được bằng ống nghe.

Cơn suyễn, do đó được giải quyết khi cục chất nhày bị phá tan bởi cơn ho.

Sau đó vào năm 1878, lúc mà hầu hết các thầy thuốc chấp nhận giả thuyết thần kinh và co thắt, J.B. Berkart sử dụng nghiên cứu của Beau làm bằng chứng cho giả thuyết phế quản của bệnh suyễn.

Berkart nói:

“Với việc di chuyển cục chất nhày vào phế quản lớn hơn, hoặc được tống ra nhờ cơn ho, khó thở ngưng, cùng lúc các tiếng ran biến mất. Dạng viêm phế quản này, theo ý kiến của Beau và Crozant, một phần do khí chất riêng của bệnh nhân, một phần do các nguyên nhân kích phát, vốn thay đổi nhiều ở những bệnh nhân khác nhau.”

Các tinh thể nhỏ bé được Jean Martin Charcot quan sát lần đầu tiên trong đàm vào năm 1951, nhưng mãi đến năm 1872 Ernst Victor von Leyden mới liên kết chúng với bệnh suyễn. Do đó lịch sử ghi danh phát minh này cho cả hai người bằng cách gọi chúng này là các tinh thể Charcot-Leyden.

Leyden, mà giả thuyết suyễn của ông giống như giả thuyết phế quản của BS. Bree, tin rằng các tinh thể Charcot-Leyden gây ra suyễn bằng cách kích thích các tận cùng ngoại biên của dây thần kinh phế vị, và tạo ra co thắt phản xạ của cơ phế quản.”

Cơn kịch phát suyễn, như Bree và Breau đã quan sát, chấm dứt khi cục đàm được khạc ra trong cơn ho.

Tuy nhiên, chính việc phát hiện ra các tinh thể Charcot-Leyden lại cuối cùng kết thúc giả thuyết phế quản của suyễn. Điều này được BS. John Charles Thorowgood ghi nhận năm 1878. Ông nói rằng các tinh thể này được tìm thấy trong đàm của những bệnh nhân có “đàm thông thường và viêm phế quản bạch hầu.”

Thorowgood nói:

“Bệnh nhân suyễn trong cơn biểu hiện nhiều triệu chứng nặng nhọc; và dù vậy, khi xấu đến cực độ, và bệnh nhân gần như thở hơi cuối cùng, sự hồi phục xuất hiện, co thắt giảm, không khí đi vào hai phổi và cơn kịch phát lui, thường đồng thời với ho thật nhiều và khạc đàm.”

Năm 1879, nhà vi sinh Paul Erlich phát hiện ra tế bào ái toan, và ngay sau đó phát hiện rằng bạch cầu ái toan tăng cao trong người bệnh suyễn.

Năm 1882, Heinrich Curshman quan sát thấy các thể xoắn trong đàm của suyễn và tin rằng chúng liên quan với việc gây ra suyễn. Ông tin rằng do các tinh thể Leyden không gây ra suyễn, có lẽ các tinh thể của ông gây ra.

Sau này các tinh thể Curshmann được xác định là những mảnh nhỏ của cục đàm đồng hành với suyễn, và các tinh thể Leyden được xác định là những mảnh nhỏ của tế bào ái toan. Tế bào ái toan sau đó được biết là một loại bạch cầu, cùng với dưỡng bào (mastocyte), có liên quan đến phản ứng dị ứng.

Năm 1911, Hermann Sahli mô tả bạch cầu ái toan trong đàm người suyễn. Dù Sahli ghi nhận rằng một tác giả khác từ năm 1891 đã mô tả bạch cầu ái toan trong máu người suyễn, và ông kết luận rằng bạch cầu ái toan phải là nguyên nhân gây bệnh suyễn. Ông cũng ghi nhận rằng không biết được nguyên nhân và nguồn gốc của bạch cầu ái toan.

Sahli có thể khu trú nơi đàm xuất phát dựa trên các tế bào thượng bì trong đàm, nhưng ông không hiểu được cơ chế sản xuất đàm như chúng ta biết ngày nay.

  1. James Adams mô tả đàm trong suyễn năm 1913:

“Đàm trong suyễn thay đổi. Thường không có trước lúc kết thúc cơn kịch phát; sau đó nó có dạng điển hình là viên nhỏ, dai, được khạc ra bởi cơn ho dữ dội. Cơn kịch phát có thể chấm dứt sau đó, hoặc có thể tiếp tục diễn tiến cho đến khi một lần khạc đàm khác dễ dàng hơn và nhiều đàm hơn.”

Ông cũng viết:

“Đàm không dễ dàng phân rã, và được cho rằng vô khuẩn một cách lạ lùng; nhưng điều này không phải luôn luôn xảy ra, bởi vì tôi đã thỉnh thoảng thấy đàm chứa đầy vi khuẩn.”

Mục đích thật sự của đàm là cuốn lấy vi khuẩn trong phổi và đẩy chúng ra ngoài, và theo cách này hai phổi được vô khuẩn. Chắc chắn rằng suyễn có thể bị gây ra bằng cách hít một vi sinh vật như vi khuẩn vào, nhưng suyễn cũng có thể gây ra bởi các tác nhân kích thích (mạt bụi, khói, hóa chất, chất ô nhiễm, lông thú), và các yếu tố không nhiễm trùng, vốn vô hại đối với hầu hết mọi người.

Điều này giải thích tại sao Adams thường tìm thấy đàm trong hen không có một yếu tố nhiễm trùng nào, và đôi khi lại “đầy vi khuẩn.”

Trở lại năm 1906, nhà nhi khoa người Úc Clemons van Pirquet tạo ra từ dị ứng (allergy) khi ông quan sát thấy một số bệnh nhân nhạy cảm với các chất vốn không gây khó cho người khác (chúng ta ngày nay gọi là dị nguyên (allergen) hoặc yếu tố kích phát hen (asthma trigger)). Đây là lần đầu tiên suyễn được gắn với dị ứng.

Năm 1910, histamine được phát hiện và được tìm thấy là một thành phần chính trong phản ứng dị ứng. Do đó một số người nghĩ đến việc tìm ra một phương pháp ngăn chận histamine để chữa khỏi cả dị ứng và suyễn.

Năm 1946, thuốc kháng histamine được đưa vào thị trường và trong vòng một thập niên, chúng trở thành một trong những thuốc được kê toa thường gặp nhất.

Dần dần người ta biết được rằng không chỉ có histamine trong suyễn và dị ứng. Người ta biết rằng hệ thống miễn dịch suyễn và dị ứng đáp ứng một cách vô lý với dị nguyên và các yếu tố kích phát suyễn bằng cách tăng sản xuất bạch cầu ái toan và điều này gây ra viêm các cơ vòng phế quản.

Một vũ khí khác của hệ miễn dịch là dưỡng bào, vốn bao lót đường hô hấp và mắt, chúng được phát hiện năm 1953.

Năm 1967, kháng thể immunoglobulin E (IgE) được phát hiện. Sau đó người ta biết rằng IgE có một vai trò quan trọng trong phản ứng suyễn và dị ứng. Lần đầu tiên người bệnh suyễn phơi nhiễm các yếu tố kích phát (dị nguyên – allergen), như mạt bụi, hệ thống miễn dịch phát sinh kháng thể IgE mạt bụi, gắn vào dưỡng bào lót lớp thượng bì của da và đường hô hấp.

Lần thứ hai người này phơi nhiễm dị nguyên (mạt bụi trong trường hợp này), một dưỡng bào, vốn đã có kháng thể IgE chống mạt bụi gắn vào nó, nổ tung và phóng thích chất bên trong nó: các chất trung gian của viêm. Một chất trung gian của viêm gọi là histamine được phát hiện vào năm 1910, và các chất khác gọi là cytokines và leukotrienes được khám phá vào những năm 1970.

Các chất trung gian này, khi được phóng thích vào tuần hoàn máu, gây viêm đường hô hấp, do đó gây ra các phản ứng dị ứng và suyễn.

Ở người dị ứng, chúng cũng có thể gây viêm đường hô hấp trên, bao gồm phía sau họng và mũi. Chất gây rối (bụi trong trường hợp này) được hệ thống miễn dịch nhận biết, bắt lấy trong lớp niêm mạc, hấp thu vào niêm mạc, cuộn bởi chất nhày và gửi tiếp nó lên đường hô hấp để được ho ra ngoài.

Điều này giải thích những gì BS. Bree, Bee và Berkart đã quan sát được. Trong khi khạc một cục đàm có thể có liên quan đến cơn suyễn, nó không phải là nguyên nhân, và không dính dáng gì đến việc chữa trị.

Sau này, người ta biết rằng hai phổi suyễn có khuynh hướng sản xuất một số tế bào tiết chất nhày (goblet cell) bất thường, điều này khiến cho việc sản xuất chất nhày tăng lên bất thường trong cơn kịch phát suyễn. Trong khi một số đàm được ho ra ngoài, một số bị giữ ở các đường hô hấp có tắc nghẽn, khô đi để thành các cục chất nhày và điều này càng làm tắc nghẽn đường hô hấp, góp phần vào phản ứng suyễn.

Khi cơn suyễn chấm dứt, khi đường hô hấp giãn và nở rộng, theo thời gian hay do thuốc men, người suyễn thường có thể sẽ ho ra đàm này. Nếu không có vi khuẩn hoặc vi rút bị cuộn bên trong, đàm sẽ có màu trắng và vô khuẩn. Nó cũng sẽ có IgE và bạch cầu ái toan bên trong, cũng như các tinh thể Charcot-Leyden và Curshmann.

Do đó dễ hiểu rằng việc khạc đàm ở cuối cơn hen có thể được giải thích sai là nguyên nhân, thay vì là kết quả của suyễn.

Nguồn: Hardluck Asthma
http://hardluckasthma.blogspot.com/2011/05/1913-asthma-sputum.html
Trần Thanh Xuân dịch