Gần 4 triệu người chết trên toàn cầu mỗi năm do Hen, COPD

Ở các nước nghèo, các bệnh hô hấp này thường không được chẩn đoán, không được điều trị

16.8.2017 (HealthDay News) – Hai bệnh phổi mạn tính chủ yếu – hen và COPD – giết chết gần 4 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, một báo cáo mới cho biết.

Nghiên cứu tính toán rằng 3,2 triệu người chết trong năm 2015 vì COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) – một nhóm các tình trạng phổi bao gồm khí phế thủng và viêm phế quản mạn tính, thường gắn liền với hút thuốc lá. Hen suyễn gây nên 400.000 tử vong nữa, báo cáo này cho biết.

Trong lúc hen suyễn thường gặp hơn, COPD lại gây tử vong nhiều hơn nhiều. Và trong lúc cả hai tình trạng này đều có thể điều trị được, lại còn nhiều người vẫn không được chẩn đoán hoặc không được điều trị. Ngoài ra, ở nhiều nước, điều trị – nếu có – có thể ở mức không đầy đủ, tổ nghiên cứu nói thêm.

“Mặc dù phần lớn gánh nặng (do các bệnh này) có thể phòng ngừa được hoặc điều trị được với những can thiệp có thể chi trả được, các bệnh này nhận được ít sự quan tâm hơn là các bệnh không lây nổi bật khác như bệnh tim mạch, ung thư hoặc tiểu đường,” Ông Theo Vos, tác giả báo cáo, giáo sư tại Đại học Washington, Seattle nói. Ông nói trong bản tin từ The Lancet Respiratory Medicine, công bố nghiên cứu vào ngày 16.8.2017.

Hút thuốc lá và ô nhiễm không khí là các nguyên nhân hàng đầu của COPD, các tác giả lưu ý. Các nguyên nhân của hen suyễn ít chắc chắn hơn, nhưng được nghĩ rằng gồm có các dị nguyên và hút thuốc lá.

Một chuyên gia về sức khỏe hô hấp đồng ý rằng cả hai bệnh đều tạo nên gánh nặng lên sức khỏe, nhưng có thể điều trị được.

“Hen suyễn có thể kiểm soát tương đối dễ dàng và thậm chí hồi phục được với thuốc men,” BS. Len Horovitz, chuyên gia hô hấp tại bệnh viện Lenox Hill, New York lưu ý.

“Và trong khi COPD cũng điều trị được, tác hại phổi là vĩnh viễn và quá trình lão hóa tự nhiên của phổi, là sự mất mát của phế nang (mô phổi), tiếp tục tiến triển hoặc tăng lên,” ông nói thêm. “Do sự suy giảm chức năng phổi kéo dài cả đời, còn hen suyễn lại không có vấn đề này.”

Ông Vos và đội ngũ của ông nói rằng, nhìn chung, các bệnh này đã trở nên ít gặp hơn và bớt gây tử vong hơn từ năm 1990, khi xét theo tỷ lệ. Nhưng số lượng tuyệt đối các ca bệnh toàn cầu đã tăng lên vì dân số tăng lên trên toàn cầu – và thêm nữa là có nhiều người cao tuổi hơn.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng COPD tác hại nặng nề nhất đến các nước: Ấn Độ, Lesotho, Nepal và Papua New Guinea. Hen suyễn là một gánh nặng đặc biệt cao ở các nước: Afghanistan, Cộng Hòa Trung Phi, Fiji, Kiribati, Lesotho, Papua New Guinea và Swaziland.

Trong một bình luận báo chí, Onno van Schayck, Đại học Maastricht, Hà Lan nói rằng chất đốt nấu ăn trong nhà – thí dụ như củi và than – vẫn là nguồn gây bệnh hô hấp chủ yếu ở các nước nghèo.

Việc sử dụng các chất đốt này “là một trong những nguyên nhân to lớn nhất của ô nhiễm không khí,” ông nói. “Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới sử dụng than củi làm nguồn chất đốt nấu ăn chính, gây nên một gánh nặng tổn hại và tử vong cao. Để làm giảm ô nhiễm không khí trong nhà, cần chuyển sang một nguồn chất đốt sạch hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải bao giờ cũng khả thi do hạn chế tiền bạc hoặc nơi ăn ở, nhất là vùng ổ chuột ngoại ô.”

Các can thiệp nhằm thay thế các bếp lò tạo khói bằng các lò rẻ tiền, sạch sẽ hơn nên được tiến hành nhằm cắt giảm gánh nặng hen suyễn và COPD toàn cầu, ông Van Schayck nói.

Nguồn: MedlinePlus
https://medlineplus.gov/news/fullstory_167852.html
Trần Thanh Xuân dịch