Ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ ở trẻ em

 

Ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ (obstructive sleep apnea – OSA) là một vấn đề ảnh hưởng đến hô hấp của con bạn lúc ngủ. Nghẽn tắc là tắc luồng không khí đi vào hai phổi. Ngưng thở nghĩa là dừng thở trong ít nhất 10 giây. Trẻ em (hoặc người lớn) bị ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ có những lúc trong khi ngủ không khí không thể lưu thông bình thường vào hai phổi.

Những lúc ngưng luồng khí này xảy ra và biến mất trong lúc ngủ. Trẻ ngưng thở thường xuyên có chất lượng giấc ngủ kém. Theo thời gian, ngưng thở lúc ngủ không điều trị có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khoảng 10 phần trăm trẻ em ngủ ngáy đều đặn, nhưng chỉ 1 đến 3 phần trăm trẻ em ngủ ngáy bị ngưng thở lúc ngủ.

Cái gì gây ra ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ ở trẻ em?

Các yếu tố nguy cơ là những gì có thể khiến con bạn bị ngưng thở lúc ngủ. Trẻ có thể có nhiều yếu tố nguy cơ ngưng thở lúc ngủ. Con bạn càng có nhiều yếu tố nguy cơ, càng nhiều khả năng bị ngưng thở lúc ngủ. Các yếu tố nguy cơ ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ ở trẻ em gồm có:

+ Amiđan và/hoặc VA to: Amiđan và/hoặc VA to có thể làm tắc đường thở. Đây là yếu tố nguy cơ ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ thường gặp nhất ở trẻ em. Amiđan và VA là các hạch bạch huyết. Amiđan nằm ở hai bên thành sau họng. VA nằm cao trong họng, phía sau mũi, và không dễ nhìn thấy được qua miệng. Cả hai có thể phát triển thành số lượng lớn mô, gây nghẽn tắc phía sau họng. Các tình trạng bệnh như dị ứng, trào ngược acid, bệnh tế bào hình liềm, hoặc nhiễm trùng thường xuyên có thể khiến amiđan hoặc VA phát triển to lớn hơn. Nhiều trẻ em có amiđan hoặc VA to, nhưng không phải tất cả sẽ bị ngưng thở lúc ngủ.

+ Béo phì: Trẻ em quá béo phì nhiều khả năng bị ngưng thở lúc ngủ hơn.

+ Vấn đề về trương lực cơ: Trẻ em có thể có rắc rối về hô hấp trong lúc ngủ do các cơ họng dãn ra và làm tắc đường thở. Điều này có thể xảy ra ở bất cứ trẻ em nào, nhưng đặc biệt là trong tình trạng như teo cơ và bại não.

+ Các hội chứng gen: Trẻ em bị bệnh gen như hội chứng Down và hội chứng Prader-Willi có thể bị ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ.

+ Mặt hoặc họng hình dạng bất thường: Trẻ em có hình dạng bất thường ở mặt hoặc họng có nguy cơ ngưng thở lúc ngủ. Thí dụ cằm hoặc họng nhỏ, lưỡi lớn hoặc hở hàm ếch (lỗ trên vòm miệng) có thể dẫn đến ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ.

+ Các vấn đề với kiểm soát hô hấp: Một vài vấn đề trong não có thể ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ trong lúc ngủ.

+ Tiền sử gia đình: Ngưng thở lúc ngủ có xảy ra trong dòng họ, nguy cơ ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ của trẻ có thể tăng lên nếu một thành viên khác trong gia đình bị ngưng thở lúc ngủ.

Làm sao tôi biết được con tôi bị ngưng thở lúc ngủ?

Có nhiều dấu hiệu con bạn có thể bị ngưng thở lúc ngủ. Trong lúc ngủ, con bạn có thể:

+ Ngáy có thể lớn có thể nhỏ. Ngáy có thể xuất hiện và biến đi trong đêm, nhưng nghe được mỗi đêm.

+ Thở ồn ào, nặng hơn khi con bạn nằm ngửa.

+ Dừng thở. Có vẻ con bạn ngưng thở một lúc ngắn, sau đó bắt đầu thở lại, thường với một ‘thở dài’.

+ Gặp khó khăn khi thở qua mũi, trẻ cần phải giữ miệng mở ra. Điều này cũng có thể xảy ra vào ban ngày.

+ Trăn trở không yên và tư thế ngủ không bình thường.

+ Thức giấc thường xuyên.

+ Đái dầm, nhất là nếu con bạn thường không đái dầm về đêm.

Ngủ kém trong đêm dẫn đến những khó khăn vào ban ngày. Vào ban ngày, trẻ bị ngưng thở lúc ngủ có thể:

+ Kém chú ý hoặc hoạt động kém trong trường học.

+ Kích động hoặc các vấn đề hành vi khác.

+ Nhân cách thay đổi như tính khí thất thường, cáu kỉnh hoặc kích động.

+ Buồn ngủ – ngủ gục trong lớp hoặc ngủ ngày vào những lúc không bình thường.

+ Mệt mỏi cực kỳ.

+ Nhức đầu, nhất là vào buổi sáng.

+ Nói giọng mũi.

Những vấn đề gì có thể xảy ra với ngưng thở lúc ngủ không điều trị?

Ngưng thở lúc ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con bạn. Nếu không điều trị, ngưng thở lúc ngủ có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng sớm hay muộn. Một số trẻ bị ảnh hưởng đến sự phát triển. Ngưng thở lúc ngủ cũng có thể làm trở nặng các tình trạng bệnh khác. Dần dà, ngưng thở lúc ngủ có thể gây ra tăng huyết áp và dẫn đến nguy cơ cao hơn bị bệnh tim mạch và tử vong.

Làm sao tôi biết được con tôi bị ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ?

Để biết con bạn có bị ngưng thở lúc ngủ hay không, hãy bắt đầu bằng việc nhờ bác sĩ lập bệnh sử và khám để tìm các dấu hiệu và triệu chứng của ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ. Bạn có thể cần quay video lúc con bạn ngủ và gửi bác sĩ xem. Ngưng thở lúc ngủ thường được chẩn đoán bằng cách thực hiện đa ký giấc ngủ (nghiên cứu tại phòng khảo sát giấc ngủ vào ban đêm). Trong khảo sát giấc ngủ này, nỗ lực hô hấp, nồng độ oxy, nhịp tim, hoạt động điện não và tình trạng ngủ của con bạn được ghi lại. Các thử nghiệm khác có thể được thực hiện tùy theo tình trạng của con bạn và các yếu tố nguy cơ.

Ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ ở trẻ em được điều trị ra sao?

Nhiều loại điều trị có thể được thực hiện để kiểm soát ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ của con bạn. Nhiều khi, phải điều trị theo một vài cách để tìm ra điều trị nào hữu hiệu nhất đối với con bạn. Các điều trị gồm có:

1. Giảm cân: Nếu con bạn quá cân, hãy nói chuyện với bác sĩ về một chương trình kiểm soát cân nặng an toàn, hữu hiệu.

2. Tư thế ngủ: Ngưng thở lúc ngủ thường nặng hơn khi nằm ngửa. Hãy giữ con bạn ngủ nằm nghiêng một bên. Đặt gối sau lưng để ngăn trẻ lăn qua nằm ngửa. Sử dụng gối để giúp con bạn ngủ đầu cao hơn cũng có thể hữu ích.

3. Điều trị dị ứng mũi: Dị ứng có thể gây sưng phù mũi, có thể gây ra hoặc làm ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ nặng thêm. Dị ứng có thể điều trị được. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng con bạn bị dị ứng, khiến ngủ ngáy.

Nếu những điều trị này không hữu hiệu, phẫu thuật hoặc thiết bị ngủ được khuyến cáo.

Loại phẫu thuật gì được tiến hành cho ngưng thở lúc ngủ?

Phẫu thuật cắt bỏ amiđan và VA có thể hữu ích đối với nhiều trẻ em. Các triệu chứng ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ cải thiện sau khi phẫu thuật. Một số trẻ cần phải khảo sát giấc ngủ 2-3 tháng sau khi phẫu thuật. Mở khí quản được tiến hành ở trẻ em bị ngưng thở lúc ngủ nặng, đe dọa tính mạng. Trong thủ thuật này, khí quản được mở một lỗ và đặt ống vào. Có nhiều loại phẫu thuật khác đã được thử nghiệm ở họng hoặc lưỡi, nhưng chúng thường không thành công bằng một thiết bị gọi là CPAP mũi.

CPAP mũi là gì?

Áp suất dương đường thở liên tục qua mũi (continuous positive airway pressure – CPAP) là điều trị hữu hiệu và thường gặp nhất đối với ngưng thở lúc ngủ đã không chữa được bằng phẫu thuật. Thiết bị CPAP là một máy ép đẩy khí vào một mặt nạ mang khít trên mũi trong lúc ngủ. Áp suất đẩy khí vào mũi và họng để ngăn họng xẹp lại trong lúc ngủ. Mục đích là giúp con bạn ngáy ít hoặc không ngáy khi mang CPAP. Một thiết bị tương tự gọi là áp suất dương đường thở hai thì (bilevel positive airway pressure – biPAP). Loại thiết bị này có áp suất dao động, cao lúc hít vào và thấp hơn lúc thở ra. Mức áp suất được cho có thể test trong khảo sát giấc ngủ để xem nó có kiểm soát được ngưng thở của con bạn không.

 

Nguồn: American Thoracic Society
http://patients.thoracic.org/wp-content/uploads/2014/04/ATS-Patient-Ed-OSA-Peds-for-IT-April-2014.pdf
Trần Thanh Xuân dịch