HEN CÓ THỂ CHỮA KHỎI HOÀN TOÀN KHÔNG?

Hiện nay, với sự tiến bộ của y khoa, đã có nhiều bệnh được chữa khỏi hoàn toàn. Vậy bệnh hen phế quản có được chữa khỏi hoàn toàn không đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Xoay quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hen – Dị ứngMiễn dịch Lâm sàng TP. HCM.

Thưa PGS, hiện nay có nhiều bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn, vậy bệnh hen nằm trong số những bệnh này không?

– PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Đến thời điểm hiện nay, cả trong Đông Y và Tây Y đều công nhận chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh hen. Nhưng mà tin vui là chúng ta có thể kiểm soát tốt bệnh hen nếu được điều trị đúng cách. Một bệnh nhân hen tuân thủ tốt các khuyến cáo của Bác sĩ thì có thể làm việc, sinh hoạt như một người bình thường.

PGS Tuyết Lan dẫn chứng: “Bằng chứng là có những vận động viên Olympic bị hen vẫn đạt Huy chương vàng. Bệnh nhân bị hen có thể yên tâm theo phác đồ bác sĩ chỉ định. Điều luôn luôn phải ghi nhớ là điều trị hen bằng thuốc chứa Corticosteroid dạng hít, không phải dạng uống hay dạng tiêm. Các thuốc chứa Corticosteroid dạng uống hay dạng tiêm đều gây ra nhiều tác dụng phụ toàn thân, nhưng dạng hít thì hiệu quả và an toàn hơn. Bệnh nhân chỉ cần súc miệng sau khi dùng thuốc để hạn chế các tác dụng phụ.” Vì vậy, PGS Tuyết Lan khuyên bà con hãy yên tâm và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì bệnh hen sẽ được kiểm soát hoàn toàn.

Thưa PGS, hen thoái lui và hen được chữa dứt điểm khác nhau như thế nào ?

– PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Một số bệnh nhân hen sau một thời gian điều trị, thấy không còn triệu chứng, thường cho rằng bệnh đã khỏi và tự ý ngưng thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn thống nhất với nhau rằng, bệnh hen không thể chữa dứt điểm. Vì vậy, chỉ có thể khẳng định rằng, đây là tình trạng hen đã được thoái lui. Điều này có nghĩa là bệnh hen không còn thể hiện về mặt lâm sàng, không ho, không khạc đàm, không khó thởlên cơn. Nhưng nếu làm xét nghiệm sâu hơn như thăm dò chức năng hô hấp, các nền viêm, phản ứng của đường dẫn khí thì có thể hen vẫn còn đó.

PGS Tuyết Lan kết luận: “Vì vậy, nếu bệnh nhân thấy không còn các triệu chứng gì nữa thì đây chỉ là tình trạng hen thoái lui. Vì bệnh hen không thể điều trị dứt điểm nên lúc nào bệnh nhân cũng phải có thuốc của bác sĩ chỉ định. Bác sĩ sẽ luôn cố gắng tìm liều thấp nhất và có hiệu quả nhất cho bệnh nhân.”

Xin chân thành cảm ơn PGS.

Như vậy qua buổi trao đổi với PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, chúng ta có thể thấy rằng hen là một bệnh mạn tính có thể kiểm soát tốt. Bệnh nhân hen không nên tự ý ngưng thuốc khi thấy không còn triệu chứng và luôn tái khám đúng hẹn để bác sĩ điều chỉnh liều phù hợp. Nếu có thể, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Hô hấp hoặc Dị ứng – Miễn dịch tại phòng khám để có được những lời khuyên phù hợp.Trần Thanh Lộc