Ngủ là một trong 4 những nhu cầu tối cần thiết của cơ thể. Một giấc ngủ sâu và ngon lành sẽ giúp bạn tràn đầy sinh lực, sẵn sàng cho một ngày dài làm việc. Vậy còn những khi bạn thiếu ngủ hoặc lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ?
Khi không được ngủ đủ, bạn sẽ cảm thấy kém linh lợi, sôi nổi và thậm chí còn cảm thấy mệt mỏi, dễ cáu kỉnh. Thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn ảnh hưởng tới thể chất và các hoạt động xã hội. Bạn dễ mất tập trung khiến các mối quan hệ trở nên tẻ ngắt, đầy khó chịu và hiệu quả công việc bỗng trở thành không tưởng.
Ngủ là gì?
Mỗi người đều phải dành 1/3 cuộc đời của mình chỉ để rơi vào trạng thái vô thức – giấc ngủ. Nhưng chính xác thì điều gì đã xảy ra trong khi bạn đang ngáy o…o…?
Trong khi ngủ, bạn sẽ trải qua 6 trạng thái:
Ngủ có ý thức: Một đêm, chúng ta thường phải trải qua một 3 – 10 lần “bị đánh thức” như vậy. Tuy nhiên, bạn hầu như không ý thức được những giai đoạn đó. Thật ra, đó là một cơ chế bảo vệ, giúp bạn ý thức được những gì đang xảy ra xung quanh.
Giai đoạn 1. Bạn bắt đầu chìm vào giấc ngủ nhưng ở tình trạng vừa ngủ vừa không ngủ (lơ mơ) và rất dễ bị đánh thức khi có bất cứ tiếng động hay sự chuyển động. Các cơ bắp bắt đầu thả lỏng và mắt cũng di chuyển chậm hơn.
Giai đoạn 2. Sang đến giai đoạn này, các cơ bắp đã được thư giãn hoàn toàn. Xung động trên não ngày càng chậm dần dù thỉnh thoảng hoạt động của não lại được tăng cường. Một nửa thời gian của giấc ngủ sẽ nằm ở giai đoạn này.
Giai đoạn 3 và 4. Giấc ngủ sâu. Những xung động trên vỏ não lúc nhanh lúc chậm. Hơi thở trở nên nhịp nhàng và các cơ bắp hoàn toàn được thư giãn. Ở thời điểm này, cơ thể bạn bắt đầu sản xuất ra các hooc môn.
Giai đoạn từ 1 đến 4 là giai đoạn con ngươi của mắt chuyển động không nhanh.
Mắt chuyển động nhanh. Ở giai đoạn này, các cơ bắp hoàn toàn được nghỉ ngơi. Hơi thở và nhịp tim trở nên nhanh và không đều, áp huyết cũng thay đổi và con ngươi cũng chuyển động nhanh hơn. Các xung động của não bắt đầu hướng tới sự tỉnh táo.
Các nhà khoa học tin rằng đây là giai đoạn mà não bộ tổ chức và sắp xếp lại những dữ kiện cần ghi nhớ và cùng lúc này, những giấc mơ cũng bắt đầu xuất hiện.
Nếu bạn bị đánh thức ở giai đoạn này, bạn sẽ kể lại được tường tận giấc mơ vừa trải qua.
Giai đoạn này rất ngắn thường chỉ kéo dài 5 – 10 phút.
Khi bước qua giai đoạn này, toàn bộ cơ thể bạn sẽ lại chuyển về giai đoạn 1 để chuẩn bị một chu trình mới.
Không thể ngủ
Chìa khóa điều khiển nhịp sinh học của việc thức và ngủ là ánh sáng và thông thường nhịp này sẽ diễn ra trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Khi nhịp sinh học tự nhiên của bạn bị thay đổi như ngủ nướng, thay đổi múi giờ khi đi máy bay hay một vài đêm mất ngủ, thì giấc ngủ sẽ không đến với bạn tự nhiên khi đêm xuống nữa.
Hầu như tất cả những người bị thức giấc 1 – 2 lần trong đêm, thậm chí là thức trắng đêm đều có sức khỏe rất kém. Để có thể trở lại lịch ngủ bình thường, bạn cần phải mất vài ngày. Điều kỳ diệu là chỉ cần một đêm ngủ được, mọi mệt mỏi, khó chịu của những ngày mất ngủ trước đó sẽ hoàn toàn tan biết
Mất ngủ mạn tính cũng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Thiếu ngủ mỗi ngày sẽ được “tích lũy, cộng điểm” và kết quả là chỉ cần bạn thiếu ngủ chút ít trong một đêm là đủ để làm ảnh hưởng tới hoạt động trong ngày. Hậu quả thấy rõ nhất chính là tai nạn và sự uể oải, thiếu sáng tạo trong công việc hay học tập.
Mất ngủ kéo dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể chất. Ngủ giúp hệ thống miễn dịch được phục hồi và tăng cường, giúp chống lại các vi trùng vi khuẩn.
Ngoài ra, ở một số người, chỉ cần một vài đêm mất ngủ, triệu chứng ảo giác lập tức xuất hiện.
Giấc ngủ trưa
Để hạn chế sự mất ngủ, cần phải tuân thủ nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể. Một giấc ngủ ngắn vào khoảng thời gian từ 1 – 4 giờ chiều sẽ làm bạn hưng phấn trở lại.Thời gian lý tưởng nhất cho giấc ngủ ngắn ban ngày là từ 20 – 30 phút vào buổi sáng hoặc vào buổi chiều.
Nếu không thể ngủ giấc ngắn ban ngày thì giải pháp tốt nhất là hãy đi ngủ sớm. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị mất ngủ thì một giấc ngủ ngày sẽ làm bạn khó ngủ hơn khi đêm xuống.
Đừng quá lạm dụng giấc ngủ ngày mà quên mất giấc ngủ đêm bởi chúng không đủ sức bù đắp cho những thiếu hụt về thời gian của giấc ngủ đêm đâu.
Lúc nào cũng buồn ngủ
Cuộc sống quá bận rộn đôi khi khiến bạn mệt mỏi và cảm giác buồn ngủ luôn thường trực, xâm chiếm tâm trí bạn. Hãy cứ ngủ ngay khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Ngủ cũng quan trọng như những hoạt động khi thức vậy.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên buồn ngủ, hãy tới gặp bác sĩ tâm lý để giải quyết tận gốc của vấn đề nhé.
Theo dantri