Kỳ 1: Những con số biết nói
Trong suy nghĩ của nhiều người hiện nay, y khoa – lĩnh vực trị bệnh cứu người thì phải “chuẩn không cần chỉnh” về mọi phương diện. Thực tế y học thế giới, kể cả những nước có nền y học phát triển cũng không thể tránh khỏi những tai nạn, sai sót chết người trong thực hành y khoa. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về lĩnh vực này, chúng tôi giới thiệu bài viết của GS. Nguyễn Tuấn, Đại học New South Wales, Úc.
Bệnh viện là một môi trường đầy những rủi ro, bất trắc. Năm 1995, ông Willie King, 65 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Công cộng thuộc Trường đại học Tampa (tiểu bang Florida) để phẫu thuật chân trái; nhưng các bác sĩ đã cắt nhầm chân phải của ông. Ông King trở thành tàn tật suốt đời. Mới đây, một trường hợp nhầm lẫn tương tự như thế cũng ở Mỹ đã được báo chí phanh phui rầm rộ: đó là trường hợp của cụ ông Morson Tarason, 79 tuổi, được vào bệnh viện danh tiếng thuộc Trường đại học Pennsylvania (tiểu bang Philadelphia) để phẫu thuật chữa trị lá phổi bên trái; nhưng thay vì chữa trị lá phổi bị bệnh đó, các bác sĩ đã cắt nhầm lá phổi tốt bên phải! Cụ ông Tarason không hề hay biết gì. May mắn là cụ còn sống sau hai lần phẫu thuật, nhưng tuổi thọ của cụ chắc sẽ bị giảm và cuộc sống của cụ chắc sẽ khó khăn hơn.
Một ca phẫu thuật sọ não |
Những sai sót này có khi chẳng có liên quan gì đến y đức như báo chí nói “lầm”, mà chỉ là “nhân vô thập toàn” mà thôi. Trong các bi kịch đó, ai cũng có thể là nạn nhân. Bác sĩ có thể thẳng thắn nhận lỗi về phần mình, nhưng chúng ta cũng không nên đổ lỗi cho bác sĩ, bởi vì vấn đề không phải là cá nhân, mà là quy trình hay hệ thống hoạt động trong bệnh viện mới chính là yếu tố gây ra tai nạn. Công chúng có lẽ đã kỳ vọng quá cao vào bác sĩ, nên khi sai sót xảy ra, người ta cảm thấy thất vọng. Người ta quên rằng, bác sĩ cũng là người bình thường, cũng có sai sót trong phán xét, cũng cảm tính, cũng chủ quan, cũng thiếu kiến thức… chứ không phải là những “Superman – Người siêu đẳng”. Nhìn như thế để thấy sai sót trong y khoa là điều khó tránh khỏi.
Đối với phần đông công chúng, những trường hợp như trên, nếu mới nghe qua thì thật là lạ lùng, khó tin và khó hiểu. Lạ là vì một lỗi lầm như thế lại xảy ra trong ngành nghề có chức năng chính là cứu người, chữa trị người bị bệnh và làm dịu bớt những cơn đau thể xác và tinh thần, một ngành nghề hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản là “trước hết, không hại người”. Ấy thế mà những lỗi lầm tưởng như chuyện không tưởng này lại vẫn thường xảy ra trong bệnh viện trên thế giới. Tuy ở nước ta chưa có nghiên cứu về nhầm lẫn y khoa để rút ra những bài học kinh nghiệm, nhưng ở các nước Tây phương, đặc biệt là Mỹ, vấn đề này đã được nghiên cứu khá tường tận.
Những thống kê nhức nhối
Không ai biết chính xác mỗi năm có bao nhiêu người bị thiệt mạng và thương tích do những “sự cố hay nhầm lẫn” do y khoa gây ra. Nhưng, các nhà khoa học có thể ước đoán con số này. Theo một cuộc điều tra được tiến hành trên hồ sơ bệnh lý của hơn 30 ngàn bệnh nhân được chọn một cách ngẫu nhiên trong 51 bệnh viện vào năm 1984 thuộc tiểu bang New York (Mỹ), nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Harvard do GS. Lucian Leape dẫn đầu đã khám phá: có 3,7% bệnh nhân trong số hồ sơ trên bị thương tích; trong số 3,7% này, có gần 30% là do cẩu thả trong khi điều trị và 70% là do lỗi lầm của các nhân viên y tế.
Dựa theo kết quả nghiên cứu trên, Viện Y khoa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ phỏng đoán rằng, trên toàn nước Mỹ, hàng năm có khoảng 100.000 người Mỹ bị thiệt mạng vì những lỗi lầm liên quan tới điều trị trong bệnh viện. Nhưng theo báo cáo (năm 1999) của GS. Lucian Leape thuộc Trường đại học Harvard, mỗi năm có đến 120 ngàn bệnh nhân kém may mắn chết vì lỗi lầm của giới y tế và nhà thương. Trong số này, có khoảng 7 ngàn người bị chết vì những lỗi lầm về thuốc men. Chi phí hàng năm liên quan tới những trường hợp thương vong này ước tính khoảng 8,8 tỷ USD.
Thực ra, chẳng riêng gì ở Mỹ, lỗi lầm về y khoa cũng xảy ra ở các nước châu Âu và ngay cả Úc châu – một nước thường rất tự hào về an toàn y khoa trong mấy thập niên trước đây. Một nghiên cứu trên hơn 14.000 hồ sơ bệnh lý vào năm 1995 ở Úc, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Newcastle đã ghi nhận tỷ lệ thương tật là khoảng 8% (tức còn cao hơn ở Mỹ là 3,7%). Trong số 8% này, có đến phân nửa được xem là do nhầm lẫn trong chẩn đoán, điều trị phẫu thuật – tức là những nguyên nhân có thể tránh được. Con số này cũng có nghĩa là hàng năm ở Úc có khoảng 18.000 người bị chết và 50.000 người bị thương tật vĩnh viễn vì những lỗi lầm trong bệnh viện (dân số Úc lúc đó là 17 triệu).
GS. Nguyễn Tuấn
(Đại học New South Wales, Úc)