Xơ gan

cirrhosis

Xơ gan là gì?

Xơ gan là tình trạng gan thoái hóa và suy giảm chức năng từ từ do tổn thương mạn tính. Mô sẹo thay thế mô gan lành, ngăn cản một phần dòng chảy của máu qua gan. Sự hóa sẹo cũng làm giảm khả năng gan trong việc:

+ kiểm soát nhiễm trùng

+ loại bỏ vi khuẩn và độc tố khỏi máu

+ xử lý các chất dinh dưỡng, hormone và thuốc

+ tạo nên các protein điều hòa việc đông máu

+ sản xuất mật để giúp hấp thu các chất béo, kể cả cholesterol và các vitamin hòa tan trong mỡ.

Gan lành mạnh có thể tái sinh hầu hết các tế bào của chính mình khi chúng bị tổn thương. Vào giai đoạn cuối cùng của xơ gan, gan không còn thay thế các tế bào bị tổn thương một cách hữu hiệu nữa. Cần có một gan lành mạnh để sống còn.

Cái gì gây ra xơ gan?

Xơ gan có nhiều nguyên nhân. Ở Mỹ, uống nhiều rượu và viêm gan C mạn tính là các nguyên nhân thường gặp nhất của xơ gan. Béo phì đang trở thành một nguyên nhân thường gặp của xơ gan, là nguyên nhân duy nhất hoặc kết hợp với rượu, với viêm gan C hoặc kết hợp với cả hai. Nhiều người bị xơ gan có nhiều nguyên nhân gây tổn thương gan.

Xơ gan không do chấn thương gan gây ra, cũng không do các nguyên nhân gây tổn thương cấp tính, ngắn hạn.

Thông thường, cần có nhiều năm bị tổn thương mạn tính mới gây được xơ gan.

Bệnh gan do rượu. Hầu hết người uống rượu không bị tổn thương gan. Nhưng uống nhiều rượu trong vài năm có thể gây tổn thương mạn tính đến gan. Số lượng rượu uống để làm tổn thương gan thay đổi từ người này qua người khác. Đối với nữ, uống 2 đến 3 ly – kể cả bia lẫn rượu – mỗi ngày và đối với nam, uống 3 đến 4 ly mỗi ngày có thể dẫn đến tổn thương gan và xơ gan. Trong quá khứ, xơ gan do rượu dẫn đến tử vong nhiều hơn xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào khác. Tử vong do xơ gan có liên quan đến béo phì ngày càng gia tăng.

Viêm gan C mạn tính. Viêm gan virút C là một nhiễm trùng gan lây lan do tiếp xúc với máu của người đã nhiễm trùng. Viêm gan C mạn tính gây ra viêm và tổn thương gan, theo thời gian có thể dẫn đến xơ gan.

Viêm gan B và D mạn tính. Viêm gan virút B là một nhiễm trùng gan lây lan do tiếp xúc với máu, tinh dịch hoặc dịch cơ thể của người đã nhiễm trùng. Viêm gan B, cũng như viêm gan C, gây ra viêm và tổn thương gan, theo thời gian có thể dẫn đến xơ gan. Vắc xin viêm gan B được cho tất cả các trẻ và nhiều người lớn để ngăn ngừa virút. Viêm gan D là một virút khác nhiễm trùng gan và có thể dẫn đến xơ gan, nhưng nó chỉ xảy ra ở người đã có viêm gan B.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic fatty liver disease – NAFLD). Trong bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, mỡ tích tụ trong gan và cuối cùng gây ra xơ gan. Bệnh gan đang gia tăng này đi kèm với béo phì, tiểu đường, suy dinh dưỡng thiếu protein, bệnh mạch vành và các thuốc corticosteroid.

Viêm gan tự miễn. Loại viêm gan này do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào gan và gây ra viêm, tổn thương và cuối cùng là xơ gan. Các nhà nghiên cứu tin rằng các yếu tố gen có thể khiến một số người dễ mắc bệnh tự miễn. Khoảng 70 phần trăm người mắc bệnh viêm gan tự miễn là nữ.

Các bệnh làm tổn thương hoặc phá hủy ống mật. Một vài bệnh khác nhau có thể làm tổn thương hoặc phá hủy các ống dẫn mật từ gan, khiến mật ứ lại trong gan và dẫn đến xơ gan. Ở người lớn, tình trạng thường gặp nhất trong loại này là xơ gan ứ mật nguyên phát, một bệnh trong đó các ống mật bị viêm và bị tổn thương và cuối cùng biến mất. Xơ gan ứ mật thứ phát có thể xảy ra nếu các ống mật bị thắt nhằm và bị tổn thương khi mỗ túi mật. Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát là một tình trạng khác gây ra tổn thương và hóa sẹo các ống mật. Ở trẻ em, các ống mật bị tổn thương thường do hội chứng teo đường mật (hội chứng Alagille), trong đó các ống mật không có hoặc bị tổn thương.

Bệnh di truyền. Xơ hóa nang, thiếu alpha-1 antitrypsin, nhiễm sắc tố sắt, bệnh Wilson, tăng galactose huyết và các bệnh lưu trữ glycogen là các bệnh di truyền tác động đến cách gan sản xuất, xử lý và lưu trữ các enzyme, protein, kim loại và các chất khác mà cơ thể cần đến để hoạt động thích hợp. Xơ gan có thể là kết quả của những tình trạng này.

Thuốc, độc tố và nhiễm trùng. Các nguyên nhân khác của xơ gan gồm có phản ứng thuốc, phơi nhiễm hóa chất độc hại dài ngày và các lần suy tim lập đi lập lại kèm theo xung huyết gan.

Triệu chứng của xơ gan là gì?

Nhiều người xơ gan không hề có triệu chứng nào trong những thời kỳ đầu của bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể có những triệu chứng sau đây:

+ yếu người

+ mệt mỏi

+ ăn mất ngon

+ buồn nôn

+ ói

+ mất cân

+ đau bụng và đầy bụng khi dịch tích tụ trong ổ bụng

+ ngứa

+ mạch máu hình mạng nhện trên da

Biến chứng của xơ gan là gì?

Khi chức năng gan sa sút, một hoặc nhiều biến chứng có thể phát sinh. Ở một vài người, biến chứng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh này.

Phù chân và báng bụng. Khi tổn thương gan tiến triển đến giai đoạn nặng, dịch tích tụ ở hai chân, gọi là phù chân và ở bụng, gọi là báng bụng. Báng bụng có thể dẫn đến viêm phúc mạc nhiễm khuẩn, là một nhiễm trùng nặng.

Bầm tím và chảy máu. Khi gan chậm sản xuất hoặc ngừng sản xuất các protein cần thiết cho đông máu, người bệnh sẽ dễ dàng bị bầm tím hoặc chảy máu.

Tăng áp tĩnh mạch cửa. Bình thường, máu từ ruột và lá lách được mang về gan thông qua tĩnh mạch cửa. Nhưng xơ gan làm chậm dòng máu, tăng áp suất trong tĩnh mạch cửa. Tình trạng này gọi là tăng áp tĩnh mạch cửa.

Giãn tĩnh mạch thực quản và giãn tĩnh mạch dạ dày. Khi tăng áp tĩnh mạch cửa xảy ra, nó khiến các mạch máu nở rộng ở thực quản gọi là giãn tĩnh mạch thực quản, ở dạ dày gọi là giãn tĩnh mạch dạ dày, hoặc cả hai. Các mạch máu nở rộng dễ bị vỡ hơn do thành mỏng và tăng áp suất. Nếu chúng vỡ, chảy máu nặng có thể xảy ra ở thực quản hoặc phần trên dạ dày, cần được chữa trị ngay lập tức.

Lá lách to. Khi tăng áp tĩnh mạch cửa xảy ra, lá lách thường nở lớn và chứa bạch huyết cầu và tiểu cầu, làm giảm số lượng các tế bào này trong máu. Số lượng tiểu cầu thấp có thể là bằng chứng đầu tiên của người đã bị xơ gan.

Vàng da. Vàng da xảy ra khi gan bị bệnh không loại bỏ được bilirubin ra khỏi máu đúng mức, gây ra vàng da, vàng mắt và nước tiểu sậm màu. Bilirubin là sắc tố làm cho mật có màu vàng-cam.

Sỏi mật. Nếu xơ gan ngăn chận, khiến mật không dễ dàng vào và ra khỏi túi mật, mật cứng lại thành sỏi.

Dị ứng với thuốc. Xơ gan làm chậm khả năng lọc các thuốc khỏi máu của gan. Khi điều này xảy ra, các thuốc tác dụng lâu dài hơn và ứ đọng trong cơ thể. Điều này khiến cho người bệnh nhạy cảm hơn với thuốc và với các tác dụng phụ của chúng.

Bệnh não do gan. Nếu gan đang hư hỏng không thể loại bỏ các chất độc khỏi máu, chúng cuối cùng tích tụ ở não. Sự tích tụ chất độc ở não – gọi là bệnh não do gan – có thể làm giảm chức năng tinh thần và gây hôn mê. Các dấu hiệu của suy giảm chức năng tinh thần gồm có lú lẫn, thay đổi nhân cách, mất trí nhớ, khó tập trung và thay đổi thói quen ngủ.

Kháng insulin và tiểu đường type 2. Xơ gan gây ra kháng insulin, là một hormone do tụy tạng sản xuất, giúp cơ thể sử dụng glucose làm năng lượng. Khi insulin bị đề kháng, cơ, mỡ và tế bào gan của cơ thể không sử dụng insulin một cách thích hợp. Tụy tạng cố gắng đáp ứng nhu cầu insulin bằng cách sản xuất nhiều hơn, nhưng quá nhiều glucose tích tụ trong tuần hoàn máu gây ra tiểu đường type 2.

Ung thư gan. Carcinome tế bào gan là một loại ung thư gan có thể xảy ra ở người bị xơ gan. Carcinome tế bào gan có tỷ lệ tử vong cao, nhưng hiện nay có một vài cách điều trị bệnh này.

Các vấn đề khác. Xơ gan có thể làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Xơ gan cũng có thể gây ra suy thận và suy hô hấp, gọi là hội chứng gan-thận và hội chứng gan-hô hấp.

Xơ gan được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán xơ gan thường dựa vào việc có một yếu tố nguy cơ xơ gan, như là uống rượu hoặc béo phì và được khẳng định bằng thăm khám lâm sàng, thử nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, hỏi các triệu chứng và tiến hành thăm khám toàn diện để tìm các dấu hiệu lâm sàng của bệnh. Thí dụ khi khám bụng có thể thấy gan cứng hoặc to cùng với các dấu hiệu báng bụng. Bác sĩ sẽ cho các xét nghiệm máu, giúp đánh giá tình trạng của gan và nghĩ đến xơ gan nhiều hơn. Để tìm các dấu hiệu gan to, giảm lưu lượng máu hoặc báng bụng, bác sĩ có thể cho chụp CT, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc quét gan. Bác sĩ có thể nhìn trực tiếp gan bằng cách đặt một ống nội soi vào ổ bụng. Ống nội soi là một dụng cụ có máy quay phim, đưa hình ảnh lên màn hình máy vi tính.

Sinh thiết gan có thể khẳng định được chấn đoán xơ gan, nhưng không phải lúc nào cũng cần đến. Sinh thiết thường được làm nếu kết quả có thể giúp ích trong việc điều trị. Sinh thiết được tiến hành bằng cách chọc kim vào giữa các xương sườn hoặc vào một tĩnh mạch ở cổ. Cẩn thận để làm giảm tối đa sự khó chịu của bệnh nhân. Một mảnh rất nhỏ mô gan được quan sát dưới kính hiển vi để tìm sự hóa xơ hoặc các dấu hiệu của xơ gan. Đôi khi nguyên nhân gây tổn thương gan không phải là xơ gan được tìm thấy khi sinh thiết.

Mức độ xơ gan được đánh giá như thế nào?

Điểm MELD (model for end-stage liver disease) đánh giá mức độ xơ gan. Điểm MELD được soạn ra để dự đoán thời gian sống được 90 ngày của người mắc bệnh xơ gan nặng. Điểm MELD dựa trên ba xét nghiệm máu:

+ INR (international normalized ratio): các xét nghiệm khuynh hướng đông máu

+ bilirubin: các xét nghiệm số lượng sắc tố mật trong máu

+ creatinine: các xét nghiệm chức năng thận

Điểm MELD thường trong khoảng từ 6 đến 40, với điểm 6 chỉ khả năng sống được 90 ngày cao nhất.

Xơ gan được điều trị như thế nào?

Điều trị xơ gan tùy thuộc vào nguyên nhân của bệnh và tùy theo có những biến chứng nào. Mục tiêu điều trị là làm giảm sự tiến triển của mô sẹo trong gan và ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng bệnh. Xơ gan có biến chứng có thể cần phải nhập viện.

Ăn uống bổ dưỡng. Do suy dinh dưỡng thường gặp ở người xơ gan, một thực đơn lành mạnh là quan trọng trong tất cả các giai đoạn của bệnh. Thầy thuốc gợi ý một thực đơn thích hợp. Nếu có báng bụng, thực đơn hạn chế muối được đề nghị. Người xơ gan không nên ăn cá sống, có thể chứa một vi khuẩn gây nhiễm trùng nặng. Để cải thiện dinh dưỡng, bác sĩ có thể bổ sung một thức ăn lỏng để uống hoặc bơm vào ống thông mũi-dạ dày, là một ống nhỏ được đưa vào lỗ mũi và họng đến dạ dày.

Tránh uống rượu và các chất khác. Người xơ gan được khuyên tuyệt đối không uống rượu hoặc dùng các chất độc hại khác, bởi vì cả hai loại đều gây thêm tổn thương gan. Do nhiều loại vitamin và thuốc – được kê toa hoặc mua ở nhà thuốc tây – có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, nên hỏi ý bác sĩ trước khi sử dụng chúng.

Điều trị xơ gan cũng là điều trị các biến chứng cụ thể. Đối với phù và báng bụng, bác sĩ sẽ khuyên dùng thuốc lợi tiểu, là các thuốc loại bỏ dịch khỏi cơ thể. Có thể rút nhiều dịch báng bụng khỏi ổ bụng và kiểm tra xem có bị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn không. Thuốc kháng sinh dạng uống có thể được kê toa để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhiễm trùng nặng kèm với báng bụng có thể cần đến các kháng sinh tiêm tĩnh mạch.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc chặn beta hoặc nitrate đối với tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Các thuốc chẹn beta có thể làm giảm áp suất trong các giãn tĩnh mạch và làm giảm nguy cơ chảy máu. Chảy máu tiêu hóa cần được nội soi ngay để tìm giãn tĩnh mạch thực quản. Bác sĩ có thể dùng một thiết bị đặc biệt để ép chỗ giãn tĩnh mạch và cầm máu. Người đã từng bị giãn tĩnh mạch có thể dùng thuốc để ngăn ngừa các đợt chảy máu trong tương lai. Bệnh não do gan được điều trị bằng cách làm sạch ruột với lactulose, là một loại thuốc xổ uống hoặc thụt tháo. Kháng sinh được bổ sung nếu cần thiết. Người bệnh có thể được yêu cầu giảm protein trong thức ăn. Bệnh não do gan có thể cải thiện khi các biến chứng khác được kiểm soát.

Một số người bệnh xơ gan bị suy gan thận có thể được lọc thận thường xuyên, sử dụng một máy làm sạch chất thải khỏi máu. Các thuốc cũng được cho để cải thiện lưu lượng máu đi qua thận.

Các điều trị khác hướng đến các nguyên nhân riêng biệt của xơ gan. Điều trị xơ gan do viêm gan tùy thuộc vào loại viêm gan đặc hiệu. Thí dụ interferon và các thuốc kháng vi rút được kê toa đối với viêm gan vi rút. Đối với viêm gan tự miễn, cần corticosteroid và các thuốc khác để ức chế hệ thống miễn dịch.

Thuốc được cho để điều trị các triệu chứng khác nhau của xơ gan, như là ngứa và đau bụng.

Nguồn: NIDDK http://digestive.niddk.nih.gov/ddiseases/pubs/cirrhosis/index.aspx

BS. Trần Thanh Xuân dịch