Viêm

Viêm loét dạ dày – tá tràng (VLDD – TT) là một trong những bệnh gặp khá nhiều trong cộng đồng dân cư nước ta. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng người trưởng thành chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em. Có thể phòng và chữa được bệnh VLDD – TT.

Điểm mặt kẻ gây viêm loét dạ dày – tá tràng

Nguyên nhân hàng đầu, chiếm tỷ lệ cao nhất là vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Ngoài nguyên nhân chính là vi khuẩn HP thì VLDD – TT còn do một số yếu tố khác gây nên với một tỷ lệ thấp (hoặc là đơn phương hoặc kết hợp) như do dùng thuốc aspirin, corticoid, thuốc chữa khớp không steroid, do uống nhiều rượu bia, do căng thẳng thần kinh (stress) trong một thời gian dài hoặc do bệnh tự miễn.

Viêm, loét dạ dày - tá tràng có dễ gây ung thư? 1
 Nội soi tìm vi khuẩn gây viêm dạ dày còn giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý khác ở thực quản và tá tràng. Ảnh: T. Chương

Dấu hiệu nhận biết

Đau là triệu chứng thường gặp nhất. Vị trí đau thường gặp nhất ở vùng thượng vị (trên rốn), đau âm ỉ hoặc đau dữ dội (nếu bị thủng dạ dày – tá tràng thì đau như dao đâm). Đau âm ỉ có khi kéo dài từ vài tháng đến vài ba năm và lâu hơn nữa, có khi hàng chục năm. Đa số bệnh nhân đau có tính chất chu kỳ và thường xảy ra vào lúc giao mùa, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi (nóng sang lạnh, ngược lại hoặc áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc). Đôi khi trạng thái thần kinh căng thẳng, lo lắng hoặc sau ăn thức ăn chua, cay cũng làm cơn đau xuất hiện hoặc đau kéo dài. Tính chất đau của viêm hoặc loét dạ dày tá tràng nhiều khi khó phân biệt nhưng mới bị viêm thì ăn vào cơn đau sẽ tăng lên, còn khi đã loét thì no, đói đều đau. Cơn đau có thể xuyên ra sau lưng, lên vai, ngực làm cho người bệnh lầm tưởng bệnh khác.

Các triệu chứng gây rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua, trung tiện nhiều lần, phân có khi nát có khi lỏng, có khi rắn như phân dê. Trong những trường hợp loét hành tá tràng lâu ngày gây co kéo, làm hẹp môn vị thì ăn không tiêu, bụng ậm ạch rất khó chịu (nhiều khi phải móc họng nôn ra mới thấy dễ chịu). Vì vậy, người bị VLDD – TT lâu năm thường gầy, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, phân có thể có màu đen (do xuất huyết). Chụp Xquang có uống thuốc cản quang vẫn có giá trị chẩn đoán trong trường hợp không có nội soi dạ dày. Nếu có điều kiện, có thể nội soi dạ dày – tá tràng. Kỹ thuật này sẽ có giá trị lớn trong chẩn đoán nếu bác sĩ nội soi được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm. Bởi vì nội soi, ngoài việc xác định được vị trí tổn thương, tình trạng tổn thương, u cục thì trong những trường hợp nghi ngờ bệnh ác tính có thể sinh thiết để tìm tế bào lạ. Sinh thiết còn giúp cho việc lấy bệnh phẩm để nhuộm gram, thử tets ureaza, nuôi cấy phân lập xác định vi khuẩn HP và làm kháng sinh đồ để xác định tính nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn này.

Bệnh VLDD – TT có thể nhầm với bệnh viêm tụy, viêm đường dẫn mật, sỏi đường dẫn mật hoặc bệnh tim, phổi (đau vùng mũi ức) hoặc thoái hóa cột sống lưng (đau xuyên ra lưng). Trong một số trường hợp do viêm ruột thừa ở những giờ đầu cũng có thể đau thượng vị. Đau bụng âm ỉ, đi ngoài phân đen có thể nhầm với những bệnh nhân bị giun móc. Trong những trường hợp này cần xét nghiệm phân tìm trứng giun móc để giúp cho chẩn đoán phân biệt tốt hơn cũng như điều trị có hiệu quả hơn.

Viêm, loét dạ dày - tá tràng có dễ gây ung thư? 2
 Hình phóng to mô tả một đoạn dạ dày bị loét.

Điều trị thế nào?

Nên dựa vào nguyên nhân gây bệnh, nếu do vi khuẩn HP thì phải dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, chống tăng tiết dịch vị và cần có thuốc bao phủ niêm mạc, tránh tác dụng của dịch vị. Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng tốt, thích hợp cho người mắc bệnh về dạ dày. Luôn  luôn cảnh giác với xuất huyết dạ dày hoặc thủng dạ dày vì cả hai loại biến chứng này phải cấp cứu khẩn trương, nếu không thì tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa.

Rất dễ biến chứng thành ung thư

Các trường hợp viêm dạ dày tá tràng nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng thì sẽ dẫn đến viêm mạn tính hoặc trở thành loét. Trong các bệnh về dạ dày thì đáng sợ nhất là viêm, loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị hoặc có thể viêm loét hang vị rất dễ biến chứng thành ung thư hóa. Tuy rằng viêm loét dạ dày thì ít đau hơn là viêm loét tá tràng. Ngược lại, viêm loét tá tràng thì ít bị ung thư hơn nhưng thường hay đau, dễ làm hẹp môn vị (do hành tá tràng loét xơ chai gây co kéo môn vị), đặc biệt là loét hành tá tràng rất dễ làm chảy máu. Chảy máu hành tá tràng có thể ồ ạt phải cấp cứu hoặc chảy máu ri rỉ làm cho phân thường có màu đen. Trong trường hợp chảy máu nhiều thì phân thường đen như nhựa đường và mùi hôi thối rất đặc biệt như “mùi cóc chết”. Và tất nhiên, các vị trí loét khác của dạ dày cũng có thể bị biến chứng chảy máu. Một loại biến chứng cũng rất thường gặp và rất nguy hiểm là thủng dạ dày – tá tràng. Có những bệnh nhân do bị loét ngầm nên bình thường không đau bụng hoặc đau rất ít, đột nhiên bị thủng dạ dày phải cấp cứu. Trong trường hợp bị thủng dạ dày mà cấp cứu không kịp thời thì dễ dẫn đến   viêm phúc mạc (màng bụng), gây sốc và có thể tử vong.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh VLDD – TT chủ yếu do vi khuẩn HP, vi khuẩn này lây theo đường ăn uống mà chuyên môn thường gọi là lây theo đường “phân – miệng”. Vì vậy, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Trong gia đình khi có người bị VLDD – TT thì bát, đũa, cốc, chén… không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Cần xóa bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ với bất kỳ hình thức nào. Nếu phụ huynh hoặc người giúp việc mà bị bệnh về dạ dày thì mớm cơm rất dễ dàng làm lây bệnh cho trẻ. Ngoài ra, việc quản lý chất thải, phân đóng vai trò đáng kể trong việc phòng bệnh. Bởi vì, nếu quản lý tốt các khâu này thì sẽ làm cho mầm bệnh không phát tán ra xung quanh và con người sẽ không bị lây nhiễm qua thức ăn, nước uống. Không tự mua thuốc aspirin, corticoid, thuốc non-steroid (thuốc điều trị khớp) để tự điều trị. Không lạm dụng rượu bia, không ăn quá chua cay và tránh căng thẳng thần kinh.            

    PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu