Có phải bạn mới vừa đọc xong chương vừa rồi và vội vã qua chương này không? Tại sao? Có lẽ bạn cần phải thực hành câu châm ngôn “Từ Từ Thôi.”
Là người nghiện rượu, chúng tôi thường có khuynh hướng uống nhanh hơn người khác. Và có lẽ hiếm khi nào chúng tôi bỏ qua những giọt rượu cuối cùng trong ly hoặc những ly cuối cùng trong chai.
Nhiều người trong chúng tôi thường cười cợt cái tật dường như không thể bỏ sót lại một tách cà phê hoặc một ly soda uống dang dở của mình, thậm chí khi đã cai rượu được nhiều năm. Chúng tôi đôi khi thấy mình uống hết ngụm nước giải khát không có rượu cuối cùng, như là …
Có lẽ hầu hết độc giả đã đồng ý: Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng bỏ dở trang sách, chương sách hoặc cuốn sách đang đọc nửa chừng. Dường như đúng là có một thôi thúc đi tới tận cùng, thay vì đọc một hai trang, một hai chương một ngày và để chỗ còn lại vào lần sau. Không phải xu hướng này là hoàn toàn xấu. Để vượt qua nỗi ám ảnh tai hại như là nhậu nhẹt, thật là có lý hơn khi thay nó bằng một ám ảnh lành mạnh như là thôi thúc tìm tòi ngày càng nhiều kiến thức và sự giúp đỡ về một rắc rối do uống rượu.
Vậy cứ tiếp tục đọc, nếu bạn thích. Như vậy lành mạnh hơn là nhậu rất nhiều.
Nhưng khi bạn đọc tới cuối chương này, bạn có lẽ muốn thử một điều. Đặt quyển sách này qua một bên và kiểm lại ngày đã qua. Hãy xem bạn đã bao nhiêu lần chậm lại một chút hoặc thư thả một chút khi bạn nghĩ đến chuyện ấy.
Châm ngôn “Từ từ thôi” là một cách để A.A. chúng tôi nhắc nhỡ lẫn nhau rằng nhiều người trong chúng tôi đôi lúc có khuynh hướng làm việc quá sức, hấp tấp không ngó trước ngó sau, sốt ruột với bất cứ việc gì làm chúng tôi chậm trễ. Chúng tôi thấy khó thư giản và tận hưởng cuộc sống.
Khi một ai trong chúng tôi lăng xăng làm gì đó hoặc đi đâu đó, bạn bè lịch sự nhắc “Từ từ thôi”, nhớ không? Lúc ấy thường có một thoáng bực mình người khuyên. Và điều này cho thấy lời khuyên tất đã đúng chỗ, phải không bạn?
Vâng, ngày nay chúng tôi biết sự sốt ruột đó không chỉ giới hạn ở người nghiện rượu. Khi tốc độ thay đổi gia tăng trong thời đại chúng ta, ngày càng có nhiều người cảm thấy bị thúc bách về thời gian và bị nhắc nhỡ phải nhanh lên và phải theo kịp… Với cái gì? Với ai?
Áp lực như thế không đẩy hầu hết những người uống rượu trở thành người mắc bệnh nghiện rượu như ai cũng có thể thấy. Chỉ một phần nhỏ người uống rượu trở thành nghiện. Nhưng những người chúng tôi đã nghiện rượu thường thấy rằng cần phải học cách thư giản, cách giữ nhịp sống của mình một cách lành mạnh, cách thưởng thức những thành tựu nhỏ bé và cả những vui thú đơn giản trên đường đời – nói ngắn gọn, cách để thưởng thức cuộc hành trình thay vì chỉ băn khoăn lo lắng khi chưa đến đích. Chân trời ở đàng kia. Đôi lúc, đáng để đứng lại và ngắm nghía nó, để nhìn xa nghỉ mệt.
Một số trong chúng tôi cũng nhiều lần thấy rằng mình đã ngấu nghiến còn hơn một con hà mã. Chúng tôi cố gắng lao vào quá nhiều việc mà bất kỳ một người nào cũng không thể cáng đáng nổi.
Có lẽ chúng tôi đã học được rất nhiều từ một số người bệnh tim đã hồi phục. Nhiều người trong số họ thu xếp để hoạt động mạnh mẽ, hữu ích một cách cân nhắc, tránh phiền hà, tránh quá sức và tránh cuống cuồng với giờ giấc.
Một số trong chúng tôi tạo nếp sinh hoạt giúp chúng tôi giữ được các mục tiêu một cách thiết thực, khả thi. Chúng tôi có thể lập một danh sách việc mình muốn hoàn tất ngày hôm nay, rồi thận trọng bỏ bớt một nửa hay hơn một nửa. Ngày khác, lập danh sách khác.
Hoặc là chúng tôi cố tình lập kế hoạch khá xa, tập cho mình không quá bận tâm đến khi chúng chưa đến, cũng thận trọng như vậy.
Một số khác trong chúng tôi thấy rằng những danh sách và những thời khóa biểu có thể trở thành bạo chúa, buộc mình phải hoàn tất từng món một, bất kể mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu sức lực. Nên chúng tôi thề vất bỏ các danh sách trong một thời gian. Không còn bị chúng khống chế, chúng tôi có thể học cách sống theo một nhịp tự nhiên hơn, nhàn nhã hơn.
Đối với rất nhiều người trong chúng tôi, ngồi im lặng một mình trong 15, 20 phút trước khi bắt đầu những công việc hàng ngày giúp mình khởi động trong một đầu óc thư thái, trật tự. Một số trong chúng tôi sử dụng những phương pháp cầu nguyện hoặc suy tưởng đặc biệt, mà chúng tôi đã thấy rằng rất phù hợp với mục đích này. Và có lẽ đôi lần trong một ngày bận bịu, chúng tôi thu xếp ngồi không bị quấy rầy, mắt nhắm trong năm phút nghỉ ngơi, rồi hồi tỉnh tiếp tục làm việc.
Đối với một số trong chúng tôi, làm chậm mình lại sẽ dễ dàng hơn khi có được người khác giúp đỡ. Chúng tôi có lẽ không thể tự yên bình được, nhưng đôi khi chúng tôi có thể giữ mình ngồi im lặng và lắng nghe một người bạn, người đã ít nhiều thanh thản. Chú ý hoàn toàn vào một người nào khác giúp ta phục hồi sự cân bằng và mang lại một cái nhìn mới về cuộc sống của chính mình, ta có lẽ thấy rằng cuộc sống không nhất thiết phải quay cuồng vô bổ.
Những lúc thanh thản theo nghi lễ, tại chùa chiền, nhà thờ cùng với người khác (như trong lúc cầu nguyện, lúc chay tịnh và tương tự) đối với một số người đặc biệt hữu ích.
Hoặc đơn giản là quyết định dậy sớm hơn thường lệ, như vậy ta có thể bớt vội vã. Suy nghĩ một chút, ta có lẽ có thể soạn thảo được một thời khóa biểu cá nhân thưa hơn, uyển chuyển hơn và do đó bớt dày vò và bớt thúc bách hơn.
Khi thấy mình căng thẳng và thậm chí hoảng hốt, chúng tôi đôi khi tự hỏi “Có thật sự mình không thể tránh được?” hoặc “Vội vã này có thật sự cần thiết không?” Thật nhẹ nhõm khi câu trả lời thật lòng thường là không! Và những công cụ như vậy về lâu dài, thực sự không chỉ giúp ta vượt qua chuyện nhậu nhẹt và lề thói cũ của nó, mà còn giúp chúng tôi trở nên hiệu quả hơn nhiều, vì ta giữ gìn và phân chia sức lực tốt hơn. Chúng tôi sắp xếp ưu tiên hợp lý hơn. Chúng tôi biết rằng nhiều hoạt động từng được coi là sống còn, có thể bị loại bỏ nếu ta xem xét lại một cách kỹ lưỡng. “Nó thật sự to lớn đến mức nào?” là câu hỏi rất tốt.
Dĩ nhiên, “Từ Từ Thôi” không hề cho phép ta trì hoãn hoặc trể hẹn. Có những việc không nên để lại ngày mai (và ngày mai và ngày mai) – như là ngưng nhậu. Nhưng cũng có những chuyện khác hoãn lại sau 24 giờ lại tốt hơn, để xử lý khi chúng ta đã được trang bị đầy đủ hơn.
Có lần, một người nghiện rượu rất mệt và kích động gọi đến văn phòng A.A. và nói rằng chị cần được giúp đỡ ngay lập tức! Chị được hỏi có chờ được chừng 20 đến 30 phút để ai đó có thể đến giúp chị không.
“Không!” Chị nói. “Bác sĩ nói tôi phải được giúp đỡ ngay lập tức, tức thì và không để mất thời gian.”
Rồi chị nói tiếp, “Đó là hôm kia!”
Chúng tôi thông cảm bất cứ ai trong tình trạng như đã nói. Chúng tôi hiểu rất rõ cảm giác đó. Người gọi kích động đó đã được giúp đỡ trong vòng một giờ sau và bây giờ chị kể lại câu chuyện của chính mình để cho thấy chị đã quen như thế nào. Gần như không thể nào tin được khi giờ đây bạn thấy chị bình tĩnh nhưng năng nổ thế nào, lặng lẽ nhưng sẵn sàng ra sao.
Nếu bạn thấy mong muốn được hết sức thanh thản, kiên trì và hài lòng tận trong lòng, nó có thể sẽ có được.
Thỉnh thoảng hãy tự nhắc nhỡ mình rằng có lẽ “Từ từ thôi” là tốc độ lý tưởng cho hôm nay. Thay đổi này có thể bắt đầu ngay bây giờ, nhớ không?
Nguồn: Alcoholics Anonymous
Trần Thanh Xuân dịch