Trai sông

Trai sông còn gọi trai nước ngọt, là loại thực phẩm rất quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Trai thường sống ở sông ngòi, đầm, ao, hồ, sông, suối… ở vùng đồng bằng, trung du hay miền núi nước ta.  Thịt trai sông giàu đạm, can xi, phốt pho, một số vitamin như B1, B2, PP, C và đặc biệt là có rất nhiều kẽm. Ngoài làm thực phẩm, trai sông còn có nhiều tác dụng chữa bệnh.

Theo Đông y, trai sông vị ngọt mặn, tính hàn. Công năng chủ trị: Tư âm lợi thủy, hóa đàm nhuyễn kiên tán kết. Dùng cho các trường hợp âm hư, sốt nóng (lao phổi, đái tháo đường), ho khan, mất ngủ, đau mỏi thắt lưng, phù nề, tiểu ít, bạch đới, huyết trắng, viêm sưng hạch, u tuyến giáp, vàng da.

Trai sông - Món ăn, bài thuốc 1Cháo trai có tác dụng chữa một số bệnh ở người cao tuổi như tăng huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến…

Một số món ăn, bài thuốc từ trai

Canh trai rau hẹ: Trai sông 150g, rau hẹ 60 – 120g, thêm nước, gia vị nấu canh ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm (đạo hãn), bệnh đái tháo đường. 10 ngày là 1 liệu trình.

Trai luộc: Trai luộc chín, ăn với ớt tiêu gia vị hằng ngày có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, lợi tiểu, tán kết. Dùng hỗ trợ điều trị cho các trường hợp vàng da phù nề, sưng hạch, bướu cổ, khí hư, huyết trắng, bệnh đái tháo đường. Dùng liên tục 3 – 5 ngày.

Canh trai cà rốt đậu đỏ: Trai 200g, xuyên khung 15g, cà rốt 100g, đậu đỏ 100g. Thêm nước, gia vị, nấu canh, vớt bỏ bã xuyên khung, thêm mắm, hành, bột ngọt, chia vài lần ăn trong ngày, liên tục 5 – 7 ngày. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, sợ lạnh, sợ gió, tay chân lạnh.

Cháo trai: Trai sông 200 – 300g, gạo 100g. Trai ngâm nước vo gạo nửa ngày đến 1 ngày, rửa sạch, luộc chín và giữ nước luộc. Thịt trai nặn hết sạn đen trong bụng, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ, trộn gia vị, để 15 – 20 phút; Phi hành mỡ và cho thịt trai vào đảo đều; Để riêng. Gạn lấy nước luộc trai, cho gạo vào nấu thành cháo; Giữ nhỏ lửa, đảo đều để cháo không bén và đặc sệt; Cho thịt trai xào vào, thêm 1 – 2 củ hành, vài lát gừng thái chỉ, nêm gia vị cho vừa miệng. Khi ăn thêm chút bột tiêu, ớt bột, rau răm thái nhỏ. Chữa một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi như tăng huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường… và là món đặc sản trong mùa thu.

Ở người bệnh mỡ máu cao gây hoa mắt chóng mặt, nhức đầu thì khi nấu cháo nên cho thêm mộc nhĩ, nấm hương – hai loại thực phẩm có tác dụng hạ mỡ máu, thông huyết mạch.

Với người bị u xơ tiền liệt tuyến có các biểu hiện đi tiểu lắt nhắt, nước tiểu không thành tia mạnh, cháo trai có tác dụng thông tiểu tiện. Món cháo trai cũng rất thích hợp với người già bị u xơ tiền liệt tuyến. Với nam giới trung niên hoặc cao tuổi bị yếu sinh lý thì đây còn là món ăn có tác dụng tốt cho việc phòng trung. Người mắc bệnh đái tháo đường dùng món cháo trai cũng rất tốt, nhưng khi nấu cháo có thể thay gạo tẻ bằng bột củ mài – một dược thảo có tác dụng tốt cho bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ  Thanh Lan