Sóng nổ là sóng chấn động do thuốc nổ, bom, mìn, đạn pháo cỡ lớn, bộc phá, thủy lôi, bình ga, bình điện, các vụ hỏa hoạn xăng dầu… cháy nổ tạo nên. Sóng nổ phát ra từ tâm vụ nổ tỏa ra theo vòng tròn với một áp suất rất cao. Độ lớn của áp suất và tốc độ của sóng nổ giảm dần khi truyền đi xa tâm vụ nổ. Đại lượng đo sóng nổ tính bằng kg/cm3, đại lượng này còn được gọi là xung lượng của sóng nổ. Xung lượng sóng nổ quyết định tổn thương trên cơ thể của con người và các sinh vật: cường độ xung lượng 2kg/cm3, con người và động vật bị tử vong; xung lượng từ 0,5 – 1kg/cm3 con người và động vật bị tổn thương nặng; xung lượng từ 0,4 – 0,5kg/cm3 gây tổn thương vừa; xung lượng từ 0,2 – 0,4kg/cm3 gây tổn thương nhẹ. Tổn thương do sóng nổ thường gặp nhất là ở phổi, cơ hoành, các tạng trong ổ bụng, não, màng nhĩ của tai… Sóng nổ còn đẩy những mảnh vỡ của bom mìn, gạch, gỗ, đá, đất, mảnh kính vỡ… sát thương con người và động vật. Do đó nạn nhân ở gần tâm của vụ nổ sẽ bị tổn thương nặng hơn do áp suất sóng nổ cao và bị các vết thương do vật cứng sắc phá hủy.
Hà hơi thổi ngạt cứu bệnh nhân bị ngạt do sóng nổ.
|
Những tổn thương có thể gặp
Trong và sau vụ nổ, sóng nổ gây ra nhiều dạng tổn thương cho con người. Sóng nổ có áp lực cao tác động làm ép ngực, ép bụng, tăng áp lực không khí ở phế nang, hệ thống máu tĩnh mạch, thủng màng nhĩ… Sau đợt cơ thể chịu tác động trực tiếp của áp lực cao là đến đợt áp lực thấp nên có sự thay đổi đột ngột của áp lực. Nạn nhân có hiện tượng chảy máu lấm tấm và tổn thương thành mạch máu ở não, dưới màng cứng; vỡ các phế nang, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, chảy máu ở màng phổi, sung huyết nền phổi, phù phổi cấp; phù khí ở dưới da; chảy máu thành bụng, giãn ống tiêu hóa; giập rách gan, lách, tụy, thận; thủng màng nhĩ, chảy máu tai trong; chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu vào thủy tinh dịch; tắc hoặc vỡ các động mạch… Trường hợp sóng nổ mạnh, có thể hất tung nạn nhân lên cao và ra xa hoặc làm sập hầm, đổ nhà cửa… gây nên các tổn thương thứ phát như gãy xương, sai khớp, vỡ tạng bụng kín, chấn thương sọ não, chấn động não, bị va đập, bị vùi lấp, hội chứng đè ép chi… tử vong tại chỗ.
Có thể chia tổn thương sóng nổ thành 3 mức độ:
Mức độ nặng: mất trương lực cơ, cơ nhẽo mềm nhũn; bất tỉnh, hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ kéo dài vài ba ngày và thường tử vong. Sọ não và thần kinh: chấn động não, phù não, giập não, xuất huyết não, nhũn não, giảm cảm giác, giảm hoặc mất phản xạ gân xương. Hô hấp: khó thở, thở nhanh nông, đau tức ngực, ho ra máu kéo dài hay thổ huyết có thể có tràn khí tràn máu màng phổi, phù phổi cấp hoặc hội chứng sốc phổi. Ở bụng: có thể liệt ruột gây tắc ruột cơ năng; tổn thương tạng thì sẽ có biểu hiện của hội chứng chảy máu trong hoặc hội chứng kích thích phúc mạc và viêm phúc mạc. Tai: thường chảy máu, giảm thính lực tạm thời hoặc điếc. Chi thể: gãy, vỡ, giập xương.
Loại nặng tiến triển dễ tử vong do rối loạn hô hấp, tuần hoàn nặng và tổn thương sọ não. Nếu được điều trị thì vẫn còn để lại các di chứng như loạn thần, suy nhược thần kinh, liệt nửa người, đau tức ngực, viêm phế quản dạng co thắt, ho ra máu kéo dài, có thể điếc tai và mờ mắt.
Mức độ vừa: mệt mỏi, đau đầu nhiều lần, buồn nôn, choáng váng, có triệu chứng chấn động não. Đau tức ngực, khó thở, ho ra máu, giảm thính lực tạm thời, đau bụng và bụng chướng trong một vài ngày, đái dắt, đái ít trong 2 – 3 ngày, chảy máu dưới kết mạc, viêm kết mạc. Sau 2 – 3 tuần điều trị sẽ hồi phục nhưng có thể để lại một số di chứng.
Mức độ nhẹ: bệnh nhân bị choáng váng, đau ê ẩm toàn thân, ù tai, chóng mặt, nhức đầu, trí nhớ kém, khó ngủ thường tự khỏi sau từ 3 – 5 ngày hoặc hơn, không để lại di chứng.
Cách sơ cứu
Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, cần tổ chức cấp cứu: khẩn trương đào bới giải thoát cho những nạn nhân bị vùi lấp, đè ép, ngạt thở. Mọi nạn nhân bị sức ép đều phải di chuyển nhẹ nhàng ra nơi an toàn thoáng khí, đặt nằm yên, đầu hơi thấp để làm thông đường hô hấp, tránh tình trạng tắc khí lên não. Nạn nhân bị ngạt thở, tiến hành hà hơi thổi ngạt. Ga rô cầm máu, băng bó vết thương, cố định xương gãy. Cần lau sạch đờm dãi, động viên, an ủi nạn nhân. Sau đó dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để điều trị tiếp.
Băng bó và cố định xương gãy rồi mới chuyển nạn nhân đi bệnh viện.
|
Lời khuyên của bác sĩ
Khi gặp vụ nổ hoặc trong trường hợp cần tránh bom đạn, nếu ở nơi không có hầm thì phải lợi dụng địa hình tự nhiên che chắn và nằm sát xuống đất theo tư thế: không nằm sát trực tiếp lên mặt đất hoặc sàn tàu, xe… mà dùng tay xếp dưới ngực và bụng để tránh sự va đập của sức nổ truyền qua mặt đất, sàn tàu xe, đập mạnh vào ngực bụng; hàm răng nên cắn chặt một cái nút chai hay một vật êm như khăn, áo. Khi có tiếng nổ lớn, cần nhanh chóng bịt tai và mở miệng. Nơi có hầm trú ẩn phòng chống sóng nổ tốt như hầm chữ A và hầm hào hình chữ chi, nên trú ẩn sâu trong hầm, không đứng hoặc ngồi ở gần cửa hầm.
ThS. Nguyễn Xuân Lục