Tìm hiểu về sự lão hóa và gốc tự do

Theo quy luật sinh học, chu kỳ sống của con người được thể hiện bằng sự tiếp nối nhau qua các chu kỳ tiến triển và thoái triều. Hiện nay, người ta chưa biết rõ tác nhân nào có khả năng gây ra những biến đổi hình thái tế bào của tuổi già nhưng một số yếu tố có thể gây ra rối loạn quá trình tổng hợp protein như nhiễm virut chậm, nhiễm độc, thiếu máu mạn tính, thiếu máu dinh dưỡng, di truyền và nhất là suy giảm sự chống ôxy hóa.

Một đặc điểm lâm sàng quan trọng của tuổi già là tình trạng đa bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thoái hóa xương khớp và nhất là bệnh mạch máu – thần kinh thường gặp ở người cao tuổi. Riêng trong thần kinh học, khi đề cập đến bệnh mạch máu não, người ta nói đến nhiều nguyên nhân khác nhau như tuổi, giới, khí hậu, môi trường, chấn thương, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, di truyền… Tuy nhiên, có một số chi tiết chưa được chú ý nhiều là vai trò của các gốc tự do.

Tìm hiểu về sự lão hóa và gốc tự do 1
 Những tác nhân gây ra gốc tự do.

Nguy cơ từ các gốc tự do

Gốc tự do là các nguyên tử, phân tử hoặc ion có các điện tử lẻ đôi ở vòng ngoài nên mang điện tích âm và có khả năng ôxy hóa các tế bào, các phân tử, nguyên tử khác. Các gốc tự do có thể liên quan đến nhiều phản ứng trong các mô sống với vai trò như những chất trung gian có hoạt tính mạnh trong thời gian ngắn, ví dụ  như trong hiện tượng quang hợp.

Các gốc tự do tấn công tất cả các cấu trúc tế bào trong cơ thể, đặc biệt là những tế bào chứa nhiều chất lipid. Trong hệ thần kinh, não là cơ quan có chứa tới hơn 60% là acid béo, do đó não cũng là nơi dễ chịu tác động của gốc tự do. Đây là một vấn đề quan trọng vì mặc dầu não chỉ có một trọng lượng bằng 2% trọng lượng của cơ thể nhưng não lại tiêu thụ tới khoảng 20% glucose và ôxy do máu cung ứng. Khi tuổi càng cao, người ta thấy giảm cung lượng máu não và tiêu thụ ôxy của não. Sự ôxy hóa glucose ở não bị kìm hãm trong chu trình Krebs (chuyển hóa tế bào) sẽ gây giảm dự trữ năng lượng adenesin triphosphat (ATP) và giảm năng lượng cần cho phản ứng tổng hợp và vận chuyển ion của tế bào. Mặt khác, sự lắng đọng lipofuscin, là những sắc tố già tích tụ trong bào tương của tế bào khi tuổi càng cao, cũng có thể liên quan tới tăng quá trình ôxy hóa các acid béo không bão hòa, như vậy đối với cơ thể nói chung, não nói riêng, các gốc tự do gây tác hại đáng kể.

Các nghiên cứu cho biết, trong cơ thể con người hàng ngày có thể sản sinh khoảng 10.000.000 gốc tự do. Nhưng các gốc tự do này sẽ nhanh chóng bị các chất chống ôxy hóa (do các loại thức ăn, nước uống đưa vào cơ thể) phân hủy để lập lại thế cân bằng. Các gốc tự do liên quan chặt chẽ tới hơn 60 bệnh thường gặp, là tác nhân quan trọng gây bệnh tim mạch, tiêu hóa, xương khớp, hô hấp, rối loạn chuyển hóa, thần kinh, ung thư.

Đối với não, gốc tự do có thể gây các tổn thương cấp tính và mạn tính tế bào thần kinh, nhu mô não và các mạch máu nuôi dưỡng não. Ví dụ gốc tự do ôxít nitric đóng vai trò quan trọng trong giãn mạch. Hiện tượng giãn mạch ở não có thể gặp trong bệnh cảnh đau nửa đầu (migraine), một bệnh lý thường gặp trong lâm sàng thần kinh với ưu thế hay xảy ra ở phụ nữ từ lúc tuổi còn trẻ. Trong lòng mạch máu não, gốc tự do xâm phạm thành mạch dẫn đến sự hình thành và phát triển các mảng xơ vữa, các cục huyết khối làm hẹp các động mạch, gây cản trở lưu thông dòng máu não, nhất là ở các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng các khu vực chức năng quan trọng. Các tổn thương mạch máu não có thể  gây ra các cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc bệnh cảnh thiếu máu não cục bộ có khả năng gây tàn tật hoặc tử vong. Gốc tự do có thể làm thoái hóa các tế bào thần kinh, ảnh hưởng tới các chất dẫn truyền thần kinh cả về mặt chất lượng lẫn số lượng, có thể dẫn tới các hình thái teo não. Hậu quả của sự thoái hóa thần kinh này đã được minh họa qua các biểu hiện lâm sàng như trong bệnh Parkinson, Alzheimer và ở mức nhẹ hơn là suy giảm nhận thức.

Làm sao để tăng cường các chất chống ôxy hóa?

Tuy các bệnh lý nói trên thường gặp ở người cao tuổi nhưng thực tế cho thấy, vẫn có thể xuất hiện sớm ở tuổi trung niên và cả người trẻ tuổi. Do đó, dự phòng nói chung, ngăn ngừa lão hóa và bệnh lý thoái hóa thần kinh nói riêng cần được quan tâm hàng đầu, đặc biệt là sử dụng các chất chống ôxy hóa để xử trí các gốc tự do. Trong phòng bệnh, ngoài việc phát hiện bệnh sớm qua thăm khám kiểm tra sức khỏe định kỳ còn cần chú trọng tới nếp sống hàng ngày. Nếp sống của chúng ta là các vấn đề dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt, giải trí, hòa nhập môi trường gia đình và xã hội, ổn định tâm lý và cả các phương thức điều trị thích hợp. Riêng đối với các thực phẩm và dược phẩm, nguồn cung cấp các chất chống ôxy hóa đã được nói tới nhiều là trái cây, rau quả tươi, các vitamin có khả năng phân hủy các gốc tự do như vitamin A, C, E… và một số thảo dược đã được kiểm nghiệm qua các nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, một nguyên tắc cơ bản đối với việc thực hiện nếp sống chính là tính điều độ, để có thể giữ gìn và bảo đảm cho mỗi người thực sự có “một tâm trí lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh”.       

  GS.TS. Lê Đức Hinh (Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam)