Sử dụng “bom thông minh” trong trị bệnh ung thư vú tăng triển

Ung thư vú tăng triển (aggressive breast cancer) là căn bệnh chiếm tỷ trọng 20-25% số ca mắc ung thư vú. Thủ phạm là do đột biến gen có trong khối u làm cho nó tạo ra một loại protein có tên HER-2 (human epidermal growth factor receptor 2). Những khối u này tiến triển nhanh và kháng lại các loại thuốc với tần suất mạnh và nhanh hơn so với các loại ung thư vú khác. Để trị bệnh, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) mới đây đã phê duyệt loại thuốc nhắm vào khối u dương tính HER-2, có tên liệu pháp T- DM1. Liệu pháp này kết hợp giữa một loại thuốc hóa trị liệu có tên DM và một kháng thể có tên trastazmuab. Việc kết hợp nói trên cho phép nhắm thẳng vào các tế bào ung thư dương tính HER-2 nên mới có tên là “bom thông minh”. Để giúp dư luận hiểu thêm về liệu pháp mới nói trên, tạp chí Khoa học phổ thông (PMC) của Mỹ vừa phỏng vấn nữ bác sĩ chuyên khoa Kimberly Blackwell, người chủ trì dự án này.

Xin bà cho biết “bom thông minh” T- DM1 có tác dụng như thế nào với bệnh nhân ung thư tiến triển?

BS. Kimberly Blackwell: Cho đến nay hầu hết các liệu pháp hóa trị liệu thường gây rụng tóc, thiếu máu, suy giảm số lượng tế bào máu trắng và làm cho con người dễ bị viêm nhiễm. Tiêu diệt ung thư trong phòng thí nghiệm đơn giản còn trong chữa bệnh lại rất phức tạp. Đặc biệt là bảo tồn phần còn lại của cơ thể để không bị “xâm lấn”. Do phân tử T- DM1 chỉ đạo liệu pháp hóa trị liệu nên tủy xương ít bị tổn thương, tế bào máu đỏ ít bị suy giảm số lượng. Vì vậy, dùng “bom thông minh” T- DM1 đã giảm được nỗi lo cho người bệnh. Trung bình nếu được điều trị bằng phương pháp này thì bệnh nhân sẽ được hưởng một thời gian dài giám sát tới trên 6 tháng.

Sử dụng “bom thông minh” trong trị bệnh ung thư vú tăng triển 1Đột biến gen trong tế bào ung thư.

Hướng đi mới của liệu pháp bom T-DM1 trong tương lai?

BS. Kimberly Blackwell: Tháng 2/2013, liệu pháp nói trên đã được FDA phê duyệt và dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người vào đầu năm 2014. Theo tôi thì liệu pháp này sẽ tốt hơn hóa trị liệu truyền thống, bổ sung một phương pháp điều trị ung thư vú mới, tuy nhiên cũng phải mất 2-3 năm nữa mới có thể đưa vào sử dụng đại trà được và quan trọng hơn là nó giảm độc tố cho cơ thể người bệnh.

Bà có thể cho biết về quá trình phát triển loại thuốc chống ung thư mới?

BS. Kimberly Blackwell: Để tạo ra một loại thuốc mới nói chung và ung thư nói riêng, khoa học phải mất 15-20 năm trong đó có cả cái được lẫn cái mất. Riêng thuốc trị ung thư vú thì phải hiểu được cơ chế liên kết giữa hóa trị liệu và chất kháng thể, nếu nó liên kết quá mạnh hay quá yếu đều không tốt. Nghĩa là quá trình bài tiết của hóa trị liệu phải nằm trong tầm ngắm của con người. Ông Mark Sliwlcowski, hiện đang công tác tại hãng Genentech là người không chỉ tham gia phát minh thuốc T- DM1 mà còn tham gia nghiên cứu tìm ra thuốc trastuzumab và pertuzumab ngay từ những ngày đầu và là người có nhiều đóng góp trong nghiên cứu điều trị bệnh ung thư vú mang gen HER-2. Ví dụ, trong dự án điều trị bệnh ung thư vú tăng triển HER-2 của chúng tôi hiện có tới 4 phân ban đã được phê duyệt tham gia nhưng kết quả rất chậm bởi có những hạng mục cần phải có thời gian để kiểm chứng.

Xin bác sĩ cho biết vài nét về protein HER-2?

BS. Kimberly Blackwell: HER-2 là thụ thể trên màng tế bào thuộc nhóm thụ thể yếu tố tăng trưởng thượng bì EGF (Epidermal growth factor). Đây là một trong những yếu tố tăng trưởng được biết đến sớm nhất. Người có công tìm ra yếu tố này lần đầu tiên năm 1962 là Stanley Cohen (người Mỹ) và các cộng sự  của ông. Đây là gen có chức năng sinh lý trong tế bào, khi gen này đột biến gây ra sự tăng sinh tế bào không kiểm soát được. Năm 1998, một loại kháng thể đơn dòng được tạo ra bằng kỹ thuật nhân hóa (Humanized), có kháng nguyên đích là Her2/neu do Công ty Genetech tạo ra với tên thương mại là herceptin (trastuzumab) đã được FDA phê duyệt dùng cho việc điều trị ung thư vú di căn .

Bác sĩ đã từng được tạp chí Time Magazine bình chọn trong danh sách Top 100 người có ảnh hưởng nhất, xin bác sĩ chia sẻ về niềm vinh dự này?

BS. Kimberly Blackwell: Về phần mình tôi có suy nghĩ thế này, một khi cộng đồng nghiên cứu ung thư đạt được mục tiêu, thành tích thì niềm vui là của tất cả mọi người chứ không của riêng ai, trong đó có cá nhân tôi. Mặc dù phần thưởng được trao cho cá nhân, điều này đồng nghĩa nhắc nhở tôi hãy làm việc tốt hơn, sớm cho ra đời những loại thuốc mới, càng sớm ngày nào thì càng có nhiều sinh mạng con người được cứu sống.

(Theo Net/LV, 6/2013)

Khắc Hùng