Bỏng điện là tổn thương do luồng điện dẫn truyền vào cơ thể gây ra gồm: vết bỏng, ngừng hô hấp, ngừng tim, sốc điện. Bất cẩn trong việc tiếp xúc với nguồn điện, sét đánh trong những lúc mưa giông đều gây ra bỏng điện.
Các dạng bỏng điện
Bỏng điện gây các tổn thương là vết bỏng và các tổn thương ở tim, phổi… Có 2 loại bỏng điện:
Bỏng do tia lửa điện: như trường hợp bị sét đánh, bị bỏng do tia lửa hồ quang điện như đèn hàn xì, chập mạch điện gây ra tiếng nổ và tia lửa điện phóng vào người… vì có nhiệt độ rất cao từ 3.200 – 4.8000C, thời gian tác dụng rất ngắn chỉ từ 0,2 – 1,5 giây.
Không để ổ điện thấp vì trẻ em dễ nghịch ổ điện và bị điện giật.
|
Bỏng do luồng điện dẫn truyền vào cơ thể do tiếp xúc với nguồn điện vì bất cẩn khi dùng bàn là, quạt điện… bị hở mạch, gây tổn thương tại chỗ là vết bỏng và tổn thương ở các cơ quan khác như ngừng hô hấp, ngừng tim, sốc điện.
Các tổn thương do bỏng điện
Các nhà chuyên môn phân chia tổn thương do bỏng điện làm 4 mức độ: Mức độ nhẹ với biểu hiện cơ bị co cứng lại, nhưng tri giác của nạn nhân còn nguyên vẹn. Mức độ vừa: các cơ co cứng mạnh, nạn nhân có thể bị giật bắn người ra, rơi xuống và mất tri giác. Mức độ nặng: nạn nhân bị mất tri giác, rối loạn hoạt động tim như rung thất, rối loạn hô hấp, ngừng hô hấp. Mức độ rất nặng: nạn nhân bị chết lâm sàng.
Người ta nhận thấy rằng, luồng điện có hiệu thế thấp thường gây tử vong do rung thất, ngừng tim; còn luồng điện có hiệu thế cao gây tử vong do ngừng hô hấp. Nếu được cứu chữa kịp thời và tổn thương toàn thân không quá nặng, nạn nhân sẽ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và bước vào thời kỳ của bệnh bỏng với các biểu hiện: sốc bỏng, thường bị suy thận cấp, nước tiểu có huyết sắc tố và sắc tố cơ; nhiễm độc nhiễm khuẩn nặng; thiếu máu do chảy máu thứ phát; loét tiêu hóa cấp tính; suy mòn do bỏng nhanh; rối loạn cảm giác, vận động; tổn thương tâm thần sau khi khỏi bỏng.
Vết bỏng: bỏng điện thường sâu, tổn thương tại chỗ biểu hiện ở điểm vào và ra của luồng điện, vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân (do tiếp xúc với nguồn điện. Ở trẻ em hay gặp vết bỏng ở miệng, môi, lưỡi do ngậm vào cực điện. Vết bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào: điện trở càng cao, cường độ của luồng điện càng lớn và thời gian tác dụng càng lâu thì tổn thương tại chỗ càng sâu rộng. Vết bỏng là các đám da hoại tử hình tròn hoặc bầu dục, màu vàng đục hoặc xám đen, than hóa. Giới hạn tổn thương không rõ ràng. Những ngày đầu khó chẩn đoán chính xác độ sâu của vết bỏng. Nếu bỏng sâu thì các lớp cân, cơ, gân thường bị hoại tử. Nếu bỏng ở thành ngực, thành bụng khi hoại tử có thể làm lộ hở hốc phế mạc. Nếu ở vùng xương sọ, xương trán có thể thấy hoại tử xương và thủng dẫn tới biến chứng viêm màng não. Bỏng ở chân tay thường có các tổn thương mạch máu gây chảy máu thứ phát, tổn thương thần kinh gây liệt. Trường hợp nặng, toàn bộ chi bị tổn thương bị hoại tử, than hóa; khi đó phải cắt cụt chi sớm mới cứu được nạn nhân.
Vết bỏng ở bàn tay do tia lửa điện.
|
Nạn nhân bị bỏng điện thường bị hoại tử thứ phát các mô phát sinh do sự nghẽn các mạch máu, do các cục huyết khối hình thành trong lòng các mạch, do tổn thương thành mạch. Lúc đầu có thể thấy vết bỏng có giới hạn, nhưng thời gian sau đó vùng bỏng bị thiếu máu, cơ, gân bị hoại tử.
Cần làm gì ngay?
Khi gặp một người bị điện giật, phải tìm mọi cách để cắt nguồn điện và cứu nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng cách cắt ngay cầu dao, tháo bỏ cầu chì. Dùng que, gậy, thanh gỗ, tre, nứa… khô gỡ dây điện ra khỏi cơ thể nạn nhân rồi đưa nạn nhân ra ngoài vùng nguy hiểm để sơ cứu. Phải hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt để cấp cứu nạn nhân. Tránh để mất thời gian do phải chuyển nạn nhân đi mà không cấp cứu ngay tại chỗ. Nếu có điều kiện thì tiêm thuốc trợ tim, kích thích hô hấp. Khi nạn nhân tự thở được và tim đập trở lại thì lúc đó mới băng vết bỏng, dùng thuốc giảm đau và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Phòng bệnh chủ yếu là phòng tránh bị điện giật và tránh bị sét đánh. Trong gia đình, cơ quan, công sở phải tuyên truyền, hướng dẫn mọi người biết cách sử dụng điện an toàn. Bảo vệ tốt những nguồn điện không để hở mạch. Trong nhà ở, trường học, phải đưa các công tắc điện, ổ cắm điện lên cao tránh trẻ em thò ngón tay vào ổ điện. Phải mắc cầu chì bảo hiểm đúng qui cách để tự cắt điện khi xảy ra sự cố. Không để trẻ nhỏ nghịch các dụng cụ điện.
Phòng chống sét bằng cách: các công trình xây dựng phải có cột thu lôi chống sét. Trong mùa mưa bão, khi ở ngoài đường hoặc trên cánh đồng mà gặp trời mưa giông chưa kịp về nơi trú ẩn, chúng ta không trú mưa dưới gốc cây to; không đi hay đứng tạo cho thân mình là điểm cao nhất so với xung quanh vì như thế dễ bị sét đánh vào người. Khi đó nên ngồi xuống để tránh tạo cho mình là điểm cao nhất. Lợi dụng địa hình để di chuyển về nơi có nhà cửa, có những công trình để trú tránh mưa và sấm sét.
BS. Ninh Thanh Tùng