Những khả năng đáng ngạc nhiên của trẻ sơ sinh

Ngủ cả ngày, khóc váng lên khi đói, tè dầm và đại tiện bất cứ khi nào không báo trước… là những điều bạn nghĩ về trẻ sơ sinh? Đó không phải là tất cả. Các nhà khoa học vừa công bố những thú vị bất ngờ đến từ những thiên thần tí hon ấy, họ gọi là những khả năng kỳ lạ ẩn chứa trong hình hài bé nhỏ.

Phân biệt tốt xấu

Chúng ta vẫn nghĩ trẻ em sinh ra như tờ giấy trắng và trong quá trình lớn lên “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình đạo đức tốt, môi trường sống lành mạnh, khi lớn lên chúng sẽ trở thành người tốt và ngược lại những đứa trẻ sinh ra trong môi trường xấu ắt lớn lên sẽ trở thành người xấu. Sự thực có phải như vậy?

Trong Tam tự kinh, câu đầu tiên, Khổng Tử viết: Nhân chi sơ, tính bản thiện nghĩa là con người sinh ra, tính vốn thiện. Và khoa học đã chứng minh, trước khi lững chững tập đi và nói những tiếng đầu tiên, trẻ sơ sinh đã biết phân biệt phải trái, tốt xấu. Các nhà khoa học Đại học Yale (Hoa Kỳ) tiến hành nghiên cứu trẻ từ 6 – 10 tháng tuổi. Những đứa trẻ này cùng được xem một chương trình múa rối về những hình dạng, màu sắc tương phản. Hình tam giác màu vàng đang trợ giúp một quả bóng màu đỏ lên ngọn đồi, trong khi đó, hình vuông màu xanh cố gắng đẩy quả bóng đỏ xuống. Sau đó, các bé được lựa chọn hình khối đã xem, kết quả, 80% trẻ với tay lấy hình tam giác màu vàng.

Những khả năng đáng ngạc nhiên của trẻ sơ sinh 1
 Trẻ sơ sinh có thể nâng toàn bộ cơ thể chỉ với 1 bàn tay nắm chặt vào thanh gỗ.

Phản xạ nắm lòng bàn tay

Trẻ sơ sinh thường rất mong manh, yếu ớt nhưng thật khó lý giải tại sao chúng lại có khả năng nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể lên không trung trong vòng ít nhất hơn 10 giây, nhiều nhất là hơn 2 phút chỉ với 1 bàn tay nắm chặt vào thanh gỗ. Đây là thí nghiệm của một nhà nghiên cứu tiến hành với 60 đứa trẻ vào năm 1891. Điều này là một bằng chứng cho thấy sự gần gũi giữa hai họ hàng loài người và loài khỉ. Những con khỉ con có khả năng đu bám cành cây trong vòng hơn 8 phút và bám chặt vào mẹ trong những cuộc trốn chạy để sinh tồn.

Bản năng tìm được vú mẹ

Trong suốt 9 tháng thai kỳ, tất cả nguồn dinh dưỡng ấu nhi nhận được là thông qua dây rốn. Khi ra đời, trẻ sơ sinh không chỉ biết nằm đó và hét toáng lên mỗi khi đói. Nếu đặt chúng giữa hai bầu sữa mẹ, em bé sẽ từ từ chuyển đến bầu sữa và bắt đầu bú. Để đến được bầu sữa mẹ, cơ thể của trẻ sơ sinh phải dịch chuyển, chân đạp vào bụng mẹ và tay quờ quạng đón lấy đầu vú. Bạn thắc mắc, làm thế nào trong đêm tối, trẻ nhỏ cũng vẫn biết đâu là hướng có bầu sữa mẹ đề quay sang và rúc vào? Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngực của người mẹ phát ra một mùi bí mật mà chỉ có đứa con của họ mới có thể cảm nhận được. Và chính mùi ấy hấp dẫn đứa trẻ sơ sinh hành động.

Trẻ có thể đọc khẩu hình môi

Mất 6 tuần để trẻ sơ sinh có thể nhìn thẳng vào mắt mẹ và từ thời điểm này, cả một thế giới giao tiếp mở ra giữa người mẹ và con trẻ. Bắt đầu từ 6 tháng tuổi trở đi, trẻ ngừng nhìn vào mắt mẹ mà chăm chú nhìn vào những chuyển động của môi người chăm sóc để đoán biết ý. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu giai đoạn trẻ 4, 6, 8, 10 tháng tuổi để phân tích quá trình hiểu nghĩa và học nói của trẻ: 4 tháng tuổi, trẻ nhìn chăm chú vào nhãn cầu người đang nói; 6 tháng tuổi, trẻ nhìn vào cả mắt và dịch chuyển xuống miệng người đang nói; 8-10 tháng tuổi, trẻ tập trung nhìn vào miệng để đoán biết ý nghĩa người muốn nói và tập bắt chước những âm thanh đơn giản. Thật tài tình, trẻ có thể nhìn khẩu hình môi của người chăm sóc để đoán biết được nội dung lời nói và từ đó, trẻ bắt chước bằng những âm thanh đơn giản nhất.

Trẻ có khả năng phát hiện nói dối

Bạn không tin ư? Hãy thử nói với trẻ đừng ăn bim bim, bim bim cay lắm không ngon trong khi bạn làm điệu bộ khuôn mặt nhăn nhó, lắc đầu. Trẻ có làm theo bạn không? Chắc chắn là không, trẻ vẫn sẽ túm lấy miếng bim bim và cho vào miệng vì chúng biết bạn đang nói dối.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu hai nhóm trẻ gồm 60 bé từ 13 – 16 tháng tuổi. Nhóm thứ nhất ngồi trước mặt một chiếc hộp sặc sỡ và một người lớn mở chiếc hộp ra làm điệu bộ thích thú nhưng trong hộp không có món quà nào. Nhóm thứ hai ngồi trước mặt chiếc hộp sặc sỡ và người mở chiếc hộp reo lên thích thú vì món quà trong hộp. Phần tiếp theo của thí nghiệm, hai nhóm này được hướng dẫn dùng trán để bật công tắc điện, 61% bé trong nhóm có người lớn nói dối, bằng những cách vui nhộn đã không bật công tắc điện bằng trán. Trong khi đó, 34% bé trong nhóm 2 có người lớn thành thật, đã dùng trán bật công tắc điện.

Vì vậy, lần sau khi cố gắng nói dối con bạn rằng món bột thơm ngon như món kem thì hãy cẩn trọng vì chúng biết bạn đang nói dối.
Huệ Hương (Theo Cracked )