Những ý tưởng đã hằn sâu vào cuộc sống của chúng tôi trong lúc nhậu nhẹt không biến mất hoàn toàn một cách nhanh chóng, như có phép màu, khi chúng tôi bắt đầu đậy kín nút chai. Những ngày bia rượu của chúng tôi có thể qua đi, nhưng bệnh vẫn còn nấn ná.
Chúng tôi thấy rằng ngắt bỏ nhiều ý tưởng cũ khi chúng bắt đầu nẩy mầm là một cách điều trị. Và chúng lại nẩy mầm, lại nẩy mầm.
Cái chúng tôi cố gắng đạt được là một cảm giác được thư giản và thoát khỏi những ràng buộc của suy nghĩ cũ của chúng tôi. Nhiều thói quen suy nghĩ trước đây của chúng tôi, những ý tưởng nó sinh ra, hạn chế tự do của chúng tôi. Chúng chỉ kéo chúng tôi xuống và khi nhìn bằng cặp mắt mới, chúng tôi thấy chúng hóa ra là vô bổ. Chúng tôi không phải dính dáng với chúng thêm một chút nào nữa, trừ khi chúng được xem xét và được chứng tỏ là vững chắc và vẫn còn thật sự hữu dụng.
Bây giờ chúng tôi có thể đo lường sự hữu ích và sự chân thật hiện tại của một ý nghĩ theo một tiêu chuẩn rất cụ thể. Chúng tôi có thể tự hỏi: “Bây giờ, đó chính xác là cái tôi đã quen nghĩ trong những ngày nhậu nhẹt. Loại suy nghĩ đó có giúp tôi sống tỉnh rượu hay không? Nó có tốt cho tôi hôm nay không?”
Nhiều ý tưởng cũ của chúng tôi – đặc biệt là về rượu, về uống rượu, về say xỉn và về bệnh nghiện rượu (hoặc là uống rượu có vấn đề, nếu bạn thích từ này hơn) – tỏ ra hoặc là không có giá trị hoặc là tự hủy hoại đối với chính mình và thật là nhẹ gánh khi trút bỏ nó. Có lẽ một vài thí dụ cũng đủ để minh họa mong muốn của chúng tôi được vứt bỏ ý tưởng vô dụng cũ của chúng tôi.
Đối với nhiều người trong chúng tôi khi còn niên thiếu, uống rượu là một cách chứng tỏ rằng mình không còn trẻ con nữa, hoặc rằng mình là đàn ông, hoặc là tinh tế, khôn ngoan, mạnh mẽ đủ để cải lại cha mẹ và người có thẩm quyền khác. Trong nhiều đầu óc, uống rượu gắn bó chặt chẽ với yêu đương, tình dục và âm nhạc, hoặc với thành công trong công việc, với sự tự đắc của người uống rượu, với vẻ sang trọng quí phái. Nếu có được dạy dỗ tại trường một điều gì đó về uống rượu, thường chỉ được dạy về những nguy hiểm đối với sức khỏe và khả năng mất bằng lái xe – không nhiều hơn nữa. Và nhiều người vẫn còn tin rằng không có thứ uống rượu nào là mất đạo đức, dẫn đến tội lỗi, đau khổ, bị ghét bỏ và tử vong. Dù cảm giác của chúng tôi về uống rượu có như thế nào, ủng hộ hay là phản đối, chúng thường là mạnh và nặng về cảm tính hơn là lý trí.
Hoặc thái độ của chúng tôi về chuyện uống rượu có lẽ chỉ là thụ động, chấp nhận mà không suy nghĩ về những ý kiến của người khác. Đối với nhiều người, uống rượu là phần chủ yếu của những dịp giao tiếp – là một lúc vui vẻ, vô hại ở một nơi nào đó giữa các bạn bè, tại những thời điểm đặc thù. Những người khác coi uống rượu là món cần thiết khi ăn. Nhưng bây giờ chúng tôi tự hỏi: Có thật sự nếu không có rượu, không thể nào vui vẻ cùng bạn bè hoặc là thưởng thức món ăn không? Có phải chính cách uống rượu của chúng tôi đã cải thiện những mối quan hệ xã giao không? Có phải nó đã làm tăng sự thích thú của chúng tôi với món ăn ngon không?
Ý tưởng uống đến say sưa tạo nên những phản ứng ủng hộ hoặc chống đối cực đoan hơn. Say sưa có lẽ được coi chỉ là vui, hoặc chỉ là xấu hổ. Chính ý tưởng đó là không thể chấp nhận được đối với nhiều người, trên nhiều phương diện. Đối với một số trong chúng tôi, nó là tình trạng được mong muốn, không chỉ vì người khác mong đợi chúng tôi như vậy và chúng tôi thích cảm giác đó, nhưng cũng vì nó được những nhân vật nổi tiếng phủ hào quang. Một số người không chịu được những ai chưa từng say rượu lần nào; những người khác lại nguyền rủa những ai quá say sưa. Khám phá y học hiện đại cho đến nay ít có ảnh hưởng đến những thái độ này.
Khi lần đầu tiên nghe đến từ “nghiện rượu”, đa số chúng tôi liên tưởng chủ yếu đến người già, xốc xếch, run rẩy hoặc khó chịu mà chúng tôi đã nhìn thấy đang ăn xin hoặc đi ra khỏi khu ổ chuột. Bây giờ người hiểu biết nhiều biết rằng ý tưởng này là không đúng.
Tuy nhiên, tàn tích của những ghi nhận bùn nhơ, xưa cũ đeo bám nhiều người trong chúng tôi suốt những cố gắng đầu tiên để tỉnh rượu. Chúng làm mờ mắt chúng tôi và khiến chúng tôi khó nhìn thấy sự thật. Nhưng chúng tôi cuối cùng trở nên muốn đùa vui cái ý nghĩ rằng – có lẽ – một số những ý tưởng này có thể ít nhiều sai lầm hoặc ít nhất là không còn phản ánh chính xác kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi.
Khi chúng tôi tự thuyết phục mình hãy nhìn vào kinh nghiệm này một cách chân thành và lắng nghe những ý tưởng khác hơn, chúng tôi trở nên cởi mở với một khối lượng thông tin to lớn mà chúng tôi trước đây chưa từng xem xét kỹ lưỡng.
Thí dụ, chúng tôi có thể nhìn vào bản mô tả khoa học: Rượu là một loại thuốc làm thay đổi ý thức, không chỉ là thứ giải khát ngon miệng. Thứ thuốc này, chúng tôi biết, không chỉ có trong nước giải khát, mà còn có trong một số thức ăn và dược phẩm. Và bây giờ, gần như mỗi ngày, chúng tôi đọc hoặc nghe đến một khám phá rằng thứ thuốc cụ thể này gây nên tác hại đến cơ thể (đến tim, đến máu, đến dạ dày, đến gan, đến miệng, đến não, …) trước đây không được ngờ đến.
Các nhà dược lý và các chuyên gia chất gây nghiện khác bây giờ nói rằng rượu không được coi là tuyệt đối an toàn và vô hại, dù được sử dụng để giải khát, kích thích, gây ngủ, tăng lực hoặc an thần. Nhưng nó, do chính nó, không nhất thiết dẫn đến tổn thương thực thể hoặc thoái hóa tâm lý mọi trường hợp riêng lẻ. Nhìn bề ngoài, đa số người uống rượu có thể uống một cách nhẹ nhàng, không tác hại đến chính họ hay đến người khác.
Chúng tôi thấy uống rượu có thể được coi một cách y khoa là uống thuốc; say sưa là quá liều. Sử dụng thuốc này không đúng, trực tiếp hay gián tiếp đưa đến những rắc rối đủ loại – thể chất, tâm lý, gia đình, xã hội, tài chính, nghề nghiệp. Thay vì suy nghĩ chủ yếu đến những gì việc uống rượu tác động đối với chúng tôi, chúng tôi bắt đầu nhìn những gì nó tác động đến người khác.
Chúng tôi thấy rằng bất cứ người nào có rắc rối bất kỳ loại nào liên quan đến uống rượu có thể mắc tình trạng gọi là “bệnh nghiện rượu”. Bệnh này xảy ra bất kể tuổi tác, tôn giáo, giới tính, trình độ, dân tộc, sức khỏe cảm xúc, nghề nghiệp, tình trạng gia đình, thể chất, thói quen ăn uống, tình trạng xã hội hay kinh tế, hoặc tính cách tổng quát. Nó không phải là vấn đề bạn uống bao nhiêu hoặc cách nào, hoặc khi nào, hoặc tại sao, nhưng là vấn đề uống rượu ảnh hưởng cuộc sống của bạn thế nào – cái gì xảy ra khi bạn uống rượu.
Trước khi có thể nhận ra bệnh này trong chính chúng tôi, chúng tôi phải gỡ bỏ câu chuyện mệt mỏi cũ: Nó là một dấu hiệu của sự yếu đuối đáng xấu hổ khi công nhận rằng chúng tôi không thể xử trí nổi chất nước này nữa (nếu trước đây ta từng có thể).
Yếu đuối? Thật ra, cần phải nhiều can đảm để nhìn thẳng không chớp mắt vào sự thật khó khăn, không bỏ sót việc gì, không dễ dãi việc gì, không đổ thừa và không lừa phỉnh chính mình. (Không hề phô trương nhưng thẳng thắn, nhiều chúng tôi nghĩ rằng mình là những vô địch thế giới trong chuyện lừa phỉnh chính mình.)
Quá trình khỏi bệnh nghiện rượu cũng có vẻ bị che phủ bởi những nhận thức sai lầm. Như hàng triệu người khác đã từng thấy một người uống rượu đến chết, chúng tôi đã tự hỏi tại sao người nhậu không sử dụng ý chí để cai rượu. Đó là một ý tưởng lỗi thời khác, nhưng nó tồn tại dai dẵng bởi vì nhiều người trong chúng tôi đã từng được kể từ lúc còn trẻ những mẫu hình siêu ý chí. Có lẽ có những huyền thoại trong gia đình hoặc ở hàng xóm về Chú John già tốt bụng. Nổi tiếng là người nát rượu, quậy phá trong nhiều năm, ông đột ngột bỏ rượu, bỏ đàn bà và bỏ hát xướng vào tuổi 50, và trở nên một hình mẫu xã hội và đạo đức không bao giờ sa ngã nữa.
Những ghi nhận trẻ con rằng chúng tôi khi sẵn sàng có thể làm được giống như vậy là một hoang tưởng nguy hiểm. Chúng tôi không phải là ai khác. Chúng tôi chỉ là chúng tôi. (Chúng tôi cũng không phải là ông nội, uống mỗi ngày một xị rượu cho đến 90 tuổi.)
Bây giờ người ta đã xác định rõ ràng rằng ý chí, tự bản thân nó chỉ hiệu quả trong điều trị bệnh nghiện rượu giống như hiệu quả trong điều trị bệnh ung thư. Kinh nghiệm bản thân chúng tôi đã xác định điều này lập đi lập lại nhiều lần. Đa số trong chúng tôi cố gắng thực hiện một cách đơn độc, hy vọng sẽ kiểm soát được chuyện nhậu nhẹt của mình hoặc là ngưng rượu hẳn và chúng tôi không thành công được bao nhiêu lâu dù có nỗ lực đến đâu. Ngay đến mức như vậy, chúng tôi không dễ dàng công nhận rằng chúng tôi cần được giúp đỡ. Việc này lại có vẻ như là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Vâng, chúng tôi đã bị cuốn vào một hoang tưởng khác.
Nhưng khi cuối cùng tự hỏi lại mình: Sao không khôn ngoan hơn để tìm đến và chọn lựa một sức mạnh lớn hơn của chính mình, thay vì khăng khăng vào nỗ lực đơn độc, vô ích, sau khi người ta đã qua thời gian và một lần nữa chứng minh rằng nó không hiệu quả? Chúng tôi vẫn tiếp tục nghĩ rằng tiếp tục nhìn trong bóng tối là rất khôn ngoan, trong khi có thể dễ dàng bật đèn lên và sử dụng ánh sáng đèn. Chúng tôi không thể sống tỉnh rượu hoàn toàn mà chỉ nhờ vào chính mình. Đó không phải là cách chúng tôi đã học được để giữ tỉnh rượu. Và hơn nữa, sự thưởng thức hoàn toàn cuộc sống tỉnh rượu không là chuyện của riêng một người.
Khi chúng tôi có thể nhìn thấy, cho dù tạm thời, chỉ một vài ý tưởng mới khác với những ý tưởng cũ của mình, chúng tôi đã bắt đầu bước vững chắc vào một cuộc sống mới hạnh phúc, mạnh khỏe hơn. Nó chỉ diễn ra giống như cách đã diễn ra với hàng hàng hàng ngàn chúng tôi, những người đã tin tưởng sâu sắc rằng nó không bao giờ diễn ra.
Nguồn: Alcoholics Anonymous
Trần Thanh Xuân dịch
|