Gần đây, việc sử dụng lentivirus và phục hồi liệu pháp vectơ virut để chữa một số bệnh suy giảm miễn dịch di truyền cho trẻ em đã mang lại một số kết quả khả quan ngoài mong đợi. Do vậy, các nhà khoa học đang nuôi hy vọng trong thời gian tới, cũng với liệu pháp này có thể áp dụng để chữa một số bệnh khó chữa khác như bệnh Parkinson.
Sơ lược về việc dùng virut trong liệu pháp gen
Lentivirus là các retrovirus phức hợp với các mẫu RNA nối nhiều tầng, nó cho phép kiểm soát sự sao chép phức tạp của virut ở các pha sớm và muộn trong chu kỳ sống của chúng. Vectơ virut là virut được cắt bỏ các gen độc lực và gắn thêm các gen chỉ thị đặc hiệu.
Để dùng liệu pháp gen trong điều trị bệnh, các nhà chuyên môn thường sử dụng theo hai phương pháp, đó là:
Cách thứ nhất: Đưa “gen lành” vào đúng vị trí gen bị hỏng trong bộ gen của cơ thể. Gen lành bổ sung này sẽ chịu sự tác động của bộ gen chung, do đó sẽ có những biểu hiện bình thường của gen đó. Đây là cách lý tưởng song rất khó khăn, vì cho đến nay chúng ta vẫn chưa có cách chữa gen hỏng thành gen lành. Tuy nhiên hiện nay, khoa học đã có kỹ thuật tái tổ hợp gen đồng dạng nên phương pháp này vẫn có hy vọng để thực hiện ý đồ trên.
Liệu pháp gen vec tơ virut được sử dụng để chữa một số bệnh.
|
Cách thứ hai: Bản thân cơ thể có quá trình tự sinh ra các gen lành và sửa chữa các gen hư hỏng. Nên khi đưa một gen lạ vào bộ gen cơ thể (chẳng hạn như gắn vào tế bào tủy xương), nó sẽ tác động vào tế bào theo hướng thúc đẩy quá trình tạo ra gen lành, sửa chữa gen hỏng của cơ thể (ví dụ gen này sẽ thúc đẩy tế bào tủy xương trong việc tạo ra các tế bào gốc tạo máu). Thông thường “gen lạ” được tạo ra từ virut nên kỹ thuật này gọi là tạo ra vectơ virut. Và dĩ nhiên trước đó người ta phải tìm cách để xóa các sự sao chép có hại do virut gây ra và chỉ giữ lại tính năng thúc đẩy quá trình sinh ra gen lành và sửa chữa gen hư hỏng.
Cách làm này có ưu điểm là thúc đẩy việc sinh ra gen lành, sửa chữa gen hỏng một cách tự nhiên mà con người chưa tạo ra được. Tuy nhiên, vì gen đưa vào cơ thể là “gen lạ” vốn không nằm trong phức hợp điều hòa của bộ gen chung, nên nó có thể có các biểu hiện “tùy tiện”. Mà một trong các biểu hiện tùy tiện đó là gen lạ có thể gắn vào các vị trí có khả năng hoạt hóa các gen gây ung thư.
Trước đây người ta đã dùng các “gen lạ” virut khác nhau để tác động lên AND người nhằm thúc đẩy quá trình sinh gen lành, sửa chữa gen hỏng. Tuy nhiên, khi “gen lạ” đi vào AND của người bệnh thì nó cũng lại tác động lên các gen lân cận khác, tạo nên ung thư như ung thư bạch cầu, gây tử vong. Do vậy mà liệu pháp gen dùng vectơ virut đã bị ngừng sử dụng một thời gian. Hiện nay, vấn đề đặt ra là chọn một virut nào thích hợp để tạo ra “gen lạ” mà không gây tác dụng phụ này.
Những thành công từ việc dùng virut trong liệu pháp gen
Gần đây, các nhà khoa học đã chọn lentivirus thay vì các virut cũ và phục hồi lại liệu pháp vectơ virut để chữa một số bệnh suy giảm miễn dịch di truyền. Suy giảm miễn dịch di truyền là bệnh gây ra bởi một hay nhiều thành phần thiết yếu của hệ miễn dịch bị mất đi hoặc suy giảm hoạt động biểu hiện ngay từ lúc mới sinh. Bệnh rất khó chữa trị và có nguy cơ tử vong cao.
GS. Luidi Naldini, Viện San Raffaele Telethon (Milan, Ý) đã dùng liệu pháp vectơ virut để chữa cho 3 nam bệnh nhi bị hội chứng Wiskot – Aldrich. Hội chứng Wiskot – Aldrich là bệnh có biểu hiện bằng tình trạng suy giảm chức năng tế bào T trong khi số lượng của quần thể tế bào T vẫn ở mức bình thường. Theo thời gian, chức năng tế bào T ngày càng suy giảm nặng hơn. Trẻ trai mắc hội chứng này rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn sinh mủ và thường bị bệnh chàm rất nặng, xuất huyết dạng mảng dưới da do khiếm khuyết số lượng và chức năng tiểu cẩu. Tuy nhiên, sau 2 – 3 năm được điều trị theo liệu pháp của GS. Luidi Naldini, hệ miễn dịch của trẻ đã hoạt động tốt, các bệnh nhi đều khỏe mạnh và đặc biệt hơn cả, đó là theo đánh giá của bác sĩ phẫu thuật nghiên cứu gen Todd Rosengart, Đại học y khoa Baylor, Houston (Mỹ) trong báo cáo trước hội đồng y khoa quốc tế ngày 11/7/2013 thì những bệnh nhi trên không có dấu hiệu bị ung thư bạch cầu.
Nối tiếp thành công trên, GS. Luidi Naldini đã tiếp tục dùng liệu pháp vectơ virut điều trị cho 3 trẻ bị hội chứng Eukodystory metachromatic. Eukodystory metachromatic là hội chứng tác động lên dự trữ sự tích trữ sulfat cerebrosid, gây ra sự thiếu hụt enzym arylsulfatase. Khi thiếu hụt enzym này sẽ ảnh hưởng đến não và tủy sống của trẻ, làm trẻ bị tê liệt dần và mất dần khả năng suy nghĩ… nguy cơ tử vong cao vài năm sau đó. Kết quả sau hai năm điều trị theo liệu pháp trên, enzym bị thiếu hụt đã trở về ngưỡng sinh lý, do đó đã giữ cho tủy sống và não hoạt động bình thường. Đồng thời việc theo dõi sau quá trình điều trị, người ta cũng không thấy các bệnh nhi này có các biểu hiện của bệnh ung thư bạch cầu.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Senlin Li, Đại học Texas (Mỹ) và báo cáo của Trung tâm khoa học y tế San Antonio: Với các kết quả kỳ diệu trên, hy vọng từ nay liệu pháp gen dùng virut sẽ được phát triển trở lại và không chỉ vậy, liệu pháp này còn có thể mở ra hướng điều trị cho các bệnh khó chữa khác như bệnh Parkinson.
(Theo science news)
Vũ Trung Hải