Cá vây chèo là sinh vật chuyên sống ở tầng nước sâu, do vậy rất hiếm khi người ta nhìn thấy nó. Sự kiện con cá vây chèo dài khoảng 5,5m, được người dân trên đảo Catalina phát hiện ngày 13/10/2013 được coi là sự kiện độc đáo nhất. Tuy nhiên 5 ngày sau đó, ngay trên bờ biển thuộc Hạt San Diego, người ta lại tận mắt trông thấy một con cá vây chèo thứ hai, dài 4,3m. Từ đó có những dự báo rằng một trận động đất sắp xảy ra.
Các nhân viên của Viện Hải dương học đảo Catalina (CIMI) đang giữ xác con cá vây chèo dài 5,5m, tìm thấy ngày 13/10/2013.
|
Khả năng ngoại cảm động đất của động vật
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học lên tiếng đề nghị nghiên cứu về những mối dây liên hệ giữa hành vi động vật với động đất. Xuyên suốt chiều dài lịch sử đã từng có nhiều báo cáo linh nghiệm về các loài thú nuôi, động vật sở thú và động vật hoang dã có những lối hành xử khá kỳ quặc vào những ngày hoặc vài phút trước khi con người có thể cảm nhận động đất. Một trong những minh họa điển hình là những gì đã từng xảy ra tại Helike, một đô thị Hy Lạp cổ đại đã bị nhấn chìm vào khoảng năm 373 trước Công nguyên. Tác giả La Mã, Aelianus từng viết: “Tất cả những con chuột, chồn Mác-ten, rắn rết, bọ cánh cứng và nhiều loài động vật khác bỗng dưng biến đâu mất khỏi Helike. Sau khi những loài vật này đi khỏi, ngay cái đêm đó, một trận động đất đã nổ ra tại Helike – cả thành phố đổ sập, một trận lụt lội khổng lồ đã nhấn chìm cả Helike”.
Vào tháng 2/1975, một trận động đất với cường độ 7,3 độ richter xảy ra tại Hải Thành, một thành phố có khoảng 1 triệu dân, thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Trước đó 1 ngày, các quan chức của Hải Thành đã ra lệnh sơ tán một nửa dân số của thành phố, sau khi nơi đây diễn ra những hành vi kỳ lạ của các loài động vật, ví dụ như những con rắn thay vì đang trong thời gian ngủ đông thì chúng tự nhiên rời bỏ khỏi nơi trú ẩn. Đợt di tản kỳ quái của loài rắn này đã cứu mạng sống cho hàng ngàn dân cư tại Hải Thành.
Các quan chức sở thú tại Công viên động vật học quốc gia Smithsonian ở Washington, D.C. đã báo cáo rằng, nhiều loài vật nháo nhào tìm nơi trú ẩn khác hoặc cất tiếng kêu ai oán chỉ vài phút trước khi xảy ra trận động đất 5,8 độ richter tấn công Washington D.C. vào buổi trưa của ngày 23/8/2010. Những loài rắn kiếm ăn ban đêm như rắn hổ đã rời khỏi nơi trú ẩn hàng ngày của chúng, những con vượn trèo lên các ngọn cây, còn đàn chim hồng hạc bay tán loạn trong một khoảng thời gian trước khi các nhân viên sở thú kịp thời nhận ra diễn biến của trận động đất.
Động vật có thể phát hiện những gì?
Nếu các loài động vật có thể “nhìn” thấy động đất trước khi nó xảy ra thì liệu chúng có trải qua không? Không ai rõ loài vật có khả năng dự cảm theo cách của nó hay không, song có một số giả thuyết khá hấp dẫn liên quan đến chuyện này.Trong cuộc nghiên cứu liên quan đến loài cóc, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận rằng “hoạt động của loài cóc trùng hợp với các nhiễu loạn tiền địa chấn trong tầng điện ly, chúng có khả năng phát hiện các sóng vô tuyến tần số thấp (VLF)”. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn không rút ra được bất kỳ kinh nghiệm nào từ nghiên cứu của mình về điều gì đã gây ra các hành vi bất thường của loài cóc. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí sức khỏe cộng đồng và nghiên cứu môi trường quốc tế (IJERPH) vào năm 2011, ông Rachel Grant và một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các ứng suất (một thuật ngữ khoa học) kiến tạo trong lớp vỏ trái đất đã gửi đi “một số lượng khổng lồ các ion tích cực trong không khí vào tầng thấp của khí quyển. Khi các ion này tiếp xúc với nước, chúng sẽ thực hiện quá trình ôxy hóa nước thành nước ôxy già”. Các tác giả nghiên cứu viết: “Các phản ứng khác tại giao diện đá – nước bao gồm quá trình ôxy hóa hoặc ôxy hóa một phần làm cho các hợp chất hữu cơ phân hủy”. Các hợp chất mới “có thể gây sự kích thích hoặc làm ngộ độc một số động vật”, và rất có thể nó là nguyên nhân chính dẫn đến sự di cư ở loài cóc ra khỏi môi trường sống hiện tại của chúng.
Nguyễn Thanh Hải
(Theo Discovery, 1/11/2013)