Kawasaki Bệnh không thể chủ quan

Thấy con hâm hấp sốt gần 1 tuần, miệng và môi đỏ, lưỡi đỏ rực, vạch lưng áo con chị Hải tá hỏa thấy có nhiều mảng đỏ như sởi…đưa con tới bệnh viện khám thì được biết con mắc bệnh Kawasaki – một căn bệnh mà theo chị Hải là “nghe lạ quá và gia đình hoang mang thực sự”. Tìm hiểu thêm, chị Hải còn được biết đây là bệnh mà trẻ con thành phố mắc nhiều hơn nông thôn. Do đâu mà trẻ mắc bệnh này? Mức độ bệnh có nguy hiểm?

Kawasaki là bệnh gì?

Kawasaki là bệnh sốt mọc ban cấp tính ở trẻ nhỏ với đặc điểm viêm mạch máu lan tỏa và dễ để lại biến chứng phình giãn động mạch vành tim. Bệnh khởi phát quanh năm, cao nhất vào các tháng 3, 5 và 9. Tại Việt Nam, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện năm 1995, đến nay bệnh gặp ngày một nhiều trong khắp các vùng miền. Đáng lưu ý là hầu hết trẻ nghi ngờ Kawasaki ở nước ta đều điều trị tại các trung tâm nhi khoa vừa để xác định chẩn đoán vừa để nhận điệu trị globulin miễn dịch theo chế độ miễn phí.

Kawasaki Bệnh không thể chủ quan 1
 Các biểu hiện của bệnh Kawasaki.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh có triệu chứng chủ yếu rất đặc trưng của nhiễm khuẩn và dị ứng là: sốt cao liên tục trên một tuần, điều trị bằng kháng sinh không đỡ, hai mắt sưng đỏ (viêm kết mạc củng mạc) có biến đổi ở khoang miệng: môi đỏ, lưỡi đỏ, miệng bong rộp, loét, biến đổi ở đầu chi: đỏ tím bàn tay, bàn chân, phù nề mu bàn tay, mu bàn chân, bong da ở đầu ngón vào tuần thứ 2, thứ 3, mọc ban đỏ đa dạng toàn thân, nổi hạch ở cổ và góc hàm, tổn thương tim mạch (thường sau 2-3 tuần); loạn nhịp tim, viêm cơ tim có suy tim, dịch tràn màng ngoài tim, phình, giãn động mạch vành tim… Ngoài ra, có một số triệu chứng không điển hình khác như: rối loạn tiêu hoá (nôn mửa, tiêu chảy…) sưng đau các khớp, viêm phế quản – phổi, giãn túi mật. Xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng cao, bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng…

Chẩn đoán xác định cách nào?

Vì nguyên nhân bệnh cho đến nay chưa được tìm ra nên chẩn đoán bệnh Kawasaki đến giờ này vẫn là những tổn thương trên mặt mô học (histology) của giải phẫu bệnh (anapathology). Bất kỳ một bệnh nhi nào khởi phát bệnh sốt kéo dài trên 5 ngày, nhưng không đáp ứng với kháng sinh điều trị mà có kèm theo 4 trong 5 nhóm triệu chứng sau thì phải nghĩ ngay đến bệnh Kawasaki: Viêm kết mạc mắt hai bên mà không có chảy nước mắt sống; Ít nhất có một trong những biểu hiện về miệng và họng sau đây: lưỡi đỏ như trái dâu tây hoặc môi nứt hoặc họng sưng phù; Có ít nhất một trong những dấu hiệu sau ở tay hoặc chân: sưng căng do ứ dịch ở mô hoặc tróc da hoặc da có màu đỏ bất thường; Nổi ban đỏ ở thân kèm theo sốt cao; Sưng nhiều hạch ở cổ với kích thước lớn hơn 1,5cm đường kính. 

Lời khuyên của thầy thuốc

Cho đến nay, hầu hết bệnh nhân Kawasaki tại các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt tại Hà Nội đều được chẩn đoán và theo dõi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuổi khởi phát bệnh trung bình là từ 16 tháng đến 9 tuổi và tỷ lệ bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái.

Theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hà – Phó khoa Tim mạch (BV Nhi T.Ư), bác sĩ nghiên cứu và trực tiếp điều trị căn bệnh này thì, Kawasaki là bệnh dễ bỏ sót chẩn đoán vì lâm sàng đa dạng rất giống nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác, trong khi bệnh tiến triển có vẻ như tự thoái lui. Vì vậy, bệnh này nếu phát hiện muộn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ đó là làm tim to, nhịp tim nhanh, suy tim, nhưng nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử. Bệnh nhân Kawasaki ở nước ta đều được phát hiện tại bệnh viện nên dễ gặp bệnh nhân biểu hiện rầm rộ, sốt kéo dài hơn và cũng thường gặp ở trẻ nhỏ tuổi hơn so với bệnh nhân bỏ sót trong cộng đồng.    

Song Anh