Ho

ats-ho

Khi không khí thoát mạnh khỏi họng, tạo ra một âm thanh, tất cả chúng ta gọi là “ho”. Ho thường bắt đầu bằng một lần hít vào sâu, sau đó không khí thoát mạnh ra khỏi miệng. Ho là cách cơ thể bạn ngăn vật lạ đi vào đường hô hấp và tống đàm và vật lạ ra khỏi đường hô hấp của bạn. Ho là than phiền thường gặp nhất khiến bệnh nhân đến khám bệnh.

Ho không phải là một bệnh, nhưng nó là một triệu chứng thường gặp của các bệnh đường hô hấp trên và dưới. Dù bạn không hề mắc một bệnh phổi nào, bạn vẫn có thể ho.

Cái gì gây ra ho?

Ho có thể xảy ra khi có thứ gì đó kích thích các tận cùng thần kinh (thụ thể ho) của bạn. Các tận cùng thần kinh này nằm ở nhiều nơi bên trong cơ thể bạn, từ vùng đầu cổ đến tận phía trên rốn. Hít vào các hạt, hơi, khói thuốc lá, khói, bụi hoặc không khí lạnh có thể kích thích các thụ thể này và khiến bạn ho.

Ho có thể lây lan nhiễm trùng không?

Ho là một cách lây lan nhiễm trùng đến người khác. Thí dụ như cúm và lao có thể lây lan từ các hạt nhỏ nhiễm trùng do ho tống vào không khí. Vi rút cúm có thể lây sang người khác do ho, nhưng vi rút cúm thường lây sang người khác do tiếp xúc từ bàn tay đến mũi hơn. Tiếp xúc tay-mũi có nghĩa là bạn bắt tay ai đó, vốn bị nhiễm trùng hoặc chạm thứ gì đó đã có vi rút cúm ở bề mặt và sau đó bạn chạm vào mũi hoặc mắt của mình.

Để giúp làm giảm sự lây lan nhiễm trùng, bạn nên:

+ Che miệng và mũi bằng khăn khi ho hoặc nhảy mũi. Bạn không muốn phát tán mầm bệnh đến người khác.

+ Khi không có sẵn khăn, hãy ho hoặc nhảy mũi vào tay áo hoặc khuỷu tay áo, không vào bàn tay.

+ Cho khăn đã sử dụng vào thùng rác.

+ Tránh khạc nhổ, bởi vì nó có thể tạo hạt sương, lây nhiễm sang người khác.

+ Hãy hỏi xin và mang một khẩu trang khi đi vào cơ sở y tế nếu đang bị ho hoặc có các triệu chứng cảm cúm.

+ Hãy thường xuyên rửa tay và rửa tay với xà bông và nước trong ít nhất 20 giây.

+ Hãy sử dụng khăn lau tay tẩm cồn nếu không có sẵn xà bông và nước.

Có điều gì đặc biệt nên biết về ho của tôi không?

Nếu bạn bị ho, hãy theo dõi xem bạn đã ho được bao lâu rồi. Bác sĩ cũng có thể hỏi ho khan hay ho có đàm, ho có làm bạn thức giấc không, tuy nhiên, các thông tin này không giúp xác định nguyên nhân thật sự của ho. Chúng ta cũng biết rằng ho nhiều có thể gây ói. Một nhiễm trùng hô hấp đi kèm một cách điển hình với ho gây ói là ho gà (pertussis). Hội chứng ho-ói này, theo Trung tâm Phòng Chống Bệnh Hoa Kỳ, nên được nghĩ đến ho gà.

Ho cấp, bán cấp và mạn tính

Có ba khoảng thời gian dùng để mô tả bạn đã ho bao lâu: cấp tính (ít hơn 3 tuần), bán cấp (từ 3 đến 8 tuần) hoặc mạn tính (hơn 8 tuần và không giảm).

+ Ho cấp tính thường nhất là do cảm cúm thông thường. Ho này khởi phát chậm và cải thiện từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm. Ho do cảm cúm thông thường không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và thường không kéo dài quá 14 ngày. Người cảm cúm điển hình cũng than phiền về nghẹt mũi, chảy mũi, đằng hắng (throat clearing) và đau họng. Họ cũng có thể cảm thấy như có đàm ở phía sau họng. Ho cấp tính cũng có thể do hít phải chất kích thích như phấn hoa hoặc khói nặng mùi. Ho có thể là triệu chứng đầu tiên của hen không kiểm soát đúng mức. Ít gặp hơn, ho cấp tính có thể do một bệnh nặng hơn như là viêm phổi hoặc suy tim.

+ Hen bán cấp xảy ra thường gặp nhất sau một nhiễm trùng hô hấp (thường do vi rút). Các nguyên nhân thường gặp của ho bán cấp là: ho gà, cơn kịch phát của các bệnh như hen, viêm phế quản mạn tính, viêm xoang hoặc giãn phế quản. Khi ho bắt đầu cải thiện nhưng sau đó trở nặng, bạn nên đến bác sĩ.

+ Ho mạn tính có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Thường các nguyên nhân kết hợp gây ra ho. Ho mạn tính có thể xảy ra do các bệnh đường hô hấp trên như viêm các niêm mạc bên trong mũi (viêm mũi) và viêm xoang, hậu quả của dị ứng hoặc nhiễm trùng hoặc hen kiểm soát kém. Hút thuốc lá có thể gây viêm phế quản mạn tính và hậu quả là ho mạn tính. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (khi chất chứa trong dạ dày trào ngược lên thực quản) cũng có thể là một nguyên nhân của ho mạn tính.

Khi nào tôi nên gặp bác sĩ do ho?

Bất cứ lúc nào ho khiến bạn quan ngại, bạn nên thảo luận với bác sĩ. Nhất thiết phải gặp bác sĩ nếu:

+ Bạn khạc ra máu khi ho.

+ Bạn đau ngực hoặc khó thở khi ho.

+ Ho khiến bạn ói.

+ Bạn bị giảm cân không rõ lý do.

+ Bạn ho sau khi tiếp xúc gần gũi với người bị ho gà.

+ Bạn ho kéo dài hơn 8 tuần.

+ Ho bắt đầu cải thiện và sau đó trở nặng.

+ Nếu phổi bạn có vấn đề như hen hoặc xơ nang, và ho thường xuyên hoặc mạn tính, bạn nên nói chuyện với bác sĩ khi kiểu ho thay đổi.

Khi nào tôi cần đến bác sĩ chuyên khoa?

Bác sĩ chăm sóc ban đầu thường có khả năng trả lời các câu hỏi của bạn về ho. Nếu bác sĩ chăm sóc ban đầu không thể tìm ra nguyên nhân ho của bạn hoặc không thể tìm ra cách làm giảm ho, bạn có thể được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Nếu bác sĩ chuyên khoa hô hấp không thể giải thích hoặc tìm ra nguyên nhân ho của bạn, bạn nên yêu cầu được chuyển đến một bác sĩ chuyên khoa ho. Đôi khi, đánh giá đầy đủ ho của bạn cần đến nhiều hệ cơ quan hơn là chỉ hệ hô hấp. Thí dụ bạn có thể cần thăm khám hệ tiêu hóa. Bạn cũng có thể cần gặp một bác sĩ tai mũi họng.

Câu hỏi thường gặp về ho

Thuốc có thể gây ho không? Có thể, một số loại thuốc có thể khiến bạn ho. Nguyên nhân thường gặp là loại thuốc gọi là thuốc ức chế men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzyme inhibitors – ACE inhibitors). Các thuốc này thường được cho người bệnh tăng huyết áp hoặc suy tim. Nếu bạn bắt đầu ho sau khi bắt đầu sử dụng một thuốc mới, hãy nói với bác sĩ.

Tôi có nên sử dụng các loại thuốc không cần kê toa không? Thuốc ho và cảm cúm không cần kê toa là các thuốc bạn có thể mua không cần toa của bác sĩ. Do đó, bạn nên bàn bạc với bác sĩ trước khi sử dụng. Ở người lớn, nếu bạn sử dụng các thuốc không cần kê toa để trị ho do cảm cúm, một kháng histamine như diphenhydramine, brompheniramine hoặc chlorpheniramine, hoặc thuốc kháng viêm không steroid có thể được sử dụng cho đến khi không còn lý do để sử dụng. Các thuốc này có thể gây tác dụng phụ đối với một số người, như dị ứng, phản ứng chéo, hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Thí dụ, đối với người bị tăng nhãn áp, chlorpheniramine hoặc brompheniramine có thể có vấn đề với tăng nhãn áp hoặc phì đại tuyến tiền liệt. Thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen có thể khiến thận có vấn đề, hoặc kích thích dạ dày, hoặc làm trở nặng các bệnh khác như suy tim. Nếu bạn sử dụng thuốc ho không cần kê toa và ho không cải thiện, hoặc bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu hơn, hãy liên hệ với bác sĩ.

Từ năm 2008, Cơ quan Thực phẩm Dược phẩm Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng thuốc cảm cúm và thuốc ho không được sử dụng ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi do có nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể đe dọa mạng sống. Hội người tiêu dùng sản phẩm y tế Hoa Kỳ (The Consumer Healthcare Products Association – CHPA), đại diện cho hầu hết các nhà sản xuất sản phẩm không kê toa này, tình nguyện sửa nhãn thuốc ho, thuốc cảm không kê toa để khẳng định “không sử dụng” ở trẻ dưới 4 tuổi.

Có vắc xin nào giúp ngăn ngừa ho ở người lớn?

Có, hãy nghĩ đến tiêm ngừa cúm mỗi năm. Người dị ứng với trứng nên nói với bác sĩ trước khi tiêm ngừa cúm. Các vắc xin quan trọng khác dành cho người lớn gồm có tiêm ngừa viêm phổi phế cầu và vắc xin ho gà. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên tiêm các loại vắc xin này không, khi nào tiêm.

Có một điều trị nào làm ngưng ho của tôi không?

Một liệu pháp có thể hữu hiệu, nhưng có thể cần đến một vài loại thuốc. Nếu bạn bị ho mạn tính, bạn có thể cần đến một vài loại thuốc để đối phó với từng nguyên nhân gây ho.

Tôi nên làm gì nếu được khuyên “sống chung” với ho mạn tính?

Bạn nên yêu cầu bác sĩ chuyển đến người chuyên chăm sóc và điều trị ho mạn tính. Với một số bệnh mạn tính, như là giãn phế quản, bệnh phổi mô kẽ, bạn có thể bị ho hàng ngày. Nếu ho thay đổi hoặc trở nặng theo thời gian, hoặc tác động xấu lên chất lượng cuộc sống của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc chuyển đến một trung tâm chuyên về đánh giá và điều trị ho.

Kế hoạch hành động

+ Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn khạc ra máu, mất trí nhớ thoáng qua, khó thở, mất cân không rõ lý do, đau nhói khi ho; nếu ho của bạn không dứt sau khi nhiễm trùng quá 3 tuần, hoặc nếu ho của bạn kéo dài quá 8 tuần, hoặc khiến bạn lo ngại.

+ Che mũi và miệng của bạn lại khi ho hoặc nhảy mũi.

+ Rửa tay cẩn thận một cách đều đặn.

+ Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, khói nặng mùi và ô nhiễm không khí.

Nguồn: American Thoracic Society
http://www.atsjournals.org/doi/pdf/10.1164/rccm.1948P15
Trần Thanh Xuân dịch