Ho là gì?

Ho là một phản xạ tự nhiên bảo vệ phổi của bạn. Ho giúp làm sạch đường thở của bạn khỏi các chất kích thích phổi như khói thuốc lá và chất nhầy, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Ho cũng có thể là một triệu chứng của một tình trạng bệnh.

Ho kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu như đau ngực, mệt, chóng mặt và mất kiểm soát bọng đái. Ho cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, giao tiếp và công việc.

Tổng quát

Ho xảy ra khi các tận cùng thần kinh trong đường thở của bạn bị kích thích. Đường thở là các ống mang không khi vào và ra khỏi phổi của bạn. Các chất nào đó (như là khói thuốc lá và phấn hoa), các tình trạng bệnh và các loại thuốc có thể kích thích các tận cùng thần kinh này.

Ho có thể là cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính tùy thuộc vào việc ho kéo dài bao lâu.

Ho cấp tính kéo dài dưới 3 tuần. Các nguyên nhân thường gặp của ho cấp tính là cảm cúm thông thường hoặc là các nhiễm trùng đường hô hấp trên khác. Các nhiễm trùng đường hô hấp trên gồm có cúm, viêm phổi và ho gà.

Ho bán cấp kéo dài từ 3 đến 8 tuần. Loại ho này vẫn tiếp tục dù cảm cúm hoặc nhiễm trùng khác đã khỏi.

Ho mạn tính kéo dài hơn 8 tuần. Các nguyên nhân thường gặp của ho mạn tính là hội chứng ho đường hô hấp trên (upper airway cough syndrome – UACS); hen suyễn và bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (gastroesophageal reflux disease – GERD).

Hội chứng ho đường hô hấp trên là từ được dùng để mô tả các tình trạng làm viêm đường hô hấp trên và gây ra ho. Ví dụ như các nhiễm trùng xoang và các dị ứng. Các tình trạng này có thể khiến chất nhầy chảy từ mũi xuống họng của bạn, gọi là chảy mũi sau.

Hen suyễn là một bệnh phổi mạn tính gây viêm và làm hẹp các đường thở. Trào ngược dạ dày – thực quản xảy ra khi acid từ dạ dày của bạn trào ngược lên họng của bạn.

Lưu ý

Cách tốt nhất để điều trị ho là điều trị nguyên nhân của nó. Thí dụ, hen suyễn được điều trị với các loại thuốc mở rộng đường thở.

Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc ho nếu nguyên nhân ho của bạn không rõ và ho gây ra nhiều phiền toái. Các thuốc ho có thể làm hại trẻ em. Nếu con bạn ho, hãy nói chuyện với bác sĩ về cách điều trị.

 

Nguồn: National Heart, Lung, and Blood Institute
http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/cough
Trần Thanh Xuân dịch