Một hội viên A.A. nhắc lại rằng thậm chí trong thời điểm tệ hại nhất của quá trình nhậu nhẹt, chị không bao giờ từ bỏ tin tưởng của mình. “Tôi có một tin tưởng vững chắc, không lay chuyển được – vào tai họa,” chị giải thích. “Mỗi buổi sáng, hầu hết ý nghĩ đầu tiên của tôi là ‘Trời ơi! Không biết hôm nay rắc rối mới nào lại đến với ta đây!’ ”
Khi có ai đó gõ cửa, chị chắc chắn rằng đó là vì một lý do không dễ chịu. Chị chờ đợi một cách chắn chắn rằng chỉ có hóa đơn thu tiền và các tin dữ khác trong thư từ. Nếu có chuông điện thoại, chị thở dài khi hình dung đến những cuộn sóng ảm đạm.
Hao tổn năng lực khổng lồ như vậy vào những suy nghĩ bi quan rất quen thuộc với nhiều người trong chúng tôi; chúng tôi nhớ lại cái khuôn đầu óc tối tăm đó trong giai đoạn hoành hành của bệnh nghiện rượu. Chắc chắn một số cảm giác đó có lẽ chỉ là tác dụng dược lý của rượu, một loại thuốc ức chế thần kinh. Khi ta loại bỏ những phân tử rượu cuối cùng ra khỏi cơ thể, phần nhiều ủ rủ cũng biến mất theo.
Chúng tôi thấy những thói quen suy nghĩ theo cách ức chế thần kinh như vậy có thể ở lại với một số chúng tôi, đến khi biết cách xác định nó và cẩn thận nhổ gốc rể nó đi.
Đó không phải là toa thuốc cho người vô tư theo chủ nghĩa lạc quan. Chúng tôi không giả định rằng tình trạng khó khăn là vô nghĩa, cũng như không phủ định chuyện ai cũng có những dốc đèo phải vượt qua từng lúc từng lúc. Đau khổ thật sự gây tổn thương, cũng như các loại đau đớn khác.
Tuy nhiên, bây giờ khi thoát khỏi rượu, chúng tôi kiểm soát suy nghĩ của mình tốt hơn nhiều. Chúng tôi có nhiều loại suy nghĩ hơn trong đầu, nay không còn bị che mờ nữa. Những suy nghĩ được chọn trong bất cứ 24 giờ nào có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng chúng tôi trong ngày ấy – sáng sủa, lành mạnh hoặc là tăm tối, đau lòng.
Bởi vì rất nhiều suy nghĩ của chúng tôi đã quen gắn bó tinh vi đến kiểu sống nhậu nhẹt, chúng tôi thấy đáng để xem xét kỹ lưỡng thói quen suy nghĩ mình và tìm ra những cách khác tốt hơn để sử dụng đầu óc của mình.
Những minh họa sau đây có lẽ không hoàn toàn phù hợp với bạn, nhưng dù những lời này mới mẽ, cảm xúc của bạn có lẽ sẽ bị rung động để nhận ra những dòng cảm xúc quen thuộc đi cùng với chúng. Một số được cố tình phóng đại, để làm cho rõ ràng không thể lẫn lộn. Số khác có lẽ khi thoạt nhìn có vẻ nhỏ mọn. Dù vậy hàng chục người trong chúng tôi thấy rằng những thay đổi nhỏ bé, dễ dàng là một khởi đầu tốt đẹp cho sự hồi phục mạnh mẽ, to lớn.
Khi cháu bé chập chững thương yêu của chúng ta té, dập đầu, và khóc thét, thật hợp lý, đơn giản là xem cháu có bị thương nặng không hay chỉ là hoảng sợ. Rồi chúng ta chọn: hoặc là chúng ta thét lên cuồng loạn vì cháu đã bị thương hay hoảng sợ và xử lý việc gì đã xảy ra; hoặc là chúng ta giữ bình tĩnh và dễ chịu, cám ơn là không tai hại gì nghiêm trọng đã xảy ra.
Khi người ông của chúng ta, 90 tuổi, bệnh đã lâu, đau khổ, cuối cùng mất đi; chúng ta một lần nữa có sự chọn lựa. Chúng ta có thể khăng khăng rằng việc duy nhất phải làm là tột cùng đau thương và phẩn nộ vì sự đột ngột của cái chết hoặc là đắm mình trong tội lỗi – và có lẽ sẽ uống rượu trong cả hai trường hợp. Hoặc là chúng ta có thể ngoài chuyện buồn, nhớ rằng ông cụ đã sống thọ, thường khi là tốt đẹp, hạnh phúc; rằng chúng ta đã cố gắng lo cho ông, đoan chắc với ông rằng chúng ta tiếp tục yêu thương ông; nay đau đớn và buồn rầu của ông đã qua đi. Có lẽ ông sẽ không muốn chúng ta coi việc qua đời của ông như là một cái cớ để say sưa và làm tổn hại sức khỏe của chúng ta.
Khi cuối cùng chúng ta được thăm viếng nơi mình mong ước đã lâu, chúng ta có thể chú ý những bất tiện của chỗ ở, vào thời tiết, vào sự qua đi của những ngày cũ tốt đẹp, vào chuyện chúng ta chỉ có được vài ngày hoặc vài tuần rỗi rảnh. Hoặc chúng ta có thể cám ơn vì cuối cùng đã đến được nơi ấy và tiếp tục thêm vào danh sách trong đầu những vui thú có thể gặp khi chúng ta tìm kiếm chúng.
Chúng ta có thể cảnh giác về một khuynh hướng nói “Phải, nhưng… -” khi phản ứng với bất kỳ một câu nói lạc quan, khen ngợi, tích cực nào. Vận may của một người bạn, bề ngoài trẻ trung của người ấy hay một thông báo lễ hội từ thiện có thể khiến chúng ta thốt lời chua chát, “Phải, nhưng… -” Nhưng… những thói quen suy nghĩ này có giúp ích được ai không – kể cả chính chúng ta? Chúng ta không thể để việc tốt được tốt sao? Ta không thể cứ vui vì nó thay vì cố gắng dè bỉu nó sao?
Ai từng cố gắng bỏ thuốc lá nhận biết hai khả năng bỏ ngỏ: (1) liên tục than thở nó khó làm sao, “Lần này lại không được nữa rồi,” và “Thấy đó, tôi lại đốt một điếu nữa”, hoặc là (2) thưởng thức một hơi thở sâu không khói thuốc khi chúng ta nghĩ đến việc hút thuốc, vui vẻ rằng đã qua một giờ không hút và ngay cả khi đã vô ý đốt thuốc, chúc mừng chính chúng ta đã dụi nó, không hút nó đến hết.
Nếu một trong chúng ta trúng thưởng 500 đô trong cuộc cá ngựa có giải cao nhất 50.000 đô, thái độ hợp lý là vui vẻ nhận lấy. Đừng chua chát vì đã mất giải cao nhất.
Chúng tôi liên tục tìm cơ hội để chọn lựa một cách tương tự và kinh nghiệm cho thấy rằng cảm giác biết ơn sẽ lành mạnh hơn nhiều, khiến chúng tôi giữ được tỉnh rượu dễ dàng hơn nhiều. Sẽ ngạc nhiên thú vị khi khám phá ra rằng không khó gì để phát triển thói quen biết ơn này nếu chúng tôi chỉ cần cố gắng chút ít.
Nhiều người trong chúng tôi không muốn thử. Nhưng kết quả đã tự nó chứng minh, chúng tôi phải công nhận. Thoạt tiên có lẽ vẫn còn vương vấn những lời mỉa mai trên đầu lưỡi. Chúng tôi có lẽ phải nuốt đến hai lần mới nói được lời khen ngợi nhẹ nhàng theo kiểu chúng tôi gọi là nêm đường trong những ngày còn nhậu nhẹt. Nhưng không lâu sau nó sẽ dễ dàng hơn và có thể trở thành một động lực mạnh mẽ và dễ chịu khi chúng ta hồi phục. Đời vốn để được thưởng thức và chúng ta vốn để thưởng thức nó.
Khi lướt qua ký ức của quá khứ nhậu nhẹt, một số chúng tôi điểm ra một loại biểu hiện bi quan khác. Nhưng nó cũng là một loại hành vi mà nhiều người đã biết cách thay đổi và sự thay đổi hành động này của chúng tôi cũng mang lại thái độ tốt đẹp hơn và cải thiện cảm xúc của chúng tôi.
Vì lý do nào đó, chúng tôi mất nhiều thời gian ghi nhận hoặc chuyện trò về sai sót, lỗi lầm mà rất nhiều người khác đã dây dưa mắc phải. (Dù nó có thật sự liên quan hay không đến sự thay đổi cảm xúc được chờ mong của chúng tôi bây giờ.) Đối với một số chúng tôi, sự thay đổi này bắt đầu bằng một tự nguyện không chắc chắn để chờ đợi, để chấp nhận tạm thời giả thuyết rằng người khác có lẽ cũng đúng. Trước khi vội vàng đánh giá, chúng tôi hoãn cuộc bàn cải của chính mình, lắng nghe cẩn thận và trông chờ kết quả.
Có thể hoặc không thể chứng minh rằng chúng tôi sai. Vấn đề đó không quan trọng ở đây. Dù gì đi nữa, chúng tôi ít nhất đã tạm thời giải thoát mình ra khỏi cái nhu cầu thôi thúc là mình phải luôn luôn đúng hoặc thắng cuộc. Chúng tôi đã thấy câu “Tôi không biết” chân thành có thể làm trẻ người lại. Nói rằng “Tôi sai, bạn đúng” thật khích lệ khi chúng tôi đủ dễ chịu với chính mình để không màng đến việc mình thật sự sai. Chúng tôi sau đó cảm thấy thư giãn và biết ơn rằng mình đã cởi mở với những ý tưởng mới. Những nhà khoa học tài giỏi nhất bao giờ cũng nhạy bén với những bằng chứng mới chứng minh lý thuyết của chính họ sai, để họ loại bỏ bất kỳ điểm sai nào và tiến gần hơn đến chân lý cuối cùng mà họ đang tìm kiếm.
Khi đạt tới sự cởi mở tương tự, chúng tôi thấy rằng khuynh hướng bi quan hiện thời đã bắt đầu tan biến. Có lẽ một minh họa có thể làm rõ sự liên hệ giữa mong muốn bao giờ cũng đúng (khuynh hướng bi quan thấy gần như mọi người khác đều sai) và sự thoải mái thấy mình sai – nhằm nắm vững và sử dụng những ý tưởng mới và các hỗ trợ khác để cai rượu.
Nhiều người trong chúng tôi khi còn nhậu nhẹt đã chắc chắn trong thâm tâm qua nhiều năm rằng việc nhậu nhẹt của chính mình là vô hại. Chúng tôi không nhất thiết phải vênh mặt vì chuyện ấy, nhưng khi chúng tôi nghe một giáo sĩ, một bác sĩ tâm lý hay một hội viên A.A. nói về bệnh nghiện rượu, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng chuyện nhậu của chúng tôi khác, rằng chúng tôi không cần thực hiện bất cứ những gì người này đề nghị. Hoặc ngay như nếu chúng tôi công nhận mình gặp một số ít rắc rối trong chuyện nhậu nhẹt, chúng tôi chắc chắn rằng mình có thể vượt qua bằng sức chính mình. Do đó chúng tôi đóng cửa, từ chối thông tin và sự giúp đỡ mới. Và phía sau cánh cửa đó, dĩ nhiên chuyện nhậu nhẹt của chúng tôi tiếp tục.
Rắc rối của chúng tôi phải khá là tệ hại và chúng tôi phải bắt đầu cảm thấy khá là hết hy vọng rồi chúng tôi mới mở cửa một ít và để lọt vào một ít ánh sáng và sự giúp đỡ mới.
Đối với hàng ngàn người trong chúng tôi, một trong những ký ức rõ ràng nhất phù hợp với sự khôn ngoan “hãy biết ơn” là về những gì chính mình nghĩ và nói về Alcoholics Anonymous khi lần đầu tiên quan tâm đến nó:
“Nó tốt cho họ nhưng tôi không tệ đến như vậy, do đó nó không dành cho tôi.”
“Tôi đã gặp hai người trước đây là hội viên A.A. say xỉn trong quầy rượu. Từ những gì họ nói, tôi có thể nói nó cũng không hiệu quả với tôi.”
“Tôi biết một người gia nhập A.A. Anh ấy đã trở nên một người cai rượu cứng nhắc, nhàm chán, không chịu nổi.”
“Tất cả mớ vô bổ trời ơi ấy và đi hội họp khiến tôi chán nãn. Dù thế nào, tôi không bao giờ gia nhập.”
Bây giờ, sự chân thành khiến chúng tôi nhận ra rằng mình đã tiêu mất nhiều thời gian tập trung vào những ý kiến tiêu cực này và củng cố những lý do của chính mình để nhậu hơn là thật sự tìm kiếm trong A.A. với một đầu óc cởi mở. Tìm hiểu của chúng tôi về nó khó mà có tính khoa học. Hơn nữa, nó hời hợt và bi quan – một tìm kiếm những gì mình không thích.
Chúng tôi cũng không nói chuyện với nhiều hội viên đã cai rượu, cũng không đọc kỹ những sách báo do A.A. viết và viết về A.A. Nếu chúng tôi không thích vài chuyện, vài người mới gặp trong A.A., chúng tôi từ bỏ nó. Không phải chúng tôi đã từng thử sao? (Có nhớ người nói rằng anh ta không thích đọc? Anh ấy đã đọc một quyển và không thích nó!)
Bây giờ rõ ràng là chúng tôi có thể hành động theo cách khác. Chúng tôi có thể dành một số thời gian tìm kiếm những gì mình thích trong A.A., phương pháp mình có thể áp dụng được, những câu và những ý tưởng mình tán thành. Chúng tôi có thể cảm ơn rằng A.A. chào mừng những khách tình cờ đến và rằng chúng tôi không bị đòi hỏi phải vội vàng đưa đầu vào. Chúng tôi đã biết ơn rằng A.A. không có nghĩa vụ, không có hội phí và không dính với bất cứ trường phái, luật lệ hay nghi lễ nào. Nếu một số hội viên A.A. lắm lời không hợp với chúng tôi, chúng tôi có thể đã hài lòng với nhiều người khác giữ im lặng hoặc nói nhiều về những gì chúng tôi thích. Chúng tôi có thể tiếp tục cố gắng tìm ra tại sao nhiều chuyên gia nổi tiếng đã ca ngợi A.A. lần này qua lần khác trong nhiều năm. Nó phải đang thực hiện một số việc đúng nào đó!
Chúng tôi thấy rằng giữ được tỉnh rượu có thể chỉ là một sự lựa chọn. Chúng tôi có thể suy nghĩ hàng giờ về lý do chúng tôi muốn hay định uống rượu. Hoặc chúng tôi có thể kể ra trong cũng thời gian này những lý do nhậu nhẹt không tốt cho chúng tôi và nhịn rượu lành mạnh hơn, và kể ra những việc chúng tôi có thể làm thay vì nhậu.
Mỗi người chúng tôi tiến hành chọn lựa này theo cách của chính mình. Chúng tôi vui lòng khi bất cứ người nào khác quyết định giống như chúng tôi. Nhưng dù bạn có thích A.A. hay không, chúng tôi cầu chúc cho bất cứ ai bắt đầu giữ được tỉnh rượu theo bất cứ phương pháp nào. Chúng tôi giữ lòng biết ơn rằng chúng tôi được tự do cai rượu theo những phương pháp mô tả ở đây.
Nguồn: Alcoholics Anonymous
Trần Thanh Xuân dịch