ĐỘT QUỴ
Giới thiệu
Đột quỵ hay là “nhồi máu não” là một tình trạng rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong và thương tật nặng. Bệnh này được xếp hạng gây tử vong hàng thứ ba ở Mỹ và là nguyên nhân gây ra thương tật ở người trưởng thành thường gặp nhất.
Đột quỵ là gì?
Não kiểm soát hầu hết các chức năng của cơ thể. Nó cho phép chúng ta suy nghĩ, hiểu, nói chuyện, di chuyển và cảm nhận. Để hoạt động đúng, não liên tục cần đến oxy và glucose. Oxy và glucose được máu mang đến não.
Đột quỵ xảy ra khi máu không thể đi đến não. Khi não không nhận được nguồn cung cấp máu cần thiết, tế bào não bắt đầu chết đi và não không thể hoạt động đúng được.
Vì não kiểm soát hầu hết các chức năng của cơ thể, đột quỵ có thể tác động đến toàn bộ cơ thể. Các tác động của một đột quỵ có thể từ nhẹ đến nặng. Đột quỵ có thể gây ra liệt, rối loạn cảm xúc và các rối loạn về suy nghĩ, nói năng.
Có 3 loại đột quỵ chính:
1. Loại đột quỵ thứ nhất gọi là thiếu máu não thoáng qua (Transient Ischemic Attack – TIA). Thiếu máu não thoáng qua là một “đột quỵ nhẹ”. Nó xảy ra khi một động mạch đến não bị tắc nghẽn tạm thời, gây ra các triệu chứng giống như đột quỵ trong vài giây đến vài giờ.
2. Loại đột quỵ thứ hai gọi là đột quỵ thiếu máu. Đột quỵ thiếu máu xảy ra khi một mạch máu bị tắc nghẽn hoặc bị hẹp bởi những vết đọng mỡ gọi là mảng mỡ (plaque). Các tế bào máu có thể tụ tập quanh mảng này và tạo thành một cục máu đông, ngăn dòng chảy của máu đến mô.
3. Loại đột quỵ thứ ba gọi là đột quỵ xuất huyết. Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một mạch máu đến não vỡ ra, khiến máu chảy vào não, giết chết các tế bào và ngăn cản các tế bào khác nhận được máu chúng cần để sống.
Nguyên nhân
Đột quỵ có thể gây ra bởi các bệnh tim, tăng cholesterol hoặc bởi sự tạo thành mảng trong các động mạch. Chúng cũng có thể do tăng huyết áp và do các bệnh làm máu dễ đông cục hơn bình thường.
Cholesterol có thể hình thành và bít dần động mạch cảnh và các động mạch não bằng mảng mỡ, khiến lưu lượng máu đến não giảm và gây ra đột quỵ. Các phần nhỏ của mảng mở này cũng có thể bị tách rời ra và di chuyển trong các động mạch tới não, bít các mạch máu nhỏ, gây ra đột quỵ. Hiện tượng này gọi là thuyên tắc (embolus).
Khi một cục máu đông làm tắc các mạch máu trong não hoặc ở cổ, nó được gọi là ngạnh tắc (thrombosis).
Các bệnh tim có thể khiến các cục máu đông hình thành bên trong tim. Một số các cục máu đông này có thể bị tách ra và di chuyển đến não, làm tắc các mạch máu trong não và gây ra đột quỵ, gọi là thuyên tắc (embolism).
Khi một người bị tăng huyết áp, về lâu dài các mạch máu trong não bị tổn thương. Tăng huyết áp có thể khiến các mạch máu bị hẹp, có thể dẫn đến đột quỵ. Khi mạch máu hẹp lại, được gọi là hẹp mạch (stenosis).
Tăng huyết áp cũng có thể khiến mạch máu trở nên dễ vỡ, gây ra chảy máu vào bên trong não. Hút thuốc và nghiện ma túy làm tăng cơ hội phát sinh bệnh mạch máu và đột quỵ.
Dị dạng trong các mạch máu não cũng có thể dẫn đến xuất huyết. Những dị dạng này gồm có túi phình mạch máu và biến dạng động – tĩnh mạch (arteriovenous malformations – AVM).
Túi phình là các dị dạng hình quả banh nhỏ của các động mạch não. Biến dạng động – tĩnh mạch là những chỗ nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch trong não. Thành của cả túi phình và biến dạng động – tĩnh mạch đều yếu hơn bình thường và có thể xuất huyết dễ dàng, dẫn đến đột quỵ.
Để làm giảm nguy cơ tử vong hoặc thương tật do đột quỵ, bạn nên:
1. Có khả năng nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ để điều trị ngay lập tức.
2. Thay đổi một số thói quen sống vốn làm tổn thương các mạch máu của cơ thể.
Dấu hiệu
Để làm giảm nguy cơ tử vong hoặc thương tật do đột quỵ, hãy học cách nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ để điều trị ngay.
Triệu chứng đột quỵ rất dễ nhận biết bởi chúng xảy ra nhanh. Dấu hiệu đột quỵ gồm 5 thành phần.
1. Tê hoặc yếu đột ngột mặt, tay hoặc chân, nhất là ở một bên cơ thể
2. Đột ngột lú lẫn, khó nói hoặc khó hiểu
3. Đột ngột rối loạn thị lực một hoặc cả hai mắt
4. Đột ngột đi đứng khó khăn, chóng mặt hoặc mất thăng bằng hoặc mất phối hợp vận động
5. Đột ngột nhức đầu dữ dội không có nguyên nhân rõ ràng
Đôi khi những dấu hiệu báo động này chỉ tồn tại một lúc rồi biến mất. Những đột quỵ ngắn này được gọi là “đột quỵ nhẹ”, “thiếu máu não thoáng qua”, “TIA”. Dù chúng chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi, bạn không nên bỏ qua chúng. Bạn nên nhờ bác sĩ kiểm tra.
Nếu không được điều trị, “đột quỵ nhẹ” có thể theo sau bởi những đột quỵ nặng nề hơn nhiều, có thể gây thương tật vĩnh viễn. Đột quỵ nặng cũng có thể dẫn đến tử vong hoặc hôn mê.
Cấp cứu
Đột quỵ là một cấp cứu, do đó hãy học cách nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ! Không được bỏ qua các dấu hiệu của đột quỵ dù chúng đã qua đi.
Kiểm tra thời điểm. Triệu chứng đầu tiên bắt đầu lúc nào?
Nếu bạn hoặc ai đó quanh bạn có một hay nhiều dấu hiệu hoặc triệu chứng đột quỵ, hãy hành động ngay! Gọi ngay cấp cứu. Điều trị nhanh chóng sẽ hiệu quả hơn. Quí giá từng phút một.
Nếu bạn không nhờ được cấp cứu, hãy nhờ ai đó đưa bạn đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Điều trị
Đột quỵ thiếu máu là loại đột quỵ thường gặp nhất và có thể được điều trị bằng một thuốc gọi là t-PA, làm tan cục máu đông gây tắc dòng máu đến não.
Để được đánh giá và điều trị, rất quan trọng là đến bệnh viện ngay.
Nếu một đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua xảy ra, những chuyện quan trọng nhất cần phải nhớ là:
+ Không được bỏ qua các triệu chứng đột quỵ, dù chúng đã qua đi!
+ Kiểm tra thời điểm. Triệu chứng đầu tiên bắt đầu lúc nào?
+ Nếu có một hoặc nhiều triệu chứng đột quỵ kéo dài hơn vài phút, không được chần chờ! Gọi cấp cứu ngay lập tức!
Trong phòng cấp cứu bệnh viện, các thử nghiệm sẽ xác định một thiếu máu não thoáng qua, một đột quỵ hoặc một bệnh nào khác gây ra các triệu chứng này. Điều trị đột quỵ sẽ khác nhau đối với một động mạch bị tắc nghẽn hoặc đối với một mạch máu bị vỡ.
Tại bệnh viện, bạn có thể được kê thuốc aspirin hoặc các thuốc làm loãng máu để ngăn chận cục máu đông hình thành. Một số thuốc làm loãng máu cũng được gọi là thuốc chống tiểu cầu. Khi bạn dùng các thuốc làm loãng máu, bạn cần phải xét nghiệm máu đều đặn.
Bạn cũng có thể được kê các thuốc khác tại bệnh viện, như thuốc chữa tăng huyết áp, tăng cholesterol, bệnh tim và tiểu đường.
Tại bệnh viện, tổ chăm sóc y tế sẽ thảo luận với bạn:
+ Nếu bạn hút thuốc, tại sao bạn nên bỏ thuốc lá
+ Bạn nên ăn hoặc uống những gì lành mạnh hơn sau khi xuất viện
+ Bất kỳ thiết bị nào bạn có thể cần để giúp bạn di chuyển chung quanh
+ Các nhóm bạn hỗ trợ đột quỵ trong cộng đồng của bạn
+ Các buổi hẹn khám bệnh bạn có thể cần đến với nhân viên tập vật lý trị liệu, nhân viên tư vấn nghề nghiệp hoặc nhân viên tập nói.
+ Tầm quan trọng của việc bác sĩ khám theo dõi
Trước khi xuất viện, hãy chắc chắn rằng đã hỏi đầy đủ bất cứ câu hỏi nào về các cách chẩn đoán và điều trị bạn.
Phòng ngừa
Phòng ngừa đột quỵ dễ hơn nhiều so với điều trị chúng sau khi chúng đã xảy ra. Bạn cũng có thể phòng ngừa đột quỵ xảy ra lần nữa nếu bạn đã từng bị đột quỵ.
Có một số yếu tố làm tăng khả năng đột quỵ của bạn. Chúng được gọi là yếu tố nguy cơ đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ khác nhau đối với từng người.
Một số yếu tố đột quỵ là những chuyện bạn không thể thay đổi, như là tuổi tác, giới tính và sắc tộc. Thí dụ người lớn tuổi hơn thường có nhiều nguy cơ đột quỵ hơn một người trẻ tuổi.
Các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác bạn CÓ THỂ thay đổi được. Bạn có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách kiểm soát:
+ Tăng huyết áp
+ Tăng cholesterol
+ Thói quen hút thuốc và uống rượu
+ Cân nặng và mức độ vận động
Quan trọng là phải làm việc gần gủi với nhân viên y tế để kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được. Thay đổi lối sống lành mạnh hơn có thể giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Kiểm soát tăng huyết áp
Huyết áp cao được gọi là tăng huyết áp. Đó là yếu tố quan trọng nhất gây ra đột quỵ. Tốt nhất là cố gắng giữ huyết áp của bạn dưới 120/80 mmHg.
Ở người tăng huyết áp, lòng động mạch hẹp hơn bình thường, tăng cơ hội đột quỵ.
Đây là một số cách bạn có thể kiểm soát huyết áp của mình:
+ Duy trì cân nặng phù hợp và tránh béo phì.
+ Tránh các thuốc làm tăng huyết áp. Các thuốc như vậy có thể tìm thấy trong các thảo dược hoặc các thuốc chống dị ứng và chống cảm cúm không cần toa bác sĩ.
+ Giảm muối.
+ Ăn các loại trái cây và rau.
+ Thể thao thường xuyên dưới sự theo dõi của bác sĩ.
+ Sử dụng bất cứ thuốc huyết áp nào do bác sĩ kê toa.
+ Kiểm soát huyết áp cũng giúp bạn tránh bệnh tim và suy thận.
Kiểm soát cholesterol
Cholesterol là một chất béo trong cơ thể. Khi cơ thể có nhiều cholesterol hơn mức cần thiết, cholesterol dư sẽ tích tụ trong thành các mạch máu và làm chúng tắc nghẽn. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.
Xơ vữa động mạch gây bệnh tim. Bệnh tim là nguyên nhân tử vong số một ở Mỹ. Bệnh động mạch vành gây ra nhiều biến chứng. Bằng cách kiểm soát cholesterol, bạn cải thiện tình trạng các mạch máu ở tim và não.
Khi các mạch máu ở tim bạn lành mạnh, ít có khả năng xảy ra đột quỵ vì thuyên tắc. Tốt nhất là giữ cholesterol toàn phần của bạn dưới 200 mg/dL và mức cholesterol xấu (low density lipoprotein – LDL) dưới mức 100 mg/dL.
Bạn có thể làm giảm cholesterol huyết bằng cách
+ Ăn ít lòng đỏ trứng
+ Thể thao và giảm cân nặng, nếu bạn quá cân
+ Ăn nhiều thịt trắng hơn là thịt đỏ
Nếu mức cholesterol của bạn vẫn cao dù đã thử các cách này, bác sĩ có thể kê cho bạn các thuốc làm giảm cholesterol.
Các thuốc làm loãng máu có thể được kê cho các bệnh nhân có bệnh tim. Phẫu thuật để mở các động mạch cổ có thể cần đến để ngừa đột quỵ. Phẫu thuật này được gọi là khai thông động mạch cảnh.
Ngưng hút thuốc lá
Hút thuốc lá liên quan với việc tích tụ chất mỡ trong động mạch cảnh. Tắc động mạch này là một trong những nguyên nhân chính của đột quỵ.
Các nhà khoa học tin rằng hút thuốc lá làm tổn thương màng lót trong của các động mạch, khiến mỡ dễ dàng tích tụ và làm nghẽn động mạch này.
Nicotine trong thuốc lá và các chế phẩm thuốc lá khác làm tăng huyết áp.
Khói thuốc lá làm máu đặc hơn và dễ đông hơn.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, rối loạn nhịp tim hoặc rối loạn đông máu, xử trí những tình trạng này giúp bạn giảm được nguy cơ đột quỵ. Hãy gặp bác sĩ và tuân theo lời khuyên của họ về cách xử trí những tình trạng này.
Kết luận
Đột quỵ thường gặp và có thể gây ra thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Các tiến bộ y học mới đây đã giúp cải thiện khả năng sống còn và chất lượng cuộc sống của các nạn nhân đột quỵ.
Đột quỵ là một cấp cứu. Nếu bạn có các dấu hiệu đột quỵ, phải hành động ngay! Quí giá từng phút một khi có người đang bị đột quỵ.
Dòng máu đến não bị cắt đứt càng lâu, tổn thương càng nặng. Điều trị ngay lập tức có thể cứu được mạng sống và tăng khả năng hồi phục thành công.