TS-BS Lê Tự Phương Thảo – Trưởng Khoa Nội thần kinh – Huyết học BV Nhân dân Gia Định, TP HCM – cho biết “Trong vòng 7 ngày trước khi tai biến xảy ra, những dấu hiệu báo trước này có thể đến nhiều lần”.
TS-BS Lê Tự Phương Thảo cho biết: “Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do các dấu hiệu này đến và biến mất trong thời gian ngắn nên chúng thường bị người bệnh bỏ qua và không nghĩ đó là sự báo hiệu của tai biến” – BS Thảo phân tích. Hiện tai biến không còn là bệnh của người già, mà nó còn xảy đến cho những bệnh nhân trẻ tuổi.
Có hai dạng tai biến: Do xuất huyết não và do nhồi máu não. Tai biến do xuất huyết não cần được đưa đến BV lập tức, còn tai biến do nhồi máu thì có “thời gian vàng” là 4-5 giờ.
“Tuy nhiên, không có nghĩa là đợi gần hết thời gian 4-5 giờ mới đưa bệnh nhân nhập viện. Việc cấp cứu phải càng sớm càng tốt vì tế bào não sẽ bị mất đi từng phút và càng được cứu sớm thì tổn thương não sẽ ít nặng nề hơn” – bà Thảo khuyến cáo.
Những biểu hiện sớm của tai biến bao gồm:
– Bệnh nhân có thể gặp các cơn thiếu máu não thoáng qua làm choáng váng.
– Có người gặp cơn nói ngọng thoáng qua.
– Người thì đang nói bỗng dưng ngưng bặt trong khoảng 5-7 phút.
– Cũng có trường hợp bỗng dưng bị mù thoáng qua 3-4 giây rồi nhìn rõ lại như cũ…
BS Thảo cho biết có một nhóm đối tượng rất cần lưu ý nữa là người cao huyết áp nhưng không tuân thủ điều trị căn bệnh này. Họ có thể gặp tai biến do xuất huyết não bất kỳ lúc nào và rất khó cứu chữa.
Các BS chuyên khoa lưu ý trước cơn tai biến, người bệnh thường gặp phải cơn đánh trống ngực, hồi hộp do hiện tượng rung nhĩ. Ngoài ra, cơn tai biến còn có các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng khác như bỗng dưng yếu liệt chi, ngọng nghịu, méo mặt…
Tại Mỹ, người dân được hướng dẫn quy tắc FAST: F là face – mặt, tức triệu chứng méo mặt; A – arm – tay, tức yếu liệt chi; S – speak – nói, tức bỗng dưng nói ngọng, không nói được nữa; T – telephone – điện thoại, nghĩa là khi có các triệu chứng trên thì nên lập tức gọi cấp cứu.
Theo Người lao động