Cây hẹ còn có tên khác là cửu thái. Hẹ là loại rau gia vị được dùng nhiều trong các món ăn. Ngoài ra, người ta còn dùng hẹ để chữa nhiều bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây.
Theo Đông y, hẹ vị cay, tính ôn; vào can, vị, thận. Có tác dụng ôn trung hành khí, kiện vị, tán ứ giải độc, bổ thận tráng dương. Dùng cho các trường hợp đau tức vùng ngực, nấc cụt, nôn thổ huyết, niệu huyết, trĩ xuất huyết, bệnh tiểu đường, dị ứng nổi ban, liệt dương di tinh. Theo kinh nghiệm dân gian, lá và thân hẹ chữa ho trẻ em, hen suyễn, giun kim, lỵ amíp, tiêu hóa kém. Hằng ngày có thể dùng 30 – 100g dưới dạng vắt ép lấy nước, xào nấu.
Chữa ho trẻ em: lá hẹ 15g, hoa đu đủ đực 15g, hạt chanh 20 hạt. Dùng tươi, giã nát, thêm 10 – 20ml nước và 1 thìa canh mật ong; hấp chín, ép lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày. Dùng 3 – 4 ngày.
Hen suyễn nguy cấp: lá hẹ 50g, sắc với 200ml nước còn 50ml. Uống trong ngày.
Chữa giun kim, ra mồ hôi trộm ở trẻ em: lá hẹ 30g, ép lấy nước, thêm 10 – 20ml vào bã lá và ép gạn; hợp 2 nước ép, thêm mật ong đủ ngọt để uống. Có thể làm rau ăn trong ngày.
Tôm xào hẹ, gừng tươi.
|
Nước ép hẹ gừng tươi sữa bò: nước ép hẹ 60g, sữa bò 200ml, nước ép gừng tươi 10 – 20ml. Trộn đều, hâm nóng cho uống. Dùng cho bệnh nhân nôn do trào ngược thực quản.
Nước sắc hẹ cam thảo: hẹ tươi 30g, cam thảo 15g. Hẹ rửa sạch để ráo, cắt đoạn; cam thảo thái lát mỏng. Hãm nước cho uống. Dùng cho bệnh nhân nổi ban, mề đay.
Bún (mỳ) xào hẹ: bún (mỳ) 150 – 200g, hẹ tươi 60 -100g, có thể thêm thịt nạc hoặc tôm nõn 50g, gừng tươi. Xào với dầu thực vật, ăn nóng. Dùng cho các trường hợp ho suyễn lâu có tính chất dị ứng.
Canh hẹ: rau hẹ 200 – 300g. Luộc hay nấu canh với ít muối. Ngày 1 lần; ăn liên tục 3 – 5 tháng. Trị tiêu khát.
Cháo hẹ: hẹ tươi 60g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo gạo, khi cháo được cho hẹ vào, thêm muối vừa ăn. Dùng cho bệnh nhân đau bụng tiêu chảy, liệt dương di tinh.
Rau hẹ, hồ đào xào dầu vừng: rau hẹ 240g, hồ đào nhân 60g. Xào với dầu vừng, ngày ăn 1 lần, dùng trong 1 tháng. Dùng cho bệnh nhân đau lưng liệt dương.