Buerger còn gọi là bệnh viêm thuyên tắc mạch máu, là bệnh ở động mạch, tĩnh mạch tay hoặc chân. Đặc điểm của bệnh là sự phối hợp của phản ứng viêm và cục máu đông trong lòng mạch máu khiến lưu lượng máu bị suy giảm dẫn đến tổn thương và hủy hoại mô, cuối cùng là nhiễm khuẩn và hoại tử. Khởi phát bệnh ở bàn tay và bàn chân sau đó lan rộng đến những phần khác của chi. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở nam từ 20 – 40 tuổi, trong khi số lượng nữ mắc bệnh cũng ngày càng tăng. Bỏ hút thuốc lá thuốc lào là con đường duy nhất để ngăn chặn bệnh Buerger. Trái lại những người không bỏ được thuốc lá, thì việc phải cắt một phần hoặc toàn bộ chi là không thể tránh khỏi ở giai đoạn cuối của bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh tổn thương và các đầu ngón tay hoại tử trong bệnh Buerger.
|
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Bệnh Buerger là hậu quả của viêm các động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Tổ hợp tế bào viêm và huyết khối hình thành ở mạch máu là vật chặn dòng chảy của máu đến và máu đi ở chân tay bệnh nhân. Khi giảm lượng máu dẫn đến các mô ở tay chân không nhận đủ ôxy và các chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động. Từ đây bệnh Buerger bắt đầu xuất hiện với các triệu chứng: đau và yếu các ngón tay, ngón chân rồi sau đó lan rộng đến các phần khác của tay và chân. Các nhà nghiên cứu cho rằng thuốc lá kích thích yếu tố miễn dịch tế bào làm viêm và gây tổn thương thành mạch.
Ở những người nghiện thuốc lá nặng rất dễ mắc bệnh. Tuy hiện nay vẫn chưa rõ thuốc lá tác động như thế nào để gây bệnh, nhưng hầu như tất cả bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Buerger đều có hút nhiều thuốc lá, đặc biệt là nghiện nặng loại thuốc lá thô tự trồng và tự chế biến (thuốc lào).
Ở người hút thuốc lá nhiều, lâu năm, khi phát bệnh sẽ có các triệu chứng của bệnh Buerger như sau: đau, yếu cẳng chân và bàn chân, hoặc cẳng tay và bàn tay; sưng bàn tay, bàn chân; đi khập khiễng gián cách; ngón tay và ngón chân tím tái khi bị lạnh giống như hiện tượng Raynaud; xuất hiện các vết loét ở ngón tay và ngón chân…
Nếu một người nghiện thuốc mà cảm thấy có các biểu hiện gợi ý ban đầu như: tê tay, tê chân, yếu tay chân, tay chân lạnh hơn bình thường, đi khập khiễng gián cách… hãy nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Xét nghiệm máu có thể tìm thấy một số chất kháng thể để giúp loại trừ những bệnh lý khác gây triệu chứng tương tự như bệnh xơ cứng bì, lupus, các rối loạn đông máu, đái tháo đường… Cách tìm dấu hiệu Allen: bệnh nhân nắm chặt bàn tay, bác sĩ dùng bàn tay mình bóp chặt cổ tay người bệnh chừng 5 – 10 giây, sau đó bệnh nhân mở lòng bàn tay ra, đồng thời bác sĩ cũng buông tay khỏi cổ tay bệnh nhân. Dựa vào thời gian phục hồi màu sắc ở bàn tay bệnh nhân, nếu máu đến bàn tay một cách chậm chạp là dấu hiệu gợi ý bệnh Buerger. Chụp động mạch có tiêm thuốc cản quang có thể thấy các chỗ tắc nghẽn động mạch. Siêu âm Doppler mạch máu, chụp động mạch xóa nền kỹ thuật số… cũng giúp chẩn đoán bệnh Buerger.
Biến chứng nghiêm trọng
Bệnh tiến triển lâu ngày và nặng hơn, lưu lượng máu đến các chi sẽ càng giảm. Do tắc nghẽn ở động mạch, máu khó đến được các đầu ngón tay và ngón chân. Khi các mô không nhận đủ máu sẽ thiếu ôxy và chất dinh dưỡng để sống, lúc đó hoại tử vùng da và mô ở đầu ngón tay, ngón chân sẽ xảy ra. Triệu chứng hoại tử là: da đổi dần sang màu xanh đen, mất cảm giác ở ngón bị tổn thương và bốc mùi hôi thối. Một khi đã bị hoại tử thì đó là tổn thương nghiêm trọng đòi hỏi phải cắt bỏ ngón tay hoặc ngón chân đó đi.
|
Có điều trị được không?
Bệnh Buerger không thể chữa khỏi được. Điều trị có thể dùng nhiều loại thuốc để giảm bớt các triệu chứng của bệnh như thuốc để cải thiện lưu lượng máu và làm tan cục máu đông. Phẫu thuật cắt lọc các dây thần kinh bị tổn thương, chẳng hạn phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm để giảm đau. Phẫu thuật cắt bỏ đoạn chi nếu nhiễm khuẩn và hoại tử. Bệnh nhân cần chăm sóc kỹ các ngón tay và ngón chân của mình, kiểm tra phần da ở tay, chân hàng ngày để phát hiện những vết trầy xước, vì chúng có thể là tiền đề cho những nhiễm khuẩn nặng. Phải rửa kỹ các vết trầy xước da, bôi thuốc sát khuẩn và băng sạch. Phải theo dõi sát vết thương xem chúng có lành không. Nếu vết thương không lành, xấu đi, cần phải đi khám ngay để kịp thời điều trị.
Lời khuyên của bác sĩ
ThS. Trần Quốc An