Chế độ ăn uống cho bệnh nhân đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đường kéo theo rối loạn chuyển hóa lipid, protid và điện giải. Hậu quả muộn của các rối loạn chuyển hóa này là tổn thương các vi mạch, các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn ở bệnh nhân đái tháo đường.

Chế độ dinh dưỡng được coi là liệu pháp điều trị quan trọng cho những người mắc bệnh đái tháo đường.

Tại sao việc ăn uống quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường?

Lượng thức ăn đưa vào cơ thể quá nhiều làm nguy cơ đường và mỡ trong máu tăng cao. Sự lựa chọn thực phẩm đúng đắn sẽ giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu, phòng ngừa nguy cơ biến chứng đái tháo đường. Tuy nhiên, không có một chế độ ăn chung nào cho tất cả các bệnh nhân đái tháo đường, vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: người béo hay gầy, lao động thể lực hoặc không lao động, có biến chứng hay không và còn phụ thuộc vào kinh tế của từng bệnh nhân.

Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân đái tháo đường

thap-dinh-duong-cho-benh-nhan-dai-thao-duong

Tháp dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường

– Protein (đạm): Lượng protein lý tưởng là 0,8g/kg thể trọng/ngày đối với người lớn. Khẩu phần có lượng protein quá nhiều là không cần thiết và còn có hại đối với bệnh nhân có bệnh lý thận sớm.

VD: Thực phẩm cung cấp protit: 100g thịt nạc tương ứng với 15 – 18g protit

– Lipid (chất béo): Tỷ lệ lipid không nên quá 25%-30% tổng số năng lượng. Lượng cholesterol chỉ dưới 250mg/ngày. Chế độ ăn không hợp lý bao gồm nhiều chất béo, đặc biệt là các axit béo no và cholesterol sẽ làm tăng cholesterol máu là tiền đề của các bệnh tim mạch, cao huyết áp. Do đó, việc kiểm soát chất béo cũng giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

VD: Thực phẩm cung cấp Lipit: 100g dầu ăn tương đương với 90 – 100g lipit

– Glucid (đường): Tỷ lệ glucid chấp nhận được là 50% – 60% tổng số năng lượng. Nên sử dụng các glucid phức hợp như gạo, khoai củ, hạn chế tối đa đường.

VD: Thực phẩm cung cấp glucid: bánh mỳ 40g, gạo 25g, mì sợi 32g, khoai tây 100g, khoai mì 60g, đậu 40g, 1 trái cam vừa, 1 trái chuối vừa, 1 trái táo, 250g dâu tây, 1 trái xoài đều tương tương đương với 20g glicid

– Cần đảm bảo đủ các yếu tố vi lượng (sắt, iod…), vitamine. Các loại này thường có trong rau quả tươi.

– Nên ăn nhiều chất xơ mặc dù không được hấp thu qua ruột, nhưng rất cần thiết cho sự tiêu hóa. Nên ăn từ 20 đến 35 gr chất xơ mỗi ngày và chất xơ có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo lức, bắp rang,…), trong trái cây, rau quả và các loại đậu. Chất xơ còn có thể làm giảm một số mỡ trong máu, chống táo bón và làm chậm sự hấp thu của đường sau bữa ăn.

– Bớt ăn muối: Thông thường chúng ta ăn nhiều muối hơn nhu cầu thực sự của cơ thể. Ăn mặn tăng nguy cơ cao huyết áp ở một số người. Bệnh này thường đi kèm với đái tháo đường và nếu không kiểm soát tốt huyết áp sẽ tăng nguy cơ bị các biến chứng của hai bệnh này như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Nên:

* Bớt nêm muối khi nấu ăn và bớt dùng nước mắm, xì dầu trong khi ăn.

* Tránh các thức ăn chế biến có chứa nhiều muối (như mắm, cá muối…).

Phân bổ bữa ăn trong ngày

Người bệnh đái tháo đường nên chia khẩu phần hằng ngày ra làm nhiều bữa ăn, tốt nhất là 3 bữa ăn chính và từ 2 đến 3 bữa ăn phụ để tránh đường huyết lên quá cao khi no và xuống quá thấp khi đói. Người bệnh đái tháo đường cũng như người lành mạnh, nếu ăn uống điều độ đúng giờ sẽ thấy ngon miệng, thư thái và có nhiều năng lực hơn. Tuy nhiên, không có một tiêu chí chuẩn mực nào cho việc phân chia các bữa ăn trong ngày vì tùy thuộc vào mức tiêu hao năng lượng của từng đối tượng: có người thì làm việc nặng, hoạt động thể lực hay có người chỉ làm những việc nhẹ nhàng …nên nhu cầu cơ thể sẽ khác nhau

Dưới đây là một cách phân chia bữa ăn trong ngày:

– Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày (theo tỷ lệ 1-1-3-1-3-1/10): bữa sáng 10%, bữa phụ buổi sáng: 10%, bữa trưa: 30%, bữa phụ buổi chiều: 10%, bữa tối: 30%, bữa phụ vào buổi tối: 10% năng lượng.

– Nếu bệnh nhân có tiêm insulin, phải tính thời điểm lượng glucose máu tăng cao sau bữa ăn phù hợp với thời điểm insulin có tác dụng mạnh nhất.

– Đối với bệnh nhân điều trị bằng insulin tác dụng chậm, dễ có xu hướng bị hạ đường huyết trong đêm, nên có các bữa ăn phụ trước khi đi ngủ. Hoặc trong túi nên chuẩn bị kẹo để phòng khi hạ đường huyết.

ThS.DS. Lê Thị Diễm Hồng