Cảnh giác với cơn hen phế quản

Thời tiết thay đổi, nhiệt độ môi trường chuyển từ nóng sang lạnh là giai đoạn bùng phát của các loại bệnh hô hấp trong đó có hen phế quản.

Biểu hiện đặc trưng của cơn hen phế quản

Hen phế quản là một tình trạng chít hẹp cấp tính của đường hô hấp do co thắt, phù nề và tăng tiết dịch trong lòng phế quản xảy ra bởi nhiều nguyên nhân từ đó làm bệnh nhân khó thở với các mức độ từ nhẹ đến nặng.

Cảnh giác với cơn hen phế quản 1
 Ảnh google.

Đặc trưng cơ bản của cơn hen phế quản là xảy ra từ từ (một số trường hợp có thể đột ngột, dữ dội) với các triệu chứng như tức ngực, cảm giác đè nặng, chẹn ngực; khó thở nghe có tiếng cò cử, khó thở thì thở ra (bệnh nhân hít vào thì dễ hơn khi thở ra), ho nhiều; thở nhanh nông, tím môi đầu chi; co kéo cơ hô hấp… và có những trường hợp suy hô hấp nặng tiến triển nhanh có thể làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp cấp cứu kịp thời.

Theo thống kê, cho tới năm 2011, trên thế giới có khoảng 235 – 330 triệu người mắc bệnh hen với tỷ lệ mắc trong dân số dao động từ 2 – 18% và tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển. Hen phế quản cũng thường gặp ở trẻ em hơn là người lớn và phụ nữ thì bị nhiều hơn nam giới. Hai nhóm bệnh nguyên chính là hen do cơ địa và do môi trường (các tác nhân vi khuẩn, virut, chất gây dị ứng…).

Các yếu tố nguy cơ

Tại sao cơn hen lại hay xuất hiện ở một số người này mà lại không xuất hiện ở những người khác cho đến nay chưa được rõ, nhưng có một số tác nhân được cho là yếu tố khởi phát cho sự xuất hiện của cơn hen và các yếu tố này kết hợp với yếu tố “cơ địa” của bệnh nhân để làm bùng phát cơn hen.
 
Đó là các yếu tố như các tác nhân dễ gây dị ứng: phấn hoa; lông động vật (chó, mèo, thỏ…); nấm mốc; thực phẩm (cua, sò, ốc, tôm); thuốc các loại… Người bị cơn hen do dị ứng thường có tiền sử viêm mũi dị ứng, hay mẩn đỏ, ngứa khi tiếp xúc với các chất như trên.
 
Cảnh giác với cơn hen phế quản 2
 Chu kỳ hen phế quản.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng là yếu tố kích thích cho cơn hen xuất hiện bởi sự viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virut gây ra tăng tiết phù nề đường hô hấp và độc tố của chúng là những yếu tố gây co thắt cơ phế quản. Hút thuốc lá, thuốc lào, bên cạnh những tác hại lâu dài về tim mạch, ung thư phổi… còn là tác nhân hàng đầu kích thích khởi phát những cơn hen phế quản nặng và việc điều trị cắt cơn cũng khó hơn ở những bệnh nhân hen nghiện thuốc lá.

 
Ở những người bị hen, việc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm như khói, bụi, ẩm mốc… cũng dễ dàng làm cơn hen xuất hiện. Trào ngược dạ dày – thực quản khiến cho một phần dịch vị có tính acid cao lọt vào đường hô hấp gây nên những thương tổn mạn tính và kích thích các cơ phế quản co thắt làm bệnh nhân khó thở. Ngoài ra, nhiều người còn bị chứng hen khi gắng sức nhiều (khi lao động, khi chơi các môn thể thao…), chứng hen do thuốc (ví dụ như hen do aspirin), hen do nghề nghiệp phải tiếp xúc với bụi bông, bụi phấn, hóa chất… và cuối cùng, thời tiết khi giao mùa với những đặc điểm như nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao sẽ khiến cho cơ thể giảm sức đề kháng, dễ dàng bùng phát những cơn khó thở ở những bệnh nhân đang bị chứng hen phế quản.

Dự phòng được không?

Nói chung, có thể dự phòng tương đối có hiệu quả việc khởi phát cơn hen phế quản khi giao mùa bằng các biện pháp như ăn mặc đủ ấm, tránh ra ngoài khi trời lạnh. Đối với những người có nguy cơ cao bị hen (tính chất gia đình, cơ địa dị ứng…), nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá. Người bị bệnh hen phế quản phải giữ gìn cẩn thận, tránh các nhiễm khuẩn đường hô hấp; bỏ rượu, thuốc lá; ăn uống đầy đủ, tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Ở những người mà tần suất bị hen dày khi trở lạnh, có thể dùng thuốc xịt hoặc thuốc uống dự phòng như các thuốc giãn phế quản, corticoides theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

TS. BS. Vũ Đức Định