Bão mặt trời Kẻ đánh cắp sức khỏe con người

Theo tờ USA Today, một trong những thông tin mật được cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden tiết lộ đã gây sốc dư luận không khác gì ngày tận thế. Theo nguồn tin này, vào tháng 9 năm nay sẽ có một loạt sóng năng lượng mặt trời hay bão mặt trời sẽ xuất hiện, có thể giết chết hàng triệu người. Thực hư ra sao chưa biết, song hiện tượng bão mặt trời là có thực, từng xuất hiện trong lịch sử, gây thiệt hại lớn cho nhân loại, trong đó có thiệt hại đối với ngành y.

Ðôi nét về bão mặt trời

Bão mặt trời (Solar Flare, Coronal Mass Ejections) hay gió mặt trời là một luồng điện thoát ra từ vùng thượng quyển của mặt trời. Tương tự, nếu gió được phát ra từ các ngôi sao khác ngoài mặt trời thì gọi là gió sao. Bão mặt trời mang theo các hạt electron và proton năng lượng cực lớn, khoảng 500KeV, nên được người ta giải thích, gió mặt trời đã tạo ra hàng loạt các hiện tượng lạ như cực quang, bão từ hay hiện tượng đuôi của các sao chổi luôn luôn hướng ra ngoài mặt trời vào ban đêm cho tới việc hình thành của các ngôi sao non trẻ. Một trong những hệ lụy nguy hiểm nhất của bão mặt trời là bão từ. Khi bão mặt trời có tốc độ từ 400 – 700km/s nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến từ quyển của trái đất.

Bão mặt trời Kẻ đánh cắp sức khỏe con người  1
 Hình ảnh cơn bão mặt trời.

Những gì liên quan đến bão mặt trời hiện đang tranh cãi trong cộng đồng khoa học thế giới. Người đầu tiên đưa ra dự báo về bão mặt trời là chuyên gia khí quyển học Kristian Birkeland, người Na Uy. Năm 1915, Birkeland lập luận, các luồng tia mặt trời không hoàn toàn chỉ có các hạt mang điện tích (cả âm lẫn dương) mà đôi khi nó chứa đồng thời cả hai điện tích này, tức cả ion âm lẫn ion dương. Từ đây, hàng loạt các tranh luận liên quan đến bão mặt trời xuất hiện, nhưng chưa có giả thuyết nào mang tính thuyết phục. Sang đến thập niên 90 thế kỷ trước, nhờ các thiết bị chuyên dụng trên phi thuyền quan sát mặt trời (SOHO) người ta đã phát hiện thấy các vùng tăng tốc của bão mặt trời có nguồn gốc từ các cực mặt trời, có mức độ gia tốc cao hơn so với giả định về sự giãn nở nhiệt động lực thông thường. Nhờ có các tàu vũ trụ, con người phát hiện gió mặt trời sau khi thoát khỏi biên giới của nó sẽ hòa trộn với gió của các ngôi sao, tạo thành bão và nếu ở tần suất cao sẽ hướng về trái đất, gây ảnh hưởng đến các hoạt động của con người như làm gián đoạn các tín hiệu thông tin, tín hiệu điện và gây ra những loại bệnh nan y.

Bão mặt trời trong lịch sử và dự báo

Cho đến nay, con người đã chứng kiến nhiều cơn bão mặt trời xuất hiện cũng như thiệt hại có liên quan. Một trong những cơn bão mặt trời mạnh nhất xuất hiện lần đầu vào ngày 1/9/1859, được hai nhà thiên văn học độc lập người Anh Richard Carrington và Richard Hodgson phát hiện thấy và được đặt tên là bão mặt trời 1859 hay sự kiện Carrington. Theo tài liệu còn ghi thì cơn bão này có thể nhìn rõ bằng mắt thường, tức là nhìn thấy ánh sáng trắng, kèm theo các cực quang tuyệt đẹp xuất hiện ở những vĩ độ nhiệt đới như Cuba hoặc Hawaii, nó làm cho hệ thống thông tin ở những vùng này bị ảnh hưởng, bị tê liệt. Sau khi đi qua, cơn bão này đã để lại những vết tích như nitrate và beryllium -10, thậm chí nồng độ của những hóa chất này ngày nay vẫn còn đo được. Những cơn bão mặt trời xuất hiện gần đây là cơn bão xuất hiện ngày 4/11/2003, tạo ra những bằng chứng đầu tiên rất rõ nét về thành phần một loại quang phổ mới ở trên mức 100GHz. Tại Trung Quốc, vào Ngày lễ tình yêu 2007, người ta đã chứng kiến một cơn bão từ nhẹ, làm cho hệ thống thông tin vô tuyến bị gián đoạn trong vòng vài phút. Năm 1989, một cơn bão từ nhỏ lướt qua Canada làm chập lưới điện Hydro Quebec, gây sự cố nghiêm trọng kéo dài nhiều ngày và gần đây nhất hôm 12/5/2013, một cơn bão mặt trời xuất hiện và kéo dài tới 48 tiếng được xếp ở mức X 1.8,

Theo các chuyên gia ở Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS) thì vũ trụ bao la còn trái đất của chúng ta lại quá nhỏ nên mối nguy hiểm rất tiềm ẩn, một sự cố va đập cũng như ảnh hưởng từ bên ngoài là điều khó tránh, chưa kể tác động do chính con người gây ra đó là sức tàn phá của vũ khí nguyên tử, hay còn gọi là hiệu ứng xung điện từ (EMP), không khác gì bão mặt trời. Hiện nay, các phương pháp dự báo bão mặt trời không hề đơn giản bởi nó không có những “dấu hiệu” báo trước. Người ta mới chỉ dựa vào một số điều đã biết như vết đenta của mặt trời dựa trên trường từ tính. Đây là những vùng nguy cơ có bão mặt trời cao hoặc dùng phương pháp dự báo bão từ có tên Mctntoch để chẩn đoán khả năng xảy ra bão từ theo thang độ M hoặc X của cấp độ GOES trong vòng 24 hoặc 48 giờ.

Bão mặt trời Kẻ đánh cắp sức khỏe con người  2
 Cơn bão mặt trời chụp ngày 27/1/2012.

Làm gì để đối phó với bão mặt trời?

Một trong những hiện tượng dễ nhận biết nhất của bão từ là làm cho kim la bàn dao động mạnh. Quá trình tác động của bão từ có thể hiểu ngắn gọn là từ trường do mặt trời phát ra ép vào làm cho từ trường trái đất tăng vọt, sinh ra dòng điện cảm ứng chống lại từ trường trái đất, dòng điện này có cường độ lên tới hàng triệu ampe lởn vởn quanh bề mặt trái đất làm cho từ trường trái đất biến thiên liên tục. Các cơn bão mặt trời được tính theo 3 cấp C, M và X (yếu, trung bình và mạnh), còn bão từ được xếp từ cấp G1 đến G5. Ảnh hưởng của bão từ lên con người và động vật là tác động trực tiếp đến hệ tuần hoàn, nhất là tim mạch. Bằng chứng, khi có bão từ những con chim sống trong lồng đã dồn về phía Nam để lánh nạn mặc dù chúng không hề biết bão từ là gì.

Như đề cập, khi tốc độ lớn, bão mặt trời sẽ đổ bộ lên trái đất tạo ra những cơn bão từ tác động đến các hoạt động truyền thông, thông tin liên lạc bằng sóng radio bị nhiễu, hủy hoại các thiết bị này, gây tê liệt hệ thống phát điện. Đối với con người, tia X từ bão mặt trời tác động lên hệ thống hô hấp, miễn dịch, gây lo âu căng thẳng, cáu gắt, khó thở, buồn nôn, đau đầu, kiệt sức. Những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch dễ bị biến chứng nguy hiểm, gia tăng bệnh ung thư do nồng độ tia cực tím tăng cao. Làm cho động vật chết hàng loạt, nhất là động vật nhỏ và côn trùng.

Để hạn chế rủi ro do bão mặt trời gây ra, mọi người nên ăn uống cân bằng, hạn chế ra ngoài trời, nên chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men… phòng tránh trường hợp mất điện, mất nước kéo dài. Riêng nhóm người mắc bệnh tim mạch cần dự phòng thuốc, uống đều đặn, tăng cường nước uống và thực hiện tốt các khuyến cáo của bác sĩ. Nếu có điều kiện nên mua một máy phát điện để tạo nguồn năng lượng dự trữ. Và cuối cùng cũng giống như những gì đồn thổi về ngày tận thế, mọi chuyện sẽ diễn ra bình thường, nếu quá lo lắng sẽ gây bệnh và gây hoang mang trong dư luận vì những tin đồn thổi phồng quá mức.

KHẮC NAM

(Theo UT/HP/Sun, 8/2013)