Bệnh thương hàn

Mấy tuần nay miền Trung nước ta dồn dập hứng chịu bão lũ. Trong điều kiện thời tiết mưa lũ, các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa rất dễ bùng phát. Một trong những bệnh lý nguy hiểm đó là bệnh thương hàn. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ làm giảm các biến chứng, tỷ lệ tử vong và góp phần hữu hiệu nhằm ngăn chặn việc phát sinh và lan tràn của các dòng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Bệnh chủ yếu lây qua đường ăn uống

Thủ phạm gây ra bệnh thương hàn chính là vi khuẩn Salmonella typhi. Salmonelleae thuộc họ Enterobacteriaceae với chỉ một dòng duy nhất là Salmonella và được lấy từ tên nhà khoa học người Mỹ, D.E. Salmon. Đây là trực khuẩn Gram (-), hiếu khí tùy nghi di động. Salmonella có ba loại kháng nguyên bề mặt (kháng nguyên thân O, kháng nguyên lông H và kháng nguyên độc).

Salmonella xâm nhập cơ thể qua đường miệng và hầu hết là do ăn phải thức ăn bị nhiễm như thực phẩm, sữa, nước uống… Sau khi xuyên qua hàng rào acid dạ dày, vi khuẩn di động về phía ruột non và sinh sản ở đó, tiếp tục chui qua màng nhày và vào thành ruột và đi vào máu. Vi khuẩn sẽ được chuyên chở bởi những tế bào bạch cầu ở gan, lách và tuỷ xương. Khi đó vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở trong tế bào của những cơ quan này và quay lại dòng máu. Vi khuẩn xâm nhập túi mật, hệ thống ống mật và mô lympho trong ruột. Tại đây, chúng sinh sôi nảy nở với số lượng lớn. Khi vi khuẩn vào trong ruột, nó có thể được chẩn đoán bằng cách lấy phân đem đến phòng xét nghiệm để cấy. Một xét nghiệm khác là xét nghiệm Widal giúp phát hiện và lượng giá kháng thể của vi khuẩn thương hàn trong máu và trong nước tiểu.

Bệnh thương hàn, nỗi lo sau bão lũ 1
 Thực phẩm bày bán không vệ sinh dễ bị nhiễm vi khuẩn thương hàn.

Bệnh thương hàn là do vi khuẩn lây truyền qua đường ăn uống bởi nước hay thức ăn bị nhiễm. Bệnh nhân bị bệnh cấp tính có thể lây ra môi trường nước xung quanh qua phân, ở giai đoạn cấp các chất thải (phân) có chứa nồng độ vi khuẩn rất cao.

Chỉ có 3 – 5% trở thành người mang khuẩn sau giai đoạn bệnh cấp. Một số bệnh nhân bị bệnh nhẹ, có thể họ không nhận biết được. Những người này về lâu dài có thể trở thành người lành mang khuẩn. Vi khuẩn thương hàn sinh sôi trong túi mật, ống mật hay trong gan và đi vào trong ruột, chúng có thể sống sót vài tuần trong nước hay chất thải khô. Những người mang trùng mạn tính này thường không có triệu chứng và là nguồn lây bệnh sốt thương hàn trong nhiều năm.

Dấu hiện nhận biết

Khi vi khuẩn Salmonella typhi xâm nhập cơ thể sẽ gây ra triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, nhịp tim tương đối chậm, khoảng 25% có nốt hồng ban trên cơ thể. Người bệnh đau bụng, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, phân đen hoặc có máu. Bụng trướng, gan to, lách hơi to, có dấu hiệu óc ách hố chậu phải. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như chảy máu ruột, thủng ruột do các vết viêm loét ở hạch Payer hoặc bị rối loạn chức năng não và dễ gây ra tử vong.

Bệnh phó thương hàn (paratyphoid fever) cũng có biểu hiện lâm sàng tương tự như bệnh thương hàn nhưng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều. Trường hợp bị nhiễm khuẩn thương hàn không có biểu hiện toàn thân mà chỉ có biểu hiện viêm dạ dày – ruột do vi khuẩn Samonella typimurium hoặc Salmonella enteritidis từ động vật nhiễm vào thực phẩm gọi là bệnh nhiễm khuẩn thức ăn do vi khuẩn Salmonella hoặc bệnh Salmonella.

Tất cả mọi người đều có thể bị cảm nhiễm bởi vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập, có thể từ vài ngày tới vài tháng, nhưng thông thường từ 1 – 3 tuần. Đối với vi khuẩn phó thương hàn gây bệnh viêm dạ dày – ruột thì thời gian ủ bệnh từ 1 – 10 ngày.

Điều trị như thế nào?

Bệnh thương hàn được điều trị bằng kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn Salmonella. Trước khi sử dụng kháng sinh, tỷ lệ tử vong của bệnh là 10%. Tử vong xảy ra là do vi khuẩn thương hàn gây viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường ruột) hay thủng ruột. Lựa chọn kháng sinh điều trị thương hàn phải là những thuốc kháng sinh đặc hiệu với Salmonella như ceftriaxone, ciprofroxaxine, pefloxaxine… Các thuốc này có tính chất khuếch tán đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh điều trị kháng sinh phải chú ý đến cân bằng điện giải, chế độ dinh dưỡng hợp lý (những trường hợp nhịn ăn khi có xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc nghi ngờ thủng ruột), điều trị triệu chứng và các biến chứng kèm theo.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh hữu hiệu cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt, chất thải của người và gia súc. Cách ly bệnh nhân mắc bệnh thương hàn khi hết triệu chứng lâm sàng và kết quả phân lập vi khuẩn 3 lần cách nhau 24 – 48 giờ âm tính. Trong vùng có nhiều người mắc bệnh hoặc vùng bị lũ lụt ô nhiễm môi trường nặng cần được sát khuẩn bằng dung dịch chloramin B, vôi bột. Ở những nơi bệnh thương hàn thường xuyên xảy ra nên tiêm phòng bằng vaccin, tùy hiệu lực của từng loại vaccin có thể tiêm nhắc lại sau 2 – 5 năm.

BS. Đỗ Minh Hải