Bệnh thấp tim

Thấp tim hay còn gọi là thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp (rheumatic fever) được coi là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết hay thuộc hệ thống tạo keo. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 5 – 15 tuổi. Ðây là căn bệnh làm tổn thương khớp, tim, thần kinh, da và chỉ để lại di chứng ở tim. Những di chứng tại van tim là nguyên nhân chính của bệnh tim mắc phải, gây tử vong cho trẻ em 5 – 15 tuổi, làm mất sức lao động của những người trưởng thành.

Chẩn đoán xác định thấp tim khi nào?

Khi có bằng chứng của nhiễm liên cầu A đường hô hấp (biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp trên và/hoặc làm phản ứng ASLO dương tính và/hoặc cấy dịch họng tìm thấy liên cầu), kèm theo có ít nhất 2 tiêu chuẩn chính hoặc có 1 tiêu chuẩn chính kèm 2 tiêu chuẩn phụ. Sở dĩ là vậy vì trong màng tế bào liên cầu khuẩn nhóm A có một thành phần protein rất giống với protein màng tế bào cơ tim và một số tổ chức liên kết khác của cơ thể. Ngoài ra, cấu trúc cacbon hydrat màng tế bào liên cầu khuẩn nhóm A cũng giống mucoprotein ở van tim người. Khi bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A, cơ thể sẽ sản xuất các kháng thể chống liên cầu khuẩn, vô tình các kháng thể này cũng tấn công luôn cả cơ tim và các tổ chức liên kết có thành phần protein tương tự. Ngoài có cấu tạo protein rất giống với protein màng tế bào cơ tim dẫn tới sự “nhầm lẫn” kể trên, màng tế bào liên cầu khuẩn còn mang nhiều chất có độc tính với tế bào cơ tim, thận, phá hủy hồng cầu, tiểu cầu…

Bệnh thấp tim - Làm sao biết và tránh?   1
 Hình ảnh hở van 2 lá do thấp tim.

Dấu hiệu nhận biết

Sau khi bị viêm họng từ 1 – 5 tuần, những trẻ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A sẽ thấy xuất hiện tình trạng đau ở khớp với đặc điểm là đau từ khớp này sang khớp khác. Các khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, cổ tay sẽ bị sưng, đau, nóng đỏ khiến bệnh nhân đi lại và cử động rất khó khăn (riêng khớp cột sống hoặc khớp ngón tay, ngón chân rất ít khi đau nhức). Điểm đặc biệt của bệnh này là khi khớp sau bị sưng đau thì các khớp bị sưng đau trước đó lại khỏi và trở lại hoạt động bình thường, không có biến dạng khớp và bị hạn chế cử động như các loại viêm khớp khác. Chính vì biểu hiện như vậy mà căn bệnh này còn được gọi là bệnh thấp khớp cấp.

Cùng với những cơn đau ở khớp thì ở tim cũng có tổn thương (cơ tim, các màng tim và các van tim) làm cho người bệnh mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở, nhịp tim chậm hoặc nhanh, có thể không đều. Nếu viêm cơ tim nặng gây khó thở, tím tái, phù, gan to.

Tổn thương thường gặp khi bị thấp tim

Viêm tim: Viêm tim là một biểu hiện bệnh lý nặng của thấp tim và khá đặc hiệu. Có khoảng 41 – 83% số bệnh nhân thấp tim có biểu hiện viêm tim. Các biểu hiện của viêm tim có thể là viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim. Viêm tim có thể biểu hiện từ thể không có triệu chứng gì đến các dấu hiệu suy tim cấp nặng hoặc tử vong. Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp là: tăng nhịp tim, tiếng thổi tâm thu, tiếng thổi tâm trương, tiếng rung tâm trương, rối loạn nhịp, tiếng cọ màng tim, suy tim…

Một trong những biểu hiện phải chú ý và là biến chứng nặng của thấp tim là viêm van tim. Hở van hai lá là một trong những biểu hiện thường gặp nhất, trong khi hở van động mạch chủ ít gặp hơn và thường kèm theo hở van hai lá.

Viêm khớp: Viêm khớp là một biểu hiện hay gặp nhất trong thấp tim (80%) nhưng lại ít đặc hiệu. Biểu hiện của viêm khớp là sưng, nóng, đỏ, đau khớp, xuất hiện ở các khớp lớn (gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu, vai…) và có tính chất di chuyển. Viêm khớp do thấp tim thường không bao giờ để lại di chứng ở khớp.

 Múa giật Sydenham:  Đây là biểu hiện của tổn thương ngoại tháp và khá đặc hiệu cho thấp tim. Các biểu hiện là những động tác vận động không mục đích và không tự chủ ở các cơ mặt, chi; giảm trương lực cơ, rối loạn cảm động. Các biểu hiện ban đầu có thể là khó viết, khó nói hoặc đi lại. Các biểu hiện này thường rõ khi bệnh nhân bị xúc động hoặc thức tỉnh và mất đi khi bệnh nhân ngủ.

Múa giật Sydenham là một trong những biểu hiện muộn của thấp tim, nó thường xuất hiện sau khi viêm đường hô hấp trên khoảng 3 tháng. Múa giật Sydenham thường biểu hiện đơn độc trong thấp tim và gặp ở khoảng 30%. Triệu chứng này thường mất đi sau 2 – 3 tháng.

Nốt dưới da: Đó là những nốt có đường kính khoảng 0,5 – 2cm, cứng, không đau, di động và thường xuất hiện ngay trên các khớp lớn hoặc quanh các khớp. Nốt dưới da có thể gặp ở khoảng 20% số bệnh nhân bị thấp tim và thường biến mất sau vài ngày. Da ở trên nốt này thường vẫn di động bình thường và không có biểu hiện viêm ở trên.

 Đây là một loại ban trên da, có màu hồng và khoảng nhạt màu ở giữa tạo thành ban vòng. Thường không hoại tử và có xu hướng mất đi sau vài ngày. Hồng ban vòng là một dấu hiệu khá đặc hiệu trong thấp tim và ít gặp (5%), thường chỉ gặp ở những bệnh nhân có da mịn và sáng màu. Hồng ban vòng thường xuất hiện ở thân mình, bụng, mặt trong cánh tay, đùi và không bao giờ ở mặt. Khi có hồng ban vòng thì thường có kèm theo viêm cơ tim.

Do các triệu chứng nói trên, bệnh thấp tim hay bị nhầm với một số bệnh khác nên dễ bị bỏ qua. Điều này rất nguy hiểm, bởi nếu không được điều trị, bệnh cũng sẽ khỏi, nhưng sau đó một thời gian lại tái phát. Mỗi lần tái phát như vậy các tổn thương ở tim càng nặng hơn dẫn đến các chứng hẹp hay hở van tim, hoặc hở hay hẹp các van động mạch tại tim.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi thấy đau khớp sau một đợt viêm họng, nên nghĩ tới thấp tim và cần sớm đi khám bệnh, làm các xét nghiệm cần thiết để và có liệu trình điều trị đúng đắn. Nếu đúng mắc bệnh thấp tim, trẻ nên tuân thủ chế độ điều trị dự phòng nghiêm ngặt cụ thể: tiêm kháng sinh dự phòng một tháng một lần theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Thời gian dự phòng là 5 năm, tốt nhất đến 18 tuổi, với thể tổn thương nặng ở tim, phòng tái phát cho đến 25 tuổi.

Để phòng bệnh thấp tim, trẻ cần tránh không để bị cảm, bị viêm họng, viêm khí – phế quản, đồng thời gìn giữ vệ sinh răng miệng thật tốt. Cần chú trọng cải thiện các điều kiện ăn, ở, chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, điều kiện dinh dưỡng đối với trẻ em.   

BS.  Lê Hưng