Bệnh rối loạn tiền đình là căn bệnh khá phổ biến cần được phát hiện và điều trị kịp thời, các triệu chứng ban đầu thường ít xuất hiện. Chúng ta cũng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh rối loạn tiền đình.
Triệu chứng:Các triệu chứng ban đầu của bệnh rối loạn tiền đình là mất ngủ, người mệt mỏi. Thường vào buổi đêm về sáng, người bệnh thức giấc mở mắt ra nhìn mọi vật xung quanh thì có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn. Nếu cơn nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn. Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh. Mạch thường nhanh, huyết áp hạ, người mệt lả.
Bệnh có thể diễn biến trong vài ba ngày, rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng mất thăng bằng, lao đao, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, suy yếu mệt mỏi một thời gian, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.
Nguyên nhân:
Có khá nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình: môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống…), tuần hoàn kém và các vấn đề thần kinh, tâm lý, tạo máu.
Cách điều trị:
Việc khống chế những cơn chóng mặt “khủng khiếp” là rất cần thiết và phải kịp thời. Để người bệnh nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Chọn tư thế nằm thích hợp như: nghiêng trái hoặc phải, hoặc nằm ngửa. Nếu buồn nôn thì cho nôn hết ra, nhưng sau đó phải cho uống bù nước và điện giải; orezol là dung dịch được lựa chọn. Xen kẽ cho người bệnh uống một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp giải quyết tức thời những cơn chóng mặt cấp. Về lâu dài, bệnh nhân cần chủ động phòng ngừa bằng cách luyện tập thường xuyên các động tác sau:
Tập đầu và cổ: Ngửa đầu ra sau, cúi đầu xuống, nghiêng đầu sang phải và sang trái hết cỡ. Quay đầu tròn chữ O bên phải rồi bên trái (khoảng 10-15 lần). Nằm ngửa trên giường, để một tay ở đỉnh đầu, một tay dưới cằm, thật mềm cổ, nhẹ nhàng vặn mạnh cằm về bên trái, rồi về bên phải, có tiếng kêu răng rắc là tốt. Sau đó, lồng các ngón tay với nhau để vào sau gáy, kéo mạnh gập cằm về phía ngực (khoảng 10 lần).
Xoa mặt, mắt, tay: Hai bàn tay xiết mạnh vào nhau cho nóng, xoa đều vào mặt, hốc mắt và tai để tác động vào các nút thần kinh tai, mắt, mặt (khoảng 10 lần).
Tập thể dục như bình thường nhưng phải làm được 3 động tác cơ bản sau đây: Chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8-10 phút. Đứng hơi dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái, vung hai tay và quay mặt về bên trái rồi về bên phải hết cỡ (nhớ là quay cả mặt). Làm 10 lần.
Rối loạn tiền đình là một hội chứng mà nguyên nhân do khá nhiều bệnh gây ra. Thông thường với người lớn tuổi thì khả năng rối loạn tiền đình do rối loạn tuần hoàn não như hẹp động mạch cảnh, xơ vữa động mạch, cao huyết áp gây ra. Một nguyên nhân nữa cũng hay gặp ở tuổi này là sự xuất hiện của các khối u trong hộp sọ như u não, u tiểu não, u dây thần kinh số 8…
Muốn được chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần phải được đo huyết áp, siêu âm động mạch cảnh xem có hẹp động mạch cảnh hay không. Nhiều trường hợp phải chụp X quang cắt lớp điện toán có dựng hình (CT scan) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định có khối u trong sọ hay mức độ hẹp động mạch cảnh để xem khả năng xử lý bằng phẫu thuật.
Ngoài các loại thuốc làm tăng cường tuần hoàn đến não, bệnh nhân có thể tập thêm yoga và một số môn thể dục nhẹ khác để có thể cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình.
Khi gặp các triệu trứng của bệnh rối loạn tiền đình bạn cần đi khám để xác định đúng bệnh và có chỉ định điều trị từ bác sĩ chuyên khoa!
Chúc bạn mau khỏi!
Luân Dương