Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh hô hấp mạn tính do đường thở bị tắc nghẽn một phần và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, COPD không phải là vô vọng. Nếu biết dùng thuốc trong điều trị và biết cách kiểm soát bệnh, bệnh nhân có thể vui sống cùng COPD, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi.
Để làm chậm quá trình tổn thương phổi, bệnh nhân COPD cần xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, môi trường sống trong lành, dinh dưỡng đầy đủ, luyện tập phù hợp… là những yếu tố hạn chế sự phát triển của bệnh hiệu quả.
1. Môi trường sống:
1.1. Tránh khói thuốc lá.
1.2. Tránh các chất ô nhiễm: khói thải, nước thải, sơn, hóa chất tẩy rửa và những mùi mạnh như nước hoa… gây khó thở.
1.3 Tránh thay đổi không khí đột ngột (từ lạnh sang nóng và ngược lại), quá nóng hoặc quá lạnh, ra gió, nơi ẩm thấp.
1.4 Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng hô hấp.
2. Lối sống:
2.1. Ngưng hút thuốc lá: Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm nếu bạn là người hút thuốc lá.
2.2. Tránh những xúc cảm quá mức: quá buồn, quá vui hoặc bực tức, căng thẳng.
2.3. Hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép.
2.4. Làm việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản.
2.5. Chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.
2.6. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ vì đây cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh, chú ý tránh các thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, thịt gà, bò… hoặc những thực phẩm, đồ uống nào mà trước đây bạn đã bị dị ứng.
3. Luyện tập:
TÁI PHỤC HỒI GẮNG SỨC bằng biện pháp hoạt động thể lực được hướng dẫn như sau:
3.1. Đạp xe đạp hoặc đi bộ: là các biện pháp thể lực được xem là rất tốt để phục hồi sự gắng sức của người bệnh. Số lần tập và thời gian mỗi lần tập có thể thay đổi nhưng phải đủ 30 – 60 phút mỗi ngày chia làm 1 – 2 lần trong ngày và 3 – 5 ngày mỗi tuần và quan trọng nhất là việc tập luyện phải được duy trì thường xuyên trong một thời gian dài.
3.2. Luyện thở:
Kỷ thuật thở: Thực hiện đúng cách kỹ thuật thở sau đây sẽ giúp bạn kểm soát nhịp thở và tránh hụt hơi, tăng lượng khí vào phổi, tiết kiệm sức khi thở, cải thiện khả năng vận động, tăng kiểm soát xúc cảm.
– Thở chúm môi:
1. Hít chậm qua mũi.
2. Chúm môi lại.
3. Thở ra từ từ bằng miệng.
– Ngưng thở cuối kỳ hít vào:
1. Hít vào.
2. Nín thở 03 giây.
3. Thở ra
– Thở bụng và thở ngực bụng:
+ Thở bụng:
1. Thả lỏng 2 vai.
2. Đặt 1 tay lên bụng.
3. Khi hít vào thì phình bụng ra.
4. Thóp bụng lại, thở ra bằng phương pháp chúm môi
+ Thở ngực bụng:
1. Lập lại những bước trong thở bụng.
2. Đặt 2 tay lên 2 bên hông sườn thay vì lên bụng.
3. Hít vào ngực nở ra, ép hai tay vào hông sườn khi thở ra.
3.3. Làm sạch phổi: Ho chủ động và thở ra mạnh, gắng sức giúp khạc đàm dễ dàng hơn mà không mất sức. Thực hiện với tư thế ngồi, hơi nghiêng người về phía trước.
– Tập ho:
1. Hít vào thật sâu.
2. Nén hơi khoảng 3 giây.
3. Ho mạnh ra liên tiếp 2 lần.
4. Khạc đàm vào một miếng giấy để kiểm tra màu sắc của đàm. Nếu đàm có màu vàng, hoặc xanh, hoặc đỏ bạn phải đến bác sĩ để khám ngay.
5. Nếu khạc không ra đàm. Bạn có thể ngồi ngỉ vài phút, sau đó tập ho lại 1 hoặc 2 lần.
– Thở ra gắng sức:
1. Hít vào thật sâu và chậm rải qua mũi.
2. Thở ra nhanh và mạnh có gắng sức giống như bạn đang thổi bếp lò.
3.4. Tư thế tránh hụt hơi: Tư thế của bạn cũng ảnh hưởng lên hô hấp. Sau đây là vài tư thế thuận lợi:
– Ngồi:
+ Để 2 chân lên bục nhỏ.
+ Ngã người nhẹ ra trước.
+ Chống khuỷu tay lên đầu gối.
+ Tựa cầm lên bàn tay.
+ Để hai chân lên bục nhỏ.
+ Ngã người nhẹ ra trước.
+ Đặt hai tay lên bàn.
+ Tựa đầu vào cái gối nhỏ.
– Đứng:
+ Hơi ngã người về phía trước.
+ Chống hai tay lên đùi.
+ Đặt hai cẳng tay lên bàn hoặc tủ ở tư thế khoanh tay.
+ Ngã đầu lên hai tay.
+ Thả lỏng cổ và hai vai.
+ Chống hai tay lên bàn hoặc tủ
3.5. Tránh hao phí năng lượng: Bạn có thể hỗ trợ cho hô hấp của mình bằng cách sử dụng năng lượng cơ thể một cách hiệu quả:
1. Không vội vã.
2. Luân phiên giữa nghỉ ngơi và làm việc.
3. Làm những công việc đơn giản, nhẹ.
4. Ngồi trong khi tắm, đánh răng, cạo râu, trang điểm hoặc mặc đồ.
5. Đặt đồ vật ở những nơi dễ với tới.
Chú ý trong luyện tập: Sự cải thiện tình trạng bệnh càng cao khi việc luyện tập được thực hiện ở cường độ gần với ngưỡng gây khó thở. Tất cả các hoạt động không gây kiệt sức luôn có lợi cho bệnh của bạn.
4. Điều trị:
– Chuẩn bị danh sách thuốc bạn hay dùng.
– Hãy đến bác sĩ sớm ngay khi bạn có dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên: ho, khạc đàm, khó thở khi vận động nặng.
– Đi cấp cứu ngay nếu bạn có những dấu hiệu nguy hiểm sau: nói chuyện – đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái; nhịp tim mạch rất nhanh hay không đều; thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu hay mất tác dụng – thở vẫn gấp và khó.
– Điều trị tích cực các nhiễm trùng phế quản – phổi (nếu có) theo hướng dẫn của BS.
* Xem thêm:
Thuốc cai thuốc lá
Theo tài liệu hướng dẫn cai thuốc lá của Bộ y tế Mỹ (Treating Tobacco Use and Dependance), các dạng cung ứng Nicotin (kẹo, băng dán…) và thuốc Bupropion có tác dụng hỗ trợ rõ ràng cho việc cai thuốc lá. Khảo sát cho thấy:
– Những người dùng Zyban (bupropion SR – thải chậm) có tỷ lệ cai thuốc lá thành công là 30,5% (từ 23,2% đến 37,8%) – so với 17,3% khi dùng placebo (giả dược). – Dùng băng dán Nicotin (Nicotrol, Habitrol, Prostep) đạt 17,7% (16 -19,5%) – so với placebo 10%.
– Kẹo nhai (Nicorette) 23,7% (20,6 -26,7%) – placebo 17,1%.
– Nicotin hít (Nicotrol Inhaler) 22,8% (16,4 – 29,2%) – placebo 10,5%.
– Nicotin bơm mũi (Nicotrol NS) 30,5% (21,8 – 39,2%) – placebo 13,9%.
Tính chung, việc dùng các tác nhân nói trên làm tăng khoảng gấp đôi cơ may bỏ được thuốc trong ít nhất sáu tháng. Các lựa chọn khác là Nortriptylin và Clonidin – sử dụng khi các thuốc trên không tác dụng. Thuốc cai thuốc lá mới ra đời là Vareniclin (Chantix), một chất bán đồng vận Nicotin, không dùng chung với Bupropion.