Trời nồm, trẻ dễ lên cơn hen suyễn

Trời nắng nóng trên 30oC, số trẻ ốm sốt sẽ tăng cao trong vài ngày tới, đặc biệt với những trẻ vốn có cơ địa dị ứng rất dễ tái phát.

Hen, sốt virus rất “hợp” kiểu thời tiết này

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết nồm ẩm như hiện nay là môi trường lý tưởng cho virus sinh sôi, phát triển, nên số ca nhập viện sẽ tăng lên nhanh chóng trong một vài ngày tới.

Kiểu thời tiết này đặc biệt “hợp” với những bệnh lý có liên quan đến cơ địa dị ứng, các bệnh lý mãn tính như hen phế quản, dị ứng, mề đay… . Theo kinh nghiệm của TS Dũng, năm nào cũng vậy, cứ khi thời tiết chuyển nóng, nồm khiến nhà cửa ẩm ướt, đồ đạc, chân tường ở những nhà dưới thấp mốc meo… thì cũng là lúc những trẻ bị hen phải nhập viện điều trị khá cao, do dị nguyên nấm mốc, virus trong môi trường gây nên.
Bệnh nhi tới khám chủ yếu là mắc các bệnh hô hấp, dị ứng, hen phế quản, sốt virus (Ảnh: H.Hải)
Dù mới đầu năm, nhưng tại Bệnh viện Nhi TƯ, khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) đang trở nên quá tải với lượng bệnh nhi tăng vọt. TS Đào Minh Tuấn, trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi TƯ cho biết, riêng số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp đến khám trong hai ngày 25-26/2 đã tăng thêm khoảng 20-30% so với ngày thường (500-700 trẻ/ngày). Số ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị cũng tăng cao với mật độ giường sử dụng lên đến 300%.
Còn tại khoa nhi, có 50 giường bệnh thì cả 50 giường đều đã kín chỗ, trong đó vẫn tiếp tục có các bệnh nhân sau nghỉ Tết nhập viện trở lại để điều trị, nên cảnh nằm ghép giường cũng khó tránh khỏi. “Nhất là trong vài ngày tới, số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp, liên quan đến cơ địa dị ứng sẽ con tăng mạnh hơn nếu nắng nóng, nồm ẩm vẫn kéo dài”, TS Dũng tiên lượng.

Làm khô phòng ốc, quần áo

Để ứng phó với thời tiết không hề đơn giản, nhưng vẫn có thể thực hiện được để phòng bệnh cho trẻ. Những điều này không có gì đặc biệt, mà chỉ là sự chú ý rất nhỏ nhặt đến những vật dụng, môi trường sống quanh trẻ. Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, hen phế quản như đã nói ở trên.

TS Dũng lưu ý, hiện tượng trời nồm như hiện nay không chỉ làm sàn nhà ẩm ướt, khó chịu mà chính là môi trường để nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển. Đáng nói, nấm mốc không chỉ thể hiện ra ở những vết rêu mốc trên tường, sân nhà… mà nó có thể lơ lửng trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy được, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu…

Vì thế, với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ. Trong phòng cũng không nên sử dụng thảm trải sàn. Đặc biệt cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình. Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện, sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách và lên cơn hen.

Đặc biệt cần chú ý đến những trẻ trong lứa tuổi mẫu giáu, nhà trẻ. Vì ngoài những nguy cơ đã nói trên do môi trường, thời tiết, thì ở trên lớp học, trẻ còn thêm nguy cơ do phải tiếp xúc với nhiều người. Có những trẻ thì biểu hiện bệnh ra ngoài, nhưng cũng nhiều trường hợp trẻ ủ bệnh chưa biểu hiện ra, tiếp xúc gần với các trẻ này nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp là rất cao.

Do đó, ở lớp cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, phòng ốc khô ráo. Dụng cụ vệ sinh như khăn mặt, chăn chiếu nên dùng riêng. Trẻ bị ốm không nên đưa tới lớp để tránh lây lan cho các bệnh nhân khác.

“Trẻ em là đối tượng “nhạy” với thời tiết nhất, nên rất dễ nhiễm bệnh. Vì thế, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra phản ứng cơ thế của trẻ. Trẻ cần được uống đủ nước và ăn đồ ăn dễ tiêu hoá, ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng, phòng bệnh”.
Theo Dân trí