Thai trứng: Nguy cơ tiến triển thành ung thư nhau
Thai trứng thường được phát hiện trong ba tháng đầu thai kỳ. Khi mang thai, mỗi gai nhau đều có tổ chức mô liên kết và mao mạch để dẫn máu nuôi dưỡng thai, xung quanh các mạch máu là lớp tế bào nuôi và hội bào.
Thai trứng là tình trạng thoái nước của các gai nhau: lớp tế bào nuôi và hội bào tăng sản hoặc loạn sản, mô liên kết và mạch máu không còn nữa sẽ biến thành những bọc nước. Bình thường, khoảng 80% thai trứng sẽ khỏi sau khi nạo lấy hết trứng, tuy nhiên 20% trường hợp thai trứng có thể tiến triển thành thai trứng xâm lấn tại tử cung hay ung thư nhau. Các tế bào ung thư có thể theo mạch máu di căn đến âm đạo, phổi, các cơ quan vùng chậu hay gan, não. ‘Mộ̣t khi bệnh thành ung thư, nếu phát hiện muộn, việc điều trị sẽ tốn kém, đôi khi dẫn đến tử vong’, PGS.TS Lê Hồng Cẩm, Phó chủ nhiệm bộ môn sản, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết. Những người có tiền sử thai trứng có nguy cơ bị thai trứng tái phát cao gấp 10-20 lần người có thai bình thường. Nếu bị thai trứng hai lần, nguy cơ bị tái phát gấp 40 lần. Hoặc những người có chế độ dinh dưỡng kém (thiếu carotene, axit folic, vitamin A), phụ nữ lớn tuổi khi có thai sẽ có nguy cơ cao hơn các đối tượng khác.
Nếu người mẹ lớn hơn 35 tuổi, nguy cơ gấp hai, trên 40 tuổi nguy cơ bị thai trứng gấp mười lần so với phụ nữ trong độ tuổi từ 25- 35. Bệnh không có dấu hiệu báo trước. Ngày nay nhờ sự tiến bộ của y học, thai trứng có thể được phát hiện sớm khi đi khám thai định kỳ trước khi có triệu chứng bất thường. Nếu còn ở giai đoạn thai trứng, sẽ chảy máu âm đạo bất thường, bụng to nhanh và lớn hơn nhiều so với tuổi thai, nghén nặng, chân phù nề sớm. Nhưng nếu chuyển thành ung thư thì ngoài các triệu chứng trên còn kèm các triệu chứng ở phổi như ho nhiều, ho ra máu, co giật do di căn lên não, hoặc chảy máu trong bụng.
Theo PGS.TS Lê Hồng Cẩm, do tỷ lệ biến thành ung thư nhau thai hay thai trứng xâm lấn khoảng 20% nên những bệnh nhân bị thai trứng cần được hút nạo càng sớm càng tốt. Muốn vậy, thai phụ nên đi khám thai định kỳ để phát hiện bệnh. Nếu bị thai trứng, sau khi hút nạo, bệnh nhân nên được theo dõi ít nhất 6-12 tháng, trong thời gian này người bệnh nên ngừa thai. Nếu đã đủ hai con, người phụ nữ nên dùng biện pháp ngừa thai hiệu quả, không nên sinh con khi lớn tuổi.
Thai đa ối: Nhiều biến chứng nguy hiểm
Bình thường lượng nước ối khoảng 500 – 1.000ml. Từ 1.000 – 2.000ml gọi là dư ối, nhưng khi nước ối vượt quá 2.000ml được gọi là đa ối. Đây là sự sản xuất quá mức nước ối hoặc do rối loạn hấp thu của nước ối. Nguyên nhân có thể từ mẹ hoặc thai nhi.
Nếu người mẹ mắc bệnh tiểu đường mà không được điều trị hiệu quả, khi mang thai dễ gặp tình trạng đa ối. Mẹ bị nhiễm trùng như giang mai, nhiễm toxoplasmose, nhiễm vi-rút như cytomegalovirus; hoặc người mẹ bị bất đồng nhóm máu mẹ con, mẹ bị cao huyết áp do thai gây nên tiền sản giật – sản giật… cũng làm tăng tình trạng đa ối. Thai nhi sẽ nuốt nước ối, lọc qua thận của mình và bài tiết ra ngoài giống như nước tiểu; rồi lại tiếp tục lặp lại chu kỳ. Nhưng khi thai nhi bất thường hệ thống thần kinh trung ương (vô sọ, khuyết tật ống nơron thần kinh), khuyết tật cấu trúc hệ tiêu hóa (hẹp vị môn, teo thực quản hoặc ống tiêu hóa), dị tật hở hàm ếch… thai nhi không thường xuyên nuốt nước ối một cách bình thường thì lượng nước ối sẽ tăng nhanh chóng, dẫn đến đa ối. Đa thai, đặc biệt song thai cùng trứng hay bất thường bánh nhau dây rốn như phù nhau thai, dây rốn có một động mạch… dị dạng thai nhi càng nhiều, càng nặng thì đa ối xuất hiện càng sớm. Triệu chứng lâm sàng gặp ở hai dạng, đa ối cấp và đa ối mãn, đa ối cấp ít gặp hơn.
Đa ối cấp: xảy ra ở ba tháng giữa thai kỳ, thường là dấu hiệu của song thai một trứng hay thai nhi dị dạng. Do nước ối phát triển nhanh trong vài ngày làm tử cung to, chèn ép vào cơ hoành nên bụng lớn nhanh và căng cứng, gây đau bụng khó thở, khó ngủ, đôi khi bị tím tái, tim đập nhanh, ói mửa, phù chân, phù âm hộ. Khám sẽ thấy bụng căng cứng, bề cao tử cung to rất nhiều so với tuổi thai…, có dấu hiệu sóng vỗ, khó sờ được phần thai, tim thai khó nghe. Siêu âm đo chỉ số ối > 25cm và phát hiện các bất thường thai nhi. Bệnh có thể làm vỡ ối sớm, dẫn đến sinh non trước tuần 28; hoặc phải chấm dứt thai kỳ nếu thai dị dạng nặng. Đa ối mãn: chiếm 95% trường hợp đa ối, xảy ra vào ba tháng cuối thai kỳ. Triệu chứng cũng là bụng to hơn so với tuổi thai, khó thở, nhịp tim nhanh. Tuy nhiên, dấu hiệu tiến triển chậm, người mẹ không đau nhiều, khó thở nhiều nên dễ thích nghi hơn đa ối cấp.
Dù đa ối cấp hay mãn thì cũng gây nhiều biến chứng cho thai nhi như: thai chết lưu, sa dây rốn, túi ối bị căng quá sẽ làm vỡ ối non, ngôi thai bất thường có thể dẫn đến sinh mổ; chuyển dạ kéo dài, gây khó sinh; hiện tượng co tử cung yếu gây đờ tử cung khiến sản phụ có nguy cơ bị băng huyết sau sinh. Không có phương pháp điều trị ngoài theo dõi người mẹ chặt chẽ. Nếu đa ối ảnh hưởng tới tổng trạng người mẹ (khó thở, phải nằm đầu cao mới thở được), có thể chọc ối để lấy bớt lượng nước ối qua thành bụng, tuy nhiên chọc ối có thể gây nguy cơ sinh non cao.
BS Lê Hồng Cẩm khuyến cáo: Để phòng ngừa đa ối, trước khi mang thai cần khám sức khỏe tổng quát, điều trị bệnh nội khoa như đái tháo đường cho ổn định, tầm soát và điều trị các bệnh nhiễm trùng, chích ngừa. Khi mang thai cần đi khám thai định kỳ, nếu có dấu hiệu bất thường trong thai kỳ, cần gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo Suckhoedoisong.vn