SUY DINH DƯỠNG: Cách nào nâng tầm vóc trẻ?

Cứ 10 năm, người Việt Nam chỉ cao thêm 1 cm, trong khi người Thái Lan tăng được 2 cm. Tại Việt Nam, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Người Việt vẫn thấp còi PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết chiều cao của người Việt thuộc loại thấp. Hiện chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ đạt 164 cm, thấp hơn 13,1 cm so với chuẩn; chiều cao trung bình của nữ là 154 cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn. So với thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, tầm vóc của thanh niên Việt Nam kém hơn. Các điều tra gần đây cho thấy cứ 10 năm, người Việt Nam chỉ tăng trung bình 1 cm chiều cao và ở những vùng có điều kiện kinh tế tốt hơn thì đạt được 1,5 cm; trong khi cùng thời gian này, người Thái Lan đạt 2 cm.

Ngoài ra, do thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh, của thanh niên Việt chỉ được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế. Nhiều bà mẹ đưa con đến các trung tâm tư vấn dinh dưỡng để có kiến thức thực hành chăm sóc trẻ tốt hơn Theo PGS-TS Mai, dù đời sống ngày càng khấm khá nhưng tỉ lệ trẻ thấp còi (chiều cao so với tuổi) vẫn còn chậm cải thiện.

Hiện nay, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi chiếm khoảng 25%. Như vậy, cứ 4 trẻ thì có 1 bị thấp còi. Thấp còi mang đến nhiều hậu quả như nguy cơ cao mắc bệnh mạn tính không lây; năng lực học tập, lao động thấp hơn các bạn cùng trang lứa. Khi lớn lên, người thấp còi có sức lực kém, ảnh hưởng đến năng suất lao động, cản đà phát triển của xã hội và gây tâm lý thiếu tự tin. Đây là vấn đề ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước. PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết chiều cao của người trưởng thành bị ảnh hưởng rất nhiều ở giai đoạn thơ bé. Nếu lúc bé không bị suy dinh dưỡng thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành có thể đạt 1,7 m nhưng nếu bị thấp còi thì cao nhất cũng chỉ là 1,58 m. “Vì thế, việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ giai đoạn thụ thai đến tuổi trưởng thành đều rất quan trọng” – PGS Lâm nhấn mạnh. Thiếu nhiều vi chất quan trọng Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng chính bất cập trong khẩu phần ăn hằng ngày – trong đó có tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng như: vitamin A, D, kẽm, sắt… – khiến người Việt không tận dụng hết tiềm năng phát triển chiều cao, sức bền… Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị thấp còi hiện nay.

Theo PGS-TS Mai, nhiều bà mẹ cho rằng để “kích” chiều cao cho con thì chỉ cần bổ sung canxi là đủ nhưng thực tế, khẩu phần canxi trong bữa ăn hằng ngày chỉ khoảng 49% nhu cầu của trẻ. Để hấp thu canxi, trẻ phải tiêu thụ vitamin D. Thiếu vitamin D, cơ thể không thể tạo ra hormone góp phần hấp thu canxi. Trong khi đó, khẩu phần ăn chỉ cung cấp 10%-20% nhu cầu vitamin D, còn 80%-90% nhu cầu của cơ thể không được đáp ứng. “Vitamin D không phải của thức ăn mà được lấy từ ánh nắng mặt trời nên khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ được tổng hợp thành vitamin D. Nếu các bà mẹ thực hành đúng việc tắm nắng cho con thì cơ thể sẽ được cung cấp vitamin D đầy đủ” – PGS-TS Mai khuyến cáo. PGS-TS Mai cho biết nguồn cung cấp canxi trong khẩu phần dễ nhất là từ sữa.

Thời gian qua, lượng sữa sử dụng của người Việt đã có xu hướng tăng nhưng bình quân mỗi người chỉ dùng 14 lít/năm, tương đương sữa sử dụng trong 1 tháng ở các nước châu Âu. Tuy vậy, bà Mai cho rằng vẫn còn nhiều cách bổ sung canxi, chẳng hạn sử dụng nhiều hơn các loại cá, tôm. Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý một trong những sai lầm thường gặp ở rất nhiều bà mẹ là việc ninh xương lấy nước rồi nấu cháo để tăng canxi cho trẻ. Thực tế, ăn xương không bổ xương như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi lẽ, khi xương được ninh nhừ, lượng canxi thôi ra rất ít mà nếu có thì đó cũng là canxi vô cơ, chất này không tốt cho sức khỏe của trẻ. Chất béo trong tủy xương ống là chất béo no khiến trẻ ăn vào bị đầy bụng, khó hấp thu các chất dinh dưỡng khác. 6.000 tỉ đồng nâng chiều cao người Việt Đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030” được Chính phủ phê duyệt thực hiện trong 20 năm đặt ra mục tiêu: Với nam 18 tuổi vào năm 2020 phải có chiều cao trung bình 167 cm và đến năm 2030, chỉ số này là 168,5 cm. Đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình là 156 cm và đạt 157,5 cm vào năm 2030. Chi phí thực hiện đề án khoảng 6.000 tỉ đồng, trong đó nghiên cứu và ứng dụng các yếu tố tác động đến thể lực, tầm vóc, chăm sóc dinh dưỡng, tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh 3-18 tuổi… Theo nhiều nghiên cứu, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và tầm vóc của con người: dinh dưỡng chiếm 31%, di truyền 23%, thể thao 20%, môi trường và tâm lý xã hội chiếm 26%.