Rượu và hố đen trí nhớ

RƯỢU VÀ HỐ ĐEN TRÍ NHỚ

blackout

Rượu có thể sinh ra những tổn thương trí nhớ chỉ sau vài ly, khi số lượng rượu tăng lên, cũng như mức độ tổn thương tăng lên. Rượu số lượng nhiều, đặc biệt khi uống nhanh và khi bụng đói, có thể sinh ra hố đen trí nhớ (blackout), tức là một khoảng thời gian mà người say không thể nhớ lại được những chi tiết chính của các sự kiện, hoặc thậm chí toàn bộ sự kiện.

Hố đen trí nhớ thường gặp ở những người thỉnh thoảng uống rượu và nên được xem là một hậu quả có thể có của ngộ độc cấp, bất kể tuổi tác hoặc bất kể người uống có bị bệnh nghiện rượu hay không. White và cs. nghiên cứu 772 sinh viên về chuyện hố đen trí nhớ và hỏi, “Có bao giờ bạn thức dậy sau một đêm nhậu nhẹt, không thể nhớ lại những việc bạn đã làm hoặc những nơi bạn đã đi?” Trong số các sinh viên này, 51% đã từng bị hố đen và 40% đã từng bị hố đen trong năm trước khi khảo sát. Đối với người đã có uống rượu trong 2 tuần trước khi khảo sát, 9,4% nói rằng họ đã bị hố đen trong thời gian này. Các sinh viên này sau đó thuật lại họ đã tham gia vào các hoạt động nhiều nguy cơ mà họ không thể nhớ được, bao gồm đập phá, quan hệ tình dục không an toàn và lái xe.
Số lượng nam và nữ báo cáo đã từng bị hố đen trí nhớ cao bằng nhau, dù nam nhậu nhẹt thường xuyên hơn và uống nhiều rượu hơn nữ. Kết quả này gợi ý rằng bất kể số lượng rượu uống, nữ – nhóm ít được nghiên cứu trong y văn về hố đen – có nguy cơ cao hơn nam trong việc bị hố đen. Khuynh hướng nữ dễ rơi vào hố đen hơn là do sự khác nhau trong việc chuyển hóa rượu giữa nam và nữ. Nữ cũng dễ mắc hơn nam các dạng tổn thương trí nhớ nhẹ, ngay cả khi nam và nữ cùng uống cùng một số lượng rượu.
Trần Thanh Xuân dịch