Phòng tránh hen suyễn khi mang thai

Hen suyễn là chứng bệnh về hô hấp có liên quan đến khả năng miễn dịch và điều kiện sống của thai phụ.

hen-suyen-khi-mang-thai

Nguyên nhân

Hen suyễn thường xuất hiện ở nhóm thai phụ có cơ địa dị ứng với các loại đồ vật: Len dạ, phấn hoa, thức ăn, lông chó (hoặc mèo), các loại hóa chất hoặc do thay đổi thời tiết…

Một số thai phụ mắc phải chứng bệnh này mà không có nguyên nhân cụ thể.

Mối nguy từ hen suyễn

Các loại thuốc điều trị hen suyễn vẫn chưa thực sự hiệu quả vì giới chuyên môn lo ngại ảnh hưởng của chúng tới sự phát triển của thai nhi.

Cũng có ý kiến cho rằng, chứng hen nhẹ không hề gây hại cho sức khỏe bà mẹ và em bé.

Những phụ nữ bị hen suyễn trong thời gian mang thai có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng chuyển dạ sớm – Kết quả của một cuộc nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường Đại học New Mexico.

Cụ thể, Giáo sư Ludmila Bakhireva và các cộng sự đã chỉ ra rằng, nhóm bà mẹ mắc hen suyễn có dấu hiệu chuyển dạ sớm hơn 11,6% so với nhóm các bà mẹ không mắc chứng bệnh này.

Ngoài ra, những bé có mẹ mắc hen suyễn còn có nguy cơ bị nhẹ cân hơn 6.2% so với nhóm bé không có mẹ mắc chứng bệnh này.

Bên cạnh đó, những bà mẹ mắc hen có xu hướng tiếp nhận được ít oxy cho cơ thể. Do đó, nếu chứng bệnh này không được kiểm soát, nó sẽ ngăn cản sự lưu thông của máu lên não và có thể gây nên hội chứng tiền sản giật cho thai phụ.

Phương pháp phòng tránh

Trong suốt thời kỳ mang thai, phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ mắc hen suyễn nên đi khám theo định kỳ, tối thiểu 3 tháng một lần.

Nếu thai phụ mắc chứng hen mãn tính, tần suất khám thai nên duy trì đều đặn hơn, khoảng 1 tháng một lần.

Quý III của thai kỳ khi thai lớn, người mẹ càng nên đi khám nhiều hơn để ngăn ngừa các biến chứng xấu như thai nhỏ quá hoặc thai bị thiếu oxy…

Thai phụ tuyệt đối tránh xa khói thuốc lá: Khói thuốc ảnh hưởng lớn đến bé. Với bà mẹ mắc hen có thói quen hút thuốc (hoặc sống trong môi trường nhiều khói thuốc), thai nhi dễ phải đối mặt với những nguy cơ dị tật phổi ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Thai phụ nên tránh những tác nhân gây hen suyễn như các loại lông chó, mèo trong nhà hoặc các yếu tố nguy cơ khác. Đồng thời, người mẹ nên thường xuyên vệ sinh môi trường sống thật sạch sẽ và trong lành. Cách ly hoàn toàn với khu vực ô nhiễm, đặc biệt trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Thai phụ nên tránh tiếp xúc với nhóm người bị cảm cúm bởi vì các dấu hiệu của cảm cúm có thể bao gồm tình trạng ho và đau họng – khiến chứng bệnh hen suyễn càng nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.

Thai phụ nên duy trì một chế độ vận động hợp lý. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, vận động đều đặn có thể làm dịu được các cơn hen. Tuy nhiên, người mẹ nên kiểm soát chế độ luyện tập hoặc giảm cường độ vận động nếu chứng bệnh này có chiều hướng xấu đi.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, việc thiếu vitamin C kết hợp với tình trạng ô nhiễm không khí làm gia tăng tỷ lệ mắc hen suyễn ở thai phụ. Vì vậy, thai phụ nên tăng cường các loại thực phẩm chứa vitamin C trong khẩu ăn hàng ngày như các loại rau màu xanh sẫm, các loại quả họ cam, chanh… Ngoài ra, thai phụ mắc hen suyễn cũng nên bổ sung các loại thực phẩm chứa Omega 3 như cá, hạt hướng dương, vừng… Axit omega 3 có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm tự nhiên, rất hữu ích để cải thiện cơn hen và hỗ trợ hệ hô hấp.

Điều trị

Bác sĩ sẽ kê đơn tùy vào tình trạng bệnh riêng của mỗi thai phụ. Đơn thuốc sẽ dựa trên tiền sử, tiến triển thực tế của bệnh, sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của em bé trong bụng. Thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm được nhiều bác sĩ sử dụng như phương thức chống hen.

Kiểm tra tình trạng hen suyễn trong quá trình chuyển dạ: Bác sĩ sẽ dựa vào biểu đồ điều trị hen suyễn trước đó để quyết định xem liệu có nên tiếp tục cho thai phụ dùng thuốc trong quá trình chuyển dạ hay không. Sau đó, thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng thai nhi và đưa ra quyết định cuối cùng nếu tình trạng hen suyễn ở thai phụ có dấu hiệu trầm trọng hơn. Một số loại thuốc đang dùng tỏ ra không hiệu quả, do đó, bác sĩ có thể đổi loại thuốc đặc biệt để khống chế hen suyễn trong quá trình chuyển dạ.

* Lưu ý: Việc kê đơn và sử dụng thuốc hoàn toàn phải theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.