Rất khó mà ngồi một chỗ để cố gắng không làm một việc gì đó, hoặc thậm chí không nghĩ đến nó. Sẽ dễ hơn nhiều nếu tích cực và làm một việc gì khác – khác với hành động mà ta đang cố gắng tránh né.
Nhậu cũng vậy. Chỉ đơn giản cố gắng tránh nhậu (hoặc không nghĩ đến nó), bản thân việc này dường như không đủ. Dĩ nhiên càng nghĩ nhiều đến ly rượu mình cố gắng tránh, chúng ta càng bị nó ám ảnh. Như thế không tốt. Nên bận bịu với chuyện khác, bất cứ là chuyện gì, sử dụng đầu óc và sử dụng sức lực có lợi cho sức khỏe.
Hàng ngàn chúng tôi tự hỏi không biết sẽ làm gì cho hết thì giờ một khi ngưng nhậu. Chắc rằng khi chúng tôi ngưng nhậu, tất cả thì giờ chúng tôi từng dùng để lập kế hoạch, lấy rượu, uống và hồi phục sau cơn say, đột ngột trở nên to lớn, trống rỗng, cần phải được lấp đầy.
Hầu hết chúng tôi phải đi làm. Nhưng dù vậy, vẫn có những giờ những phút dài lê thê, trống rỗng. Chúng tôi cần những thói quen hoạt động mới để lấp đầy những khoảng trống này và sử dụng năng lượng tinh thần vốn trước đây tiêu tốn vào việc nghĩ ngợi, ám ảnh về chuyện nhậu.
Ai đã từng cố gắng phá vỡ một thói quen biết rằng thay thế bằng một hoạt động mới lạ dễ hơn là chấm dứt một hoạt động cũ và không có gì thế chỗ.
Người nghiện rượu đã hồi phục thường nói: “Ngưng nhậu một mình nó không đủ.” Chỉ ngưng nhậu thôi là một việc tiêu cực, vô bổ. Kinh nghiệm của chúng tôi đã chứng minh điều ấy rõ ràng. Để giữ ngưng nhậu được, chúng tôi thấy rằng phải thay chỗ nhậu bằng một chương trình hành động tích cực. Chúng tôi phải học cách sống tỉnh rượu.
Sự sợ hãi có lẽ từ ban đầu đã thúc đẩy một số chúng tôi xem xét đến khả năng mình uống rượu có vấn đề. Và sau một thời gian ngắn, chỉ sợ hãi thôi đã giúp một số chúng tôi không uống. Nhưng sợ hãi không phải là một tình trạng vui vẻ hoặc thoải mái để giữ được dài. Do đó chúng tôi cố gắng nghĩ về rượu một cách lành mạnh hơn, như người ta nghĩ về cyanid, iodine, hay một chất độc bất kỳ nào, thay vì sợ nó. Không phải canh cánh lo sợ những chất độc này, đa số chúng tôi quan tâm đến những việc chúng tôi có thể làm cho cơ thể mình và có đủ tỉnh táo để không uống rượu. Chúng tôi trong A.A. bây giờ có cùng hiểu biết này về rượu, về cách đối xử với rượu. Nhưng dĩ nhiên, hiểu biết này căn cứ trên kinh nghiệm của chính mình, không phải nhìn vào đầu lâu và xương tréo trên nhãn.
Không thể dựa vào sợ hãi để vượt qua những giờ trống rỗng này mà không uống rượu, vậy chúng tôi có thể làm gì?
Chúng tôi đã tìm thấy nhiều loại hoạt động hữu ích và sinh lợi, ít nhiều khác nhau. Sau đây là hai loại theo thứ tự hiệu quả mà chúng tôi đã trãi qua.
A. Hoạt động trong và chung quanh A.A.
Khi những hội viên A.A. nhiều kinh nghiệm nói đã thấy rằng “trở nên tích cực” giúp họ vượt qua bệnh nghiện rượu, họ thường muốn nói tích cực trong và chung quanh A.A.
Nếu muốn, bạn có thể thực hiện ngay cả trước khi bạn quyết định có muốn trở thành hội viên A.A. hay không. Bạn không cần ai cho phép hay mời mọc.
Thực ra, trước khi bạn quyết định về chuyện nhậu, có lẽ nên dành một ít thời gian chung quanh A.A. Đừng lo ngại – chỉ ngồi và quan sát những buổi họp A.A. không khiến bạn trở thành người nghiện rượu hoặc trở thành hội viên A.A., giống như ngồi tại chuồng gà không biến bạn thành con gà. Bạn có thể “thử khan” hoặc “tập khoác áo” A.A. trước, rồi mới quyết định “gia nhập” hay không.
Những hoạt động chúng tôi thường tham gia lúc ban đầu trong A.A. có vẻ chẳng quan trọng, nhưng kết quả lại đáng giá. Chúng tôi có thể gọi những việc này là “phá băng” bởi vì chúng khiến chúng tôi dễ chịu hơn khi chung quanh toàn người không quen biết.
Khi các buổi họp A.A. kết thúc, bạn thường để ý thấy một số người bắt đầu dẹp ghế xếp, hoặc đổ gạt tàn thuốc, hoặc mang những tách trà và tách cà phê trống vào bếp.
Hãy cùng làm. Bạn có lẽ ngạc nhiên về ảnh hưởng của những việc có vẻ nhỏ này lên bạn. Bạn có thể giúp rửa tách và bình pha cà phê, dọn sách vở và lau nhà.
Giúp đỡ bằng những việc tay chân nhẹ nhàng này không có nghĩa là bạn trở thành người vệ sinh hoặc người giúp việc của nhóm. Không phải vậy. Nhiều năm làm và nhìn bạn bè hội viên làm, chúng tôi biết rằng mọi người khỏi bệnh một cách hạnh phúc trong A.A. đều đã luân phiên dọn-và-dẹp. Chúng tôi thấy kết quả của những công việc này cụ thể, hữu ích và thường là đáng ngạc nhiên.
Thực ra, nhiều người chúng tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái trong A.A. chỉ khi bắt đầu giúp làm những việc đơn giản này. Và chúng tôi càng dễ chịu hơn và bỏ nhậu hoặc bỏ nghĩ đến nhậu lâu hơn, khi chúng tôi nhận một trách nhiệm nhỏ, nhưng cụ thể, đều đặn – như bưng nước, giúp chuẩn bị và đi mời nước, đón khách hoặc những việc cần thiết khác. Chỉ cần nhìn người khác, bạn sẽ biết cần phải làm gì để chuẩn bị cho buổi họp A.A. và dọp dẹp sau đó.
Dĩ nhiên không ai bị bắt buộc phải làm những chuyện như vậy. Trong A.A. không ai từng bị buộc phải làm chuyện này hoặc bị buộc không làm chuyện nọ. Nhưng những việc đơn giản, nhỏ bé này và việc cam kết (chỉ với chính mình) thực hiện chân thành đã và vẫn có những ảnh hưởng tốt đẹp không ngờ đến nhiều người chúng tôi. Chúng góp phần nào vào việc tỉnh rượu của chúng tôi.
Khi bạn ngồi quanh nhóm A.A., bạn sẽ quan sát thấy những việc cần làm khác. Bạn sẽ nghe người thư ký thông báo và thấy người thủ quỹ nhận khay tiền đóng góp. Phục vụ một trong những việc này khi bạn đã tích lũy được một số thời gian không uống rượu (khoảng 90 ngày, trong đa số các nhóm) là một cách tốt để lấp đầy một phần thời gian trước đây dùng để nhậu.
Khi bạn thích những “công việc” này, hãy bắt đầu đọc quyển “Nhóm A.A.”. Nó giải thích việc làm của “sĩ quan”, và họ được chọn bằng cách nào.
Trong A.A., không một ai là “cấp trên” hoặc “cấp dưới” của bất kỳ ai. Không có giai cấp hoặc tầng lớp hoặc thứ bậc giữa những hội viên. Không ai có bất kỳ quyền điều hành chính thức nào. A.A. không phải là một tổ chức theo nghĩa thông thường. Thay vì vậy, nó là một hội ái hữu của những người bình đẳng. Mọi người gọi nhau bằng tên riêng. Hội viên A.A. thay phiên đảm nhiệm những việc cần thiết để hội họp và những công việc khác.
Không cần có kỹ năng hoặc được huấn luyện chuyên nghiệp. Ngay cả nếu bạn chưa từng là hội viên, hoặc là chủ tịch, hoặc là thư ký, bạn – như hầu hết chúng tôi – cũng thấy rằng trong nhóm A.A., các công việc dễ dàng và chúng mang đến cho bạn những điều tuyệt diệu. Chúng xây dựng nền tảng vững chắc cho sự khỏi bệnh của bạn.
Sau đây là loại hoạt động thứ hai giúp giữ bạn tránh khỏi nhậu nhẹt.
B. Hoạt động không liên hệ đến A.A.
Thật lạ lùng, nhưng đúng sự thật là một số chúng tôi khi đầu tiên ngưng nhậu có vẻ trải qua một giai đoạn tạm thời mất suy nghĩ sáng tạo.
Thật lạ lùng bởi vì trong những ngày nhậu nhẹt, rất nhiều chúng tôi tỏ rõ những năng lực sáng tạo hầu như không thể tin được. Trong vòng không tới một tuần, chúng tôi có thể nghĩ ra tức thời nhiều lý do (bào chữa?) để nhậu hơn số lý do của hầu hết người ta sử dụng cho tất cả các mục đích khác trong cả đời. (Nhân đây, rõ ràng như một qui luật là người uống rượu bình thường – nghĩa là không phải người nghiện – không bao giờ cần đến một giải thích đặc biệt nào cho việc uống hay không uống rượu!)
Khi không cần tự đưa lý do để nhậu nữa, thường có vẻ đầu óc chúng tôi đình công ngồi. Một số chúng tôi không thể nghĩ ra việc nào không nhậu để làm! Có lẽ bởi vì chúng tôi đã mất thói quen. Hoặc có lẽ đầu óc cần một giai đoạn nghỉ ngơi để hồi phục sau khi ngừng nhậu nhẹt tích cực. Dù trong trường hợp nào, sự trì độn sẽ qua đi. Sau một tháng đầu tiên tỉnh rượu, nhiều chúng tôi nhận thấy sự khác biệt rõ rệt. Sau ba tháng đầu óc có vẻ vẫn rõ ràng hơn. Và sang năm thứ hai, sự thay đổi đáng kinh ngạc. Năng lực trí tuệ có vẻ dồi dào hơn bất kỳ lúc nào khi trước.
Nhưng trong thời gian cai rượu đầu tiên dài như vô tận, bạn sẽ nghe một số chúng tôi hỏi “Làm cái gì đây?”
Danh sách sau đây chỉ là phần khởi động để sử dụng trong thời gian này. Nó chẳng quá hồi hộp, phiêu lưu, nó bao gồm các loại hoạt động nhiều chúng tôi đã từng sử dụng để lấp đầy những giờ rảnh rỗi khi chúng tôi không đi làm hoặc ở cùng với người không nhậu. Chúng tôi biết chúng hiệu quả. Chúng tôi thực hiện những việc như là:
1. Đi bộ – nhất là đến nơi lạ, trong công viên hoặc ở nông thôn. Lang thang một cách nhàn nhã, nhẹ nhàng, không đi gắng sức.
2. Đọc – dù một số chúng tôi khá vô tâm nếu phải cố gắng đọc những gì cần nhiều tập trung.
3. Viếng viện bảo tàng và triển lãm nghệ thuật.
4. Thể thao – bơi lội, đánh golf, chạy bộ, yoga, hoặc một loại thể thao khác theo lời khuyên của bác sĩ.
5. Khởi đầu làm những việc bị bỏ quên từ lâu – vệ sinh hộc bàn, sắp xếp giấy tờ, trả lời vài bức thư, treo tranh, hoặc một việc tương tự vốn bị chúng tôi trì hoãn.
Tuy nhiên, chúng tôi thấy quan trọng là không làm quá sức. Dự định vệ sinh toàn bộ các tủ (hoặc cả tầng áp mái, hoặc nhà xe, hoặc nhà hầm, hoặc căn hộ) nghe đơn giản. Tuy nhiên, sau một ngày lao động cực nhọc, chúng tôi có thể kiệt sức, dơ bẩn, chưa hoàn tất và mất hứng thú. Chúng tôi thường khuyên nhau: Chia dự định thành nhiều việc nhỏ hoàn tất được. Bắt đầu không phải sắp xếp nhà bếp hoặc vệ sinh tủ giấy tờ, mà chỉ vệ sinh một ngăn tủ hoặc một kệ. Ngày khác làm tiếp món khác.
6. Tìm món giải trí mới – không đắt tiền hoặc đòi hỏi cao, chỉ là trò vui nhàn nhã mà chúng tôi không cần phải xuất sắc hoặc thắng cuộc, chỉ để giải trí. Nhiều chúng tôi đã chọn những món chưa bao giờ nghĩ tới, như là đánh bài, đan, xem nhạc kịch, câu cá, đóng đồ gỗ, thêu, chơi dã cầu, viết văn, ca hát, ô chữ, nấu ăn, nuôi chim, đóng kịch nghiệp dư, làm đồ da thủ công, làm vườn, bơi thuyền, đàn ghi ta, xem phim, khiêu vũ, điêu khắc, trồng cây kiểng, sưu tầm vật này vật kia. Nhiều chúng tôi bây giờ thấy thật sự thích thú những món trước đây thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến.
7. Xem lại vật dụng cũ, trừ cái đã biết. Có thể đâu đó có một bộ màu nước bạn cả năm không chạm đến, một bộ đồ thêu, một phong cầm, một vợt bóng bàn, hoặc bộ cờ, bộ sưu tập băng hình, hoặc ghi chú của một tiểu thuyết. Đối với một số chúng tôi, thật đáng để bới chúng ra, lau bụi và sử dụng lại. Nếu bạn cho rằng chúng không còn cần thiết nữa, hãy bỏ đi.
8. Đi học. Có bao giờ bạn ước mong nói được tiếng Hoa hay tiếng Nga? Có thích lịch sử hay toán? Có hiểu khảo cổ học hay nhân học? Các lớp học từ xa, học qua ti vi, hoặc lớp dành cho người lớn (để giải khuây, không nhất thiết lấy bằng) mỗi tuần một lần thường sẵn có đâu đó. Tại sao không thử? Nhiều chúng tôi thấy một lớp học như vậy không chỉ bổ sung một khía cạnh mới của cuộc sống, mà còn đưa đến một sự nghiệp hoàn toàn mới.
Tuy nhiên nếu việc học trở nên nặng nề, đừng do dự, hãy chấm dứt ngay. Bạn có quyền thay đổi ý kiến và dứt bỏ bất cứ cái gì phiền toái
không đáng. “Dứt bỏ” có thể cần phải can đảm và thật tốt đẹp khi dứt bỏ cái gì không có lợi hoặc không góp thêm gì vào mặt mới tích cực, vui thú hoặc khỏe mạnh của chúng tôi.
9. Tình nguyện phục vụ công ích. Rất nhiều bệnh viện, nhà trẻ, nhà thờ và các viện, các hội thiết tha mong người tình nguyện trong tất cả các loại hoạt động. Có nhiều chọn lựa, từ đọc cho người khiếm thị đến dán phong bì cho nhà thờ, thu thập chữ ký tranh cử. Tìm ở bất cứ bệnh viện, nhà thờ, cơ quan nhà nước hoặc câu lạc bộ dân sự nào gần nhà để biết dịch vụ nào đang cần. Chúng tôi thấy hài lòng về bản thân hơn khi góp phần dù nhỏ vào lợi ích của đồng loại. Thậm chí chính việc tìm kiếm các dịch vụ này cũng mang lại kiến thức và hứng thú.
10. Cải thiện bề ngoài. Đa số chúng tôi để mình cẩu thả. Mái tóc mới, quần áo mới, mắt kiếng mới hoặc ngay cả răng mới mang lại vui thú lạ lùng. Thường chúng tôi đã từng muốn như vậy và những tháng chúng tôi bắt đầu cai rượu có vẻ là một thời gian tốt để thực hiện.
11. Hãy cứ làm chuyện vô bổ! Không phải mọi chuyện làm của chúng tôi đều là cố gắng cải thiện bản thân, dù bất kỳ cố gắng nào loại ấy cũng quí báu và giúp ta tự trọng hơn. Nhiều người chúng tôi thấy là quan trọng để cân bằng những thời kỳ căng thẳng bằng những việc chỉ để giải trí. Bạn có thích bóng đá? Vườn thú? Thổi kẹo cao su? Phim? Nhạc? Chuyện khoa học viễn tưởng hoặc trinh thám? Tắm nắng? Trượt tuyết? Nếu không, tìm một việc gì khác không nhậu, không mang lại lợi ích gì ngoài giải trí thuần túy và vui thú “khan”. Bạn đáng được hưởng.
12………………………………………………………………………………
Tự điền vào khoảng trống này. Mong rằng danh sách kể trên gợi ý bạn một công việc gì khác hẳn tất cả những gì liệt kê phía trên… Nó có hiệu quả? Tốt! Cứ thực hiện.
Tuy nhiên để ý một điều. Một số chúng tôi có khuynh hướng tham công tiếc việc và cố gắng làm nhiều thứ một lúc. Chúng tôi có một cái thắng tốt, bạn sẽ đọc ở phần sau. Nó gọi là “Từ từ thôi.”
Nguồn: Living sober – Alcoholics Anonymous
Trần Thanh Xuân dịch