Điều trị dự phòng – cách chữa bệnh hen tốt nhất

Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen suyễn làm tiêu tốn khoảng 500 USD tiền điều trị cho mỗi người/năm. Riêng Việt Nam hiện có hơn 4 triệu người mắc bệnh hen (chiếm khoảng 5% dân số) với chi phí điều trị trung bình 301 USD/người/năm và ít nhất 3.000 người chết vì bệnh hen/năm.

Đáng lưu ý, số trẻ dưới 4 tuổi có 6-8% mắc hen. Học sinh nội thành có gần 13% mắc hen. Tỷ lệ này thấp hơn trong số các học sinh ngoại thành nhưng vẫn ở mức xấp xỉ 10%… Tuy nhiên, việc điều trị dự phòng và cắt cơn cho phần lớn những bệnh nhân này còn nhiều hạn chế từ phía các bệnh nhân và cả thầy thuốc.

dieu-tri-du-phong-hen-suyen

Bước tiến mới trong chương trình kiểm soát hen triệt để

Chương trình kiểm soát hen triệt để (gọi tắt là GOAL – Gaining Optimal Athma Control) là một bước tiến mới trong chương trình phòng chống hen toàn cầu (GINA). Đây là mô hình kiểm soát hen mới nhất, hiệu quả nhất tại cộng đồng và gia đình theo hướng lấy điều trị dự phòng làm chủ yếu. Mô hình này đã được các giáo sư đầu ngành của 7 nước trên thế giới công nhận qua thử nghiệm với hơn 5.000 bệnh nhân ở 326 trung tâm tại 44 nước và hiện đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng.

Chương trình được đặt ra theo 6 mục tiêu: không có biểu hiện của hen; không nhập viện, không cấp cứu; không dùng thuốc cắt cơn; không nghỉ việc, không nghỉ học; lưu lượng đỉnh gần như bình thường (khoảng 80%); không có tác dụng phụ do thuốc. Toàn bộ tiêu chí đó phải được duy trì liên tục ít nhất 7-8 tuần (giai đoạn 1) và kéo dài đến tuần thứ 56 (giai đoạn 2), ngăn chặn khả năng tái phát hen trong một thời gian dài.

Để đạt được đủ 6 mục tiêu trên cần điều trị dự phòng hen bằng các loại thuốc phối hợp điều trị hoặc Corticoid dạng khí dung (gọi tắt là ICS) như: Becotide, Pulmicort, Flixotide theo phác đồ điều trị 4 bậc trong vòng 3 tháng. Kết quả mà GOAL đạt được rất đáng khích lệ: 44% bệnh nhân hen đạt mục tiêu kiểm soát hen triệt để, 40% số bệnh nhân khác kiểm soát hen tốt (đạt được cả 6 tiêu chí), trong khi chương trình phòng chống hen toàn cầu trước đây mới chỉ đạt 5% số bệnh nhân hen được kiểm soát tốt.

Mặt khác, kết quả nghiên cứu với thuốc điều trị dạng phối hợp (Seretide) ở bệnh nhân hen Việt Nam cũng cho kết quả đáng khích lệ. Sau 3 tháng điều trị, số bệnh nhân hen có triệu chứng giảm từ 75% xuống 4,5%; số ngày có triệu chứng hen từ 45 ngày xuống còn 1,5 ngày; hạn chế về thể lực từ 28,7% xuống còn 1,5%; không có trường hợp phải cấp cứu; 95,5% bệnh nhân hen không còn phải dùng thuốc cắt cơn hen, không có bệnh nhân nào phải nghỉ học, nghỉ làm. Đa số các bệnh nhân tham gia điều trị đều có chung nhận xét về thuốc dự phòng hen dạng phối hợp rất thuận tiện và hiệu quả.

95% bệnh nhân không biết bệnh hen suyễn có thể chữa được

GS. TSKH Nguyễn Năng An (Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng miễn dịch lâm sàng Việt Nam) đã đánh giá như vậy về tình hình bệnh hen ở cộng đồng nước ta. Đa phần những bệnh nhân này không biết bệnh hen có thể kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh thiếu hiểu biết về bệnh lý và cách phòng bệnh, đánh giá thấp biểu hiện và mức độ nguy hiểm của bệnh, thiếu những thông tin cập nhật cần thiết. Bản thân các y, bác sĩ cũng chưa nắm vững những kiến thức cơ bản của phương pháp điều trị mới, chưa có phác đồ điều trị thống nhất cho cả nước, đặc biệt là cho người bệnh hen ở vùng sâu, vùng xa. Người bệnh chưa ý thức được việc chữa hen chủ yếu phải chữa dự phòng chứ không phải là chữa cắt cơn. Nhiều bệnh nhân hen không tuân thủ chặt chẽ quy trình điều trị dự phòng mà đợi lúc bệnh nặng lại lạm dụng thuốc cắt cơn, không có thói quen dùng thuốc Corticoid dạng khí dung để điều trị dự phòng. Nguyên nhân một phần do giá thuốc dự phòng khá cao nên một số bệnh nhân tự giảm liều lượng cho mình bằng việc chỉ thuốc 1 lần/1 ngày, mỗi lần chỉ xịt 1 nhát, trong khi đáng lẽ phải xịt 2 lần/ngày và mỗi lần phải xịt 2 nhát thuốc. Đây là trở ngại lớn tạo nên khoảng cách giữa thực trạng và triển vọng to lớn trong việc kiểm soát bệnh hen tại cộng đồng ở Việt Nam.

Tuy giá các loại thuốc dự phòng cao nhưng thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị cấp cứu ở bệnh viện. Kết quả phân tích cho thấy một bệnh nhân hen nếu được khám định kỳ và điều trị thuốc dự phòng theo phác đồ 3 tháng (Seretide giá 260.000 đồng/lọ, thuốc Corticoid dự phòng Flixotide giá hơn 100.000 đồng/lọ, Becotide 70-80 ngàn đồng/lọ…) thì chỉ dùng hết khoảng 2-3 triệu đồng/năm. Còn nếu không điều trị dự phòng, mỗi lần lên cơn hen phải vào bệnh viện 10 ngày sẽ chi phí ít nhất 3 triệu đồng/người do phải dùng nhiều loại thuốc cấp cứu, chưa kể còn những tổn thất khác do phải nghỉ làm, nghỉ học, suy nhược sức khỏe…

Câu lạc bộ phòng chống hen Hà Nội được biết đến là một trong những đơn vị áp dụng có hiệu quả mô hình GOAL trên toàn quốc. 250 hội viên của CLB đã được hướng dẫn thực hiện chương trình kiểm soát hen triệt để. Mỗi thành viên CLB có phác đồ điều trị rõ ràng, định kỳ đo lưu lượng đỉnh, ghi chép nhật ký hàng ngày, khám đủ các lần quy định và quan trọng là dùng thuốc dự phòng Seretide. Chị Hoàng Thị Quế, hội trưởng hội viên CLB cho biết chị bị hen cách đây 15 năm, đã điều trị nhiều nơi nhưng đều không có kết quả, bệnh ngày một nặng thêm, có thời kỳ phải ngồi xe lăn… Từ ngày sinh hoạt tại CLB, được thường xuyên đo lưu lượng đỉnh và tự kiểm soát được căn bệnh của mình nên đã 2 năm nay chị không phải nhập viện. Chị Nguyễn Thị Hòa (50 tuổi, ở tại 23 Thúy Ái 1, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị hen rất nặng từ hơn 15 năm nay, phải nhập viện liên tục, một tháng có khi phải vào viện 2-3 lần nên các y, bác sĩ trong bệnh viện Bạch Mai hầu như đã “nhẵn mặt” chị. Gần 4 năm nay, tham dự đều đặn 36 buổi sinh hoạt tại CLB, được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc dự phòng Seretide và Ventoline… bệnh tình của chị dần dần ổn định. Hơn 1 năm qua, chị chưa phải nhập viện và bắt đầu tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày – điều mà trước đây chị không thể làm được.

Thêm một tin vui mới cho các bệnh nhân hen, nhất là đối với những bệnh nhân nghèo, bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện tuyến trên đã chính thức đưa thuốc Seretide vào danh mục bảo hiểm y tế cho bệnh nhân. Điều này sẽ giúp các bệnh nhân giảm bớt một phần khó khăn để tiếp tục yên tâm, kiên trì điều trị căn bệnh của mình.

(Theo TTXVN)