ĐIỀU TRỊ COPD
Một kế hoạch điều trị COPD hữu hiệu bao gồm bốn thành phần: (1) đánh giá và theo dõi bệnh; (2) làm giảm các yếu tố nguy cơ; (3) điều trị COPD đang ổn định; (4) điều trị các đợt kịch phát.
Mục tiêu của điều trị COPD hữu hiệu là:
Ngăn ngừa bệnh tiến triển
Giảm nhẹ các triệu chứng
Cải thiện mức chịu đựng vận động
Cải thiện tình trạng sức khỏe
Ngăn ngừa và điều trị các biến chứng
Ngăn ngừa và điều trị các đợt kịch phát
Giảm tỷ lệ tử vong
Những mục tiêu này nên đạt được với các tác dụng phụ của điều trị ở mức tối thiểu, một thách thức đặc biệt ở những bệnh nhân COPD vốn thường mắc phải những tật bệnh đi kèm. Mức độ đạt được những mục tiêu này thay đổi theo từng cá nhân và một số điều trị sẽ đem đến lợi ích trong nhiều mục tiêu. Khi lựa chọn kế hoạch điều trị, lợi ích và nguy cơ đối với từng cá nhân và chi phí trực tiếp, gián tiếp đối với cộng đồng phải được xem xét. Các bệnh nhân nên được xác định trước giai đoạn cuối cùng của bệnh, khi thương tật đã nặng nề. Tuy nhiên, lợi ích của tầm soát bằng hô hấp ký trên tổng dân số hoặc trên người hút thuốc vẫn không rõ ràng. Lĩnh vực chủ yếu của chăm sóc sức khỏe công cộng đối với bệnh này là giáo dục người bệnh và thầy thuốc để nhận biết rằng ho, có đàm và đặc biệt là khó thở không phải là những triệu chứng nhẹ.
Bình thường, giảm điều trị khi đã kiểm soát được triệu chứng không khả thi trong COPD. Chức năng phổi tiếp tục xấu đi thường đòi hỏi phải đưa ra liên tục nhiều điều trị hơn, cả dùng thuốc lẫn không dùng thuốc, để cố gắng giới hạn tác động của những thay đổi này. Các đợt kịch phát dấu hiệu và triệu chứng, một đặc điểm của COPD, làm tổn hại chất lượng cuộc sống của người bệnh và làm giảm tình trạng sức khỏe của họ. Các điều trị và biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các đợt kịch phát tiếp theo nên được áp dụng càng nhanh càng tốt.
Thành phần 1: Đánh giá và theo dõi bệnh
Chẩn đoán COPD được dựa vào tiền sử phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ và có hạn chế thông khí không hồi phục hoàn toàn, có hoặc không có các triệu chứng.
Các bệnh nhân có ho dai dẵng và có đàm với tiền sử phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ nên được thử nghiệm tìm hạn chế thông khí cho dù họ không bị khó thở.
Đối với chẩn đoán và đánh giá COPD, hô hấp ký là tiêu chuẩn vàng, bởi vì nó là phương pháp dễ lập lại nhất, tiêu chuẩn nhất và khách quan nhất để đo hạn chế thông khí. FEV1/FVC < 70% và FEV1 < 80% dự đoán sau thử thuốc dãn phế quản xác định sự hiện diện của hạn chế thông khí không hồi phục hoàn toàn.
Nhân viên y tế có liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân COPD nên tiếp cận hô hấp ký.
Đo áp suất khí máu động mạch nên được xem xét trong tất cả các bệnh nhân với FEV1 < 40% dự đoán hoặc có các dấu hiệu lâm sàng gợi ý đến suy hô hấp hoặc suy tim phải.
Thành phần 2: Giảm các yếu tố nguy cơ
Giảm tổng phơi nhiễm cá nhân đối với khói thuốc lá, các bụi và hóa chất nghề nghiệp, các ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời là các mục tiêu quan trọng để ngăn ngừa sự khởi phát và tiến triển của COPD.
Ngưng hút thuốc là phương pháp riêng lẻ hữu hiệu nhất và tiết kiệm nhất để làm giảm nguy cơ khởi phát COPD và chấm dứt sự tiến triển của nó. Điều trị nghiện thuốc lá đơn giản là có hiệu quả và mọi người hút thuốc lá ít nhất nên được chào mời điều trị mỗi lần gặp nhân viên y tế.
Ba loại tư vấn đặc biệt hữu hiệu là: tư vấn, hỗ trợ xã hội như là một phần điều trị và hỗ trợ xã hội được tổ chức ngoài điều trị.
Có một số điều trị bằng thuốc hữu hiệu đối với nghiện thuốc lá và ít nhất một trong số những thuốc này nên được thêm vào khi tư vấn nếu cần và khi không có chống chỉ định.
Sự tiến triển của nhiều bệnh hô hấp do nghề nghiệp có thể được làm giảm và được kiểm soát thông qua nhiều cách khác nhau, có mục đích làm giảm gánh nặng của các thành phần và các khí hít vào.
Thành phần 3: Điều trị COPD đang ổn định
Phương pháp tổng quát để điều trị COPD đang ổn định nên được xác định bằng việc tăng điều trị từng bước, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Đối với bệnh nhân COPD, giáo dục sức khỏe có thể giữ một vai trò trong việc cải thiện các kỹ năng, khả năng để thích ứng với bệnh và tình trạng sức khỏe. Nó có hiệu quả trong việc đạt được các mục tiêu nào đó, bao gồm ngưng hút thuốc lá.
Không có một thuốc nào dành cho COPD hiện nay được chứng minh là thay đổi được sự suy giảm về sau này của chức năng phổi, vốn là một đặc điểm của bệnh này. Do đó, điều trị COPD bằng thuốc được sử dụng để làm giảm các triệu chứng và các biến chứng.
Các thuốc dãn phế quản là trung tâm của điều trị triệu chứng của COPD. Chúng được cho theo nhu cầu hoặc đều đặn để ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng.
Các điều trị dãn phế quản chính gồm đồng vận 2, kháng choline, theophylline và kết hợp một hoặc nhiều loại thuốc này.
Điều trị đều đặn với glucocorticoid dạng hít chỉ nên được cho những bệnh nhân COPD có triệu chứng, có đáp ứng với glucocorticosteroid ghi nhận được qua hô hấp ký, hoặc cho những người FEV1 <50% dự đoán và có các đợt cấp cần phải điều trị bằng kháng sinh hoặc glucocorticosteroid dạng uống.
Nên tránh điều trị lâu dài với glucocorticosteroid toàn thân do nguy cơ lớn hơn lợi ích.
Các chương trình thể dục thể thao, cải thiện cả về mức chịu đựng vận động lẫn về các triệu chứng khó thở, mệt có lợi cho tất cả các bệnh nhân COPD.
Cho bệnh nhân bị suy hô hấp mạn tính thở oxy dài hạn (> 15 giờ một ngày) đã cho thấy tăng được sự sống còn.
Thành phần 4: Điều trị các đợt kịch phát
Các đợt kịch phát các triệu chứng hô hấp đòi hỏi can thiệp y tế là các sự kiện lâm sàng quan trọng trong COPD.
Các nguyên nhân thường gặp của một đợt kịch phát là nhiễm trùng khí phế quản và ô nhiễm không khí, nhưng nguyên nhân của khoảng một phần ba các đợt kịch phát nghiêm trọng không xác định được.
Thuốc dãn phế quản dạng hít (đặc biệt là đồng vận 2 dạng hít hoặc kháng choline), theophylline và glucocorticosteroid toàn thân, đặc biệt là dạng uống là các điều trị hữu hiệu đối với các đợt kịch phát COPD.
Việc điều trị kháng sinh có thể có lợi cho những bệnh nhân đã từng mắc các đợt kịch phát COPD với các dấu hiệu lâm sàng của nhiễm trùng đường thở (TD. tăng số lượng đàm, thay đổi màu đàm hoặc sốt).
Hô hấp áp suất dương không xâm lấn (NIPPV) trong các đợt kịch phát cải thiện khí trong máu và cải thiện pH, làm giảm tỉ lệ tử vong trong bệnh viện, làm giảm nhu cầu thở máy xâm lấn và đặt nội khí quản và làm giảm thời gian nằm viện.
Trần Thanh Xuân dịch