Dao động xung ký (Impulse Oscillometry)

DAO ĐỘNG XUNG KÝ

IOS

Mở đầu

Dao động xung ký (Impulse Oscillometry – IOS) là phương pháp mới để thăm dò các đặc điểm cơ học của hệ hô hấp: sức cản đường dẫn khí, tính dãn nở,…
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là đối tượng không cần gắng sức như hô hấp ký.
IOS đã được Hội Hô hấp Châu Âu (European Respiratory Society – ERS) xem là một phương pháp thăm dò chức năng hô hấp thường quy cho cả trẻ em và người lớn.
Năm 2006 Hội Lồng ngực Hoa Kỳ (American Thoracic Society – ATS) cùng với ERS đã viết hướng dẫn thăm dò chức năng hô hấp ở trẻ mẫu giáo trong đó có giới thiệu IOS.
 
Lịch sử
Công bố đầu tiên của loại máy này được đưa ra vào năm 1956 bởi Dubois AB và cộng sự trên tạp chí Journal of Applied Physiology. Năm 1993 Jaeger cải tiến và đưa ra loại máy IOS hiện nay
 
Chức năng hoạt động
Một máy tạo xung động với nhiều tần số (5-35Hz) phóng vào đường dẫn khí trong lúc đối tượng thở bình thuờng (thể tích lưu thông).
Sự tương tác với hệ hô hấp sẽ làm thay đổi tính chất các xung động. Các bộ phận chuyển đổi áp suất (pressure transducer) và chuyển đổi lưu lượng (flow transducer) sẽ ghi nhận và tính ra tổng trở Z (impedance) của hệ hô hấp.
Sử dụng các thuật toán, người ta tính được kháng lực đường dẫn khí R (resistance) – Một chỉ số khác là phản lực của đường dẫn khí (reactance – X) bao gồm tính dãn nở E (elastance) và tính trơ của hệ thống I (inertia) khi đo R và X.
Với các xung động có tần số khác, người ta có thể khảo sát các bất thường ở các vị trí của đường dẫn khí trung ương hay ngoại biên, trong hay ngoài lồng ngực
 
Lợi ích của dao động xung ký
Dao động xung ký đo trực tiếp sức cản đường dẫn khí, làm được test dãn hay kích thích phế quản, xác định vị trí tắc nghẽn như một hô hấp ký.
Ưu điểm của IOS so với hô hấp ký là IOS không cần gắng sức, hợp tác ở mức tối thiểu và thời gian đo ngắn.
Vì vậy IOS có thể đo được ở những bệnh nhân không thể làm hô hấp ký như:
– Trẻ từ 2 tuổi trở lên (hô hấp chỉ làm được ở trẻ > 5 tuổi)
– Bệnh nhân già yếu
– Bệnh nhân bị mềm đường dẫn khí
Ngoài ra, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng:
– IOS nhạy hơn hô hấp ký trong test dãn phế quản.
– Nhạy hơn FEV1 trong test kích thích phế quản bằng methacholine test.
– Nhạy hơn hô hấp ký trong việc đo lường sự thay đổi chức năng đường dẫn khí trong test vân động (8) hay tăng thông khí tự ý.
 
Áp dụng lâm sàng
1. Hen suyễn
–  Trẻ em bị hen suyễn sẽ có sức cản R gia tăng, có đáp ứng với thuốc dãn phế quản và trị liệu. Điều này rất quan trọng cho trẻ từ 2 đến 5 tuổi, lứa tuổi chưa thể thực hiện hô hấp ký. Như vậy IOS sẽ giúp cho bác sĩ có chẩn đoán chắc chắn hơn và cha mẹ bé cũng yên tâm hơn. Đối với trẻ đang ổn định, trước tuổi đi học, IOS thực hiện được ở 80 đến 100% trẻ.
–  IOS cũng được áp dụng trong test kích thích đường dẫn khí với methacholine và histamine.
–  IOS cũng có thể phân biệt được trẻ suyễn khi cho chạy tự do.
–  Trong phòng cấp cứu IOS đo được ở khoảng 20% trẻ 3 tuồi và ở 80% trẻ 5 tuổi.
2. Viêm
Có mối liên quan giữa các chất đánh dấu sinh học của tình trạng viêm và tổng trở mô hô hấp đo bằng IOS.
3. Viêm tiểu phế quản
4. Bệnh phổi mạn tính ở trẻ sinh non
Cả hai trường hợp trên đều có bất thường trên IOS.
PGS.BS. Lê Thị Tuyết LanĐại học Y Dược TP. HCM
Nguồn: www.t4ghcm.org.vn