Bệnh lao tàn hại loài người,
Gieo mầu tang tóc khắp nơi tung hoành.
Nhất là ở chốn thị-thành,
Cửa nhà chật hẹp, lợi danh lọc lừa.
Vi trùng gây bệnh dây dưa,
Theo không khí thở truyền đưa sang người.
Bệnh lao đã chớm một thời,
Người đâm mỏi mệt rã rời tay chân.
Buổi chiều lại phát sốt âm,
Mồ hôi đổ trộm, sức dần yếu đi.
Thân hình gầy võ nhược suy,
Sụt cân ba bốn, có khi tới mười.
Lại thêm ngực tức, cạn hơi,
Tiếng ho báo hiệu đến thời bệnh tăng:
Hoặc ho vài tiếng khó khăn,
Phổi đau ran rát đích rằng ho khan.
Hoặc ho đờm khạc dễ dàng,
Trùng lao soi thấy rõ ràng ở trong.
Đờm xanh mùi bốc tanh nồng,
Điểm pha thêm chút máu hồng có khi.
Bệnh nhân kiệt sức cơ nguy,
Lặng cùng năm tháng lần đi tới mồ.
Còn nhiều biến chứng bất ngờ,
Làm tăng cơn bệnh chẳng chờ thời gian.
Lắm khi nóng họng, chồn gan,
Bệnh nhân đâu bỗng khạc toàn máu tươi.
Tìm càng yếu, mạch càng vơi,
Hồn lìa phách tán về nơi cửu-trùng.
Trùng lao có thể ung-dung,
Theo đường huyết-quản vẫy vùng khắc nơi.
Gây bao vị-trí hại người,
Lao gan, lao thận, năm mười thứ lao.
Lao xương ái ngại biết bao,
Lại còn màng óc trùng nào có tha.
Cuống hầu cách phổi đâu xa,
Vi trùng lan tới đâm ra giọng khàn.
Ai ơi sức khỏe là vàng,
Hãy chăm gìn giữ kẻo mang hiểm nghèo.
Vệ-sinh ta phải tuân theo,
Tâm hồn thư thái chẳng đeo muộn sầu.
Thức khuya tổn sức lợi đâu,
Sống không điều độ về sau hại người.
Nhà cao cửa rộng thoáng hơi,
Đặt nhiều cửa sổ mặt trời rọi sâu.
Những nơi ánh sáng chiếu vào,
Chắc là thầy thuốc đời nào vãng lai.
Uống ăn chớ quá sơ sài,
Sao cho đầy đủ một vài món ăn.
Thể thao nên tập chuyên cần,
Thở thường bằng mũi cản ngăn vi-trùng.
Những nơi bụi bậm bay tung,
Khuyên nhau cẩn thận ta cùng tránh xa.
Người lao phổi ở riêng ra,
Chớ nên khạc bậy, bụi tha vi-trùng.
Bỏ vôi ống nhổ sẵn dùng,
Đựng đờm người ốm để cùng một nơi.
Đàn bà lỡ mắc bệnh rồi,
Chớ nuôi con cái thiệt thòi đến con.
Nhờ người nuôi hộ là hơn,
Sao cho mạnh khỏe lớn khôn ta mừng.
Đường sinh đẻ phải tạm ngừng,
Bào thai mang nặng coi chừng bệnh tăng.
Bệnh lao chạy chữa khó khăn,
Khôn ngoan ta phải để tâm ngăn ngừa.
Muốn dân cường tráng hơn xưa,
Vệ-sinh truyền-bá cố đua phong trào.
BS. Nguyễn Đình Cát
Trích quyển “Y học tâm ca”. Bác sĩ Nguyễn Đình Cát & Bác sĩ Nguyễn Gia Quýnh. Trung-tâm học-liệu xuất-bản 1970.