Bệnh hen suyễn, hay còn gọi là bệnh suyễn, là bệnh do “tác nhân gây bùng phát” gây ra các triệu chứng hen suyễn hay cơn hen suyễn. Bất kể bạn bị loại hen suyễn nào, điều trị đúng cách có thể góp phần kiểm soát được căn bệnh. Hen suyễn gồm có các loại sau:
Hen suyễn dị ứng:
Hen suyễn dị ứng bị gây ra do phản ứng dị ứng với các dị ứng nguyên như phấn hoa hay vảy da của thú vật. Một cách điển hình, người bị loại hen suyễn này có tiền sử cá nhân hay tiền sử gia đình bị bệnh về dị ứng, như viêm mũi dị ứng hay sốt cỏ khô, và/hoặc chàm (những bệnh da gây ngứa, nổi ban đỏ và đôi khi có bong nước nhỏ).
Hen suyễn theo mùa, một dạng của hen suyễn dị ứng, có thể bị gây bùng phát bởi cây cỏ, hoặc hoa phóng thích phấn hoa vào không khí. Ví dụ như, một số người thấy rằng bệnh hen suyễn của họ thường trở nên tệ hại hơn vào mùa xuân khi cây cỏ nở hoa. Một số người khác lại thấy rằng họ bị nặng hơn vào cuối mùa hạ hay đầu mùa thu khi cúc dại (cỏ phấn hương) và nấm mốc từ lá cây có thể là nguyên nhân gây cơn hen suyễn.
Hen suyễn không thuộc dạng dị ứng
Những người này xảy ra cơn hen suyễn không đi kèm với dị ứng. Mặc dù những người này bị cùng những triệu chứng và các thay đổi tương tự trên đường dẫn khí cũng như những đối tượng bị hen suyễn dị ứng, cơn hen suyễn của những người này không bị gây ra bởi các dị ứng nguyên. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ người bị bệnh suyễn nào, các cơn hen suyễn có thể bị gây bùng phát hay nặng hơn khi có một hay nhiều hơn các tác nhân gây cơn không thuộc loại dị ứng bao gồm những chất (chất kích ứng) trong không khí bạn thở, như khói thuốc lá, khói đốt gỗ, những chất khử mùi dùng cho phòng ở, mùi ống dẫn gas, mùi sơn mới, các sản phẩm lau nhà, mùi nấu ăn, nước hoa và ô nhiễm không khí bên ngoài. Các viêm nhiễm đường hô hấp như cảm lạnh thông thường, cúm hay nhiễm khuẩn mũi xoang cũng có thể gây ra các triệu chứng. Cuối cùng là vận động thể lực nặng, không khí lạnh, thay đổi đột ngột nhiệt độ không khí, và thậm chí hồi lưu thực quản dạ dày (ợ nóng) có thể là các tác nhân gây cơ hen suyễn đối với những bệnh nhân hen suyễn dị ứng hoặc không do dị ứng.
Hen suyễn do vận động thể lực
Hen suyễn do vận động thể lực, đơn giản nói về các triệu chứng hen suyễn bị kích phát do vận động thể lực hoặc các hoạt động gắng sức. Các triệu chứng này thường được ghi nhận trong hay ngay sau khi vận động. Vận động ngoài trời vào mùa đông dường như là đặc biệt tệ hại đối với những bệnh nhân bị loại hen suyễn này. Tuy nhiên, vận động cũng có thể gây ra các triệu chứng ở những người bị các loại hen suyễn khác.
Hen suyễn về đêm
Hen suyễn về đêm có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc bất kỳ loại hen suyễn nào. Loại hen suyễn này là các triệu chứng hen suyễn dường như trở nên tồi tệ hơn vào giữa đêm, điển hình là giữa 2-4 giờ sáng.
Tác nhân gây triệu chứng hen suyễn trở nên nặng hơn vào ban đêm có thể bao gồm nhiễm khuẩn xoang hay chảy mũi sau gây ra bởi các dị ứng nguyên như vi trùng trong bụi bặm hay vảy ra của thú vật. Đồng hồ sinh học của bạn có thể cũng sẽ giữ một vai trò nào đó: nồng độ của các chất mà cơ thể bạn sinh ra như adrenaline và corsticosteroid, cả hai chất này đều bảo vệ cơ thể chống lại bệnh suyễn, là thấp nhất trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 4 giờ sáng làm cho người bị hen suyễn dễ xảy ra các triệu chứng trong lúc này.
Hen suyễn trong thai kỳ
Phụ nữ có thai bị hen suyễn có tỷ lệ biến chứng liên quan đến thai kỳ cao hơn. Trong số những bệnh nhân có thai bị hen suyễn, một phần ba sẽ thấy có cải thiện chứng hen suyễn, một phần ba vẫn duy trì tình trạng cũ, và một phần ba sẽ bị hen suyễn nặng hơn. Cải thiện việc kiểm soát hen suyễn trong thai kỳ đi kèm với tỷ lệ thấp hơn các biến chứng liên quan đến thai kỳ.
Hen suyễn do nghề nghiệp
Người bị hen suyễn nhạy cảm với các cơn bùng phát bệnh khi tiếp xúc với hơi khói hay bụi gây kích ứng trong mội trường làm việc. Tuy nhiên, bệnh suyễn do nghề nghiệp là nói về chứng hen suyễn mới mắc gây ra bởi sự tiếp xúc với một chất (như hóa chất, protein động vật, …) tại nơi làm việc. Giảm nồng độ trong không khí của các tác nhân gây kích ứng qua việc kiểm soát tốt hơn bụi bặm có thể giảm thiểu được tỷ lệ cơn hen suyễn và giảm bớt sự nhạy cảm.
Hãy thảo luận về chứng hen suyễn của bạn với bác sĩ để xác định loại hen suyễn bạn có thể đang bị. Một lần nữa xin nhắc rằng, dù bạn bị bất kỳ loại hen suyễn nào, điều trị đúng cách có thể kiểm soát được chúng.
Ai có thể bị hen suyễn?
Nếu bạn bị hen suyễn, hãy nhớ rằng mình không cô đơn. Hen suyễn là bệnh mạn tính thường gặp nhất. Trên toàn thế giới, có khoảng 300 triệu người bị bệnh suyễn. Hơn 31 triệu người Mỹ đã được chẩn đoán là bị hen suyễn vào một thời điểm náo đó trong cuộc đời, trong số đó khoảng một phần ba là trẻ em dưới 18 tuổi. Tại thành phố Hồ Chí Minh, một khảo sát cho thấy tỷ lệ vào khoảng 5 ngàn người trên mỗi 100 ngàn dân. Ngày nay tỷ lệ này trên toàn thế giới ngày một gia tăng, đặc biệt là trẻ em.
Không có một cách thức chắc chắn để khẳng định rằng ai có thể bị bệnh suyễn và ai không bị. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tạo khả năng mắc hen suyễn nhiều hơn. Hãy xem nếu bạn có nằm trong số này:
Tuổi – Hen suyễn thuờng gặp ở người dưới 18 tuổi. Đây là bệnh lý mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em, và là nguyên nhân chủ yếu gây nghỉ học (và cả nghỉ làm việc của các bậc cha mẹ).
Hút thuốc – Hút thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ bị hen suyễn ở người trưởng thành. Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động làm gia tăng thêm nguy cơ này.
Sống trong thành phố – Số người bị hen suyễn đã gia tăng trong 20 năm gần đây, đặc biệt là những người sống trong thành phố.
Đặc điểm người bị hen suyễn
Hen suyễn là một bệnh lý thay đổi và không đoán trước được. Các cơn hen suyễn có thể xảy ra với rất ít triệu chứng báo trước. Mức độ trầm trọng thay đổi qua từng giai đoạn. Người sống chung với bệnh này hàng ngày thì mới có thể hiểu được nỗi sợ hãi, stress và khó chịu do một cơn hen suyễn.
Tuy nhiên, nhiều người bị bệnh hen suyễn đã học được cách xoay sở với căn bệnh của họ. Họ là những bằng chứng cho thấy rằng thăm khám bác sĩ đều đặn, có thông tin và kế hoạch điều trị đúng đắn, có thể góp phần hướng căn bệnh của bạn theo chiều hướng mong đợi.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng, thông tin được trình bày ở đây không thể thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ của bạn. Bất kỳ khi nào bạn có câu hỏi hay mối quan tâm nào về chứng hen suyễn của mình và cách kiểm soát nó, hãy nói chuyện với bác sĩ.