Hen suyển có liên quan mật thiết đến khả năng miển dịch và điều kiện tâm lý của người bệnh. Do đó, việc điều trị hiệu quả căn bệnh cần một liệu pháp tổng hợp bao gồm cả việc ăn uống hợp lý và rèn luyện tâm thể để kiểm soát cảm xúc và nâng cao sức kháng bệnh.
Triệu chứng
Hen suyển là một loại bệnh dị ứng ở đường hô hấp do thần kinh phế vị bị kích thích dẫn đến xuất tiết đởm giải, phù nề niêm mạc và co thắt khí quản. Cả 3 yếu tố nầy tác động làm ngăn nghẹt đường thở khiến người bệnh thở dốc, thở ra khó, phải rút vai thót bụng để thở nhưng thở vẫn khó khăn, mệt nhọc vì khí quản bị thu nhỏ và đàm trọc ngăn bế.
Nguyên nhân
Bệnh xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng bị cảm nhiểm ngoại tà hoặc ăn uống, tình chí thất thường, hoặc làm việc quá sức.
Theo y học cổ truyền, hen suyển là một dạng bệnh do khí nghịch đờm hoả thượng xung, khí không được liểm nạp về Thận. Bệnh có liên quan đến ba tạng Tỳ, Phế, Thận. Tỳ Thận hư không liểm nạp được dương khí, nước nghịch lên thành đờm gây ủng tắc Phế khí.
Điều trị
Hiên nay y học hiện đại có ưu thế trong việc cắt cơn hen bằng những loại khí dung phối hợp giữa thuốc chống viêm và thuốc chống co thắt phế quản. Các loại khí dung có thể được xịt hoặc hít trực tiếp qua đường hô hấp vừa tiện dụng vừa giúp giải toả nhanh chóng triệu chứng khó thở. Tuy nhiên y học cổ truyền lại nổi bật về liệu pháp tổng thể nhằm tạo sự cân bằng khí hoá trong cơ thể, bồi bổ nguyên khí để nâng cao sức kháng bệnh. Cơn hen sẽ nhẹ đi, thưa dần và tiến đến không tái phát. Phép chữa chủ yếu nhằm tư âm giáng hoả, bổ Thận nạp khí. Sự gia giảm sẽ tuỳ thuộc vào cơ địa hàn nhiệt hoặc mức độ hư suy khác nhau giữa ba tạng Tỳ, Phế, Thận. Sau đây là 2 cổ phương thông dụng để bổ thận nạp khí. Thông thường, một vài thang đầu có thể dùng Kim quỷ Thận khí hoàn, để nhanh chóng ôn dương cố bản nhờ sức nóng của Phụ tử, Nhục quế. Sau đó có thể dùng Lục vị gia Mạch môn, Ngủ vị.
Kim quỷ Thận khí hoàn
Thục địa 24gr
Hoài sơn 12gr
Trạch tả 08gr
Ngưu tất 08gr
Xa tiền tử 08gr
Phụ tử (chế) 08gr
Mẫu đơn bì 06gr
Nhục quế 04gr
Gọi là hoàn vì phương dược nầy thường được luyện với mật ong làm hoàn để tiện dụng. Bài thuốc nầy cũng có thể sử dụng như thuốc thang, sắc uống mỗi ngày một thang. Dùng 3 chén nước sắc còn hơn ½ chén. Lần thứ nhì đổ thêm 2 chén sắc còn ½ chén. Trộn đều 2 lần thuốc đã sắc. Chia làm 2 lần uống trong một ngày. Hâm nóng thuốc trước khi uống.
Lục vị gia Mạch môn, Ngủ vị.
Thục địa 16gr
Sơn thù 08gr
Hoài sơn 12gr
Phục linh 08gr
Trạch tả 08gr
Mẫu đơn bì 08gr
Mạch môn 08gr
Ngủ vị tử 08
Sắc uống như thang dược trên.
Điều trị không dùng thuốc
Hen suyển là một dạng điển hình của những triệu chứng bệnh lý mà y học cổ truyền gọi là khí nghịch. Hen suyển kéo dài thường dẫn đến suy nhược thần kinh, khiến người bệnh dễ căng thẳng, hay lo sợ, sức kháng bệnh kém, dễ bị cảm nhiểm. Ở người bệnh, dù trong cơn hen hoặc trong những lúc bình thường, khi có sự tác động tự nhiên của một người có trình độ khí công trung bình, bệnh biểu hiện rõ nét bằng những luồng khí liên tục chuyển từ Phế xuống Thận dù người chữa không cố ý điều chỉnh đường đi của kinh khí. Đó chính là hiện tượng nạp khí về Thận của quá trình hồi phục tương ứng với quy luật khí hoá tự nhiên ở một người khoẻ mạnh. Giống như đối với hầu hết những triệu chứng rối loạn khí hoá khác, khí công và những phương pháp dưỡng sinh nói chung, đều đáp ứng rất tốt đối với bệnh hen suyển. Sau đây là một vài phương pháp đơn giãn.
Hít thở sâu
Hít vào đến bụng dưới, hơi phình bụng ra khi hít vào.Thở ra chậm, nhẹ và đều, từ từ ép sát bụng lại khi thở ra. Tuần tự từ hơi thở nầy đến hơi thở khác. Có thể thở ở bất cứ tư thế nào, ngồi xếp bằng, ngồi tựa lưng hoặc nằm xuống giường ; một bàn tay có thể đặt trên bụng dưới để cảm nhận rõ độ phồng lên và xẹp xuống của bụng theo hơi thở vô ra. Thưc hành thở trong những buổi tập từ 10 đên 15 phút lúc bụng trống hoặc thở mỗi lần một hoặc vài hơi bất cứ khi nào thấy thuận tiện. Hít thở sâu đến bụng dưới ngoài việc tăng cường nội khí còn có tác dụng trừ hư hoả, nạp khí về Thận. Thì thở ra chậm và dài phối hợp với động tác ép sát bụng có tác dụng điều hoà thần kinh giao cảm, giúp điều hoà cảm xúc, tăng cường khí huyết ra ngoại biên, làm ấm người và nâng cao sức chịu đựng của cơ thể đối với những thay đổi của môi trường. Hít thở sâu còn có thể được phối hợp với phép quán. Nói chung tất cả những phương pháp khí công, thiền quán của phương Đông đều quan tâm đến hơi thở và gia tăng công năng khí hoá nên có thể giúp điều trị hen suyển. Riêng về phép quán, những nghiên cứu của Tiến sĩ Judith Green, giáo sư tâm lý học và phản hồi sinh học ở trường đại học Greeley Colorado cũng cho biết việc quán tưởng hình ảnh phế quản và những phế nang nở rộng, thông thoáng và đầy sinh lực sẽ giúp ích rất lớn cho việc cải thiện hen suyển. Theo ông, người bệnh chỉ cần thực hành quán tưởng vài phút mỗi lần và vài lần mỗi ngày.
Động tác cây gậy
Những động tác dưỡng sinh với cây gậy trên tay là một phương pháp dưỡng sinh quen thuộc hiện nay ở các sân tập dưỡng sinh. Đặc điểm của phương pháp là dùng một cây gậy dài khoảng 1,5m để giữ cân bằng trên hai tay, hoặc vươn thẳng hai cánh tay, hoặc tựa cây gậy trên hai bả vai để xoay chuyển thân mình theo các hướng khác nhau quanh thắt lưng hoặc quanh cổ. Qua đó, những động tác nầy đã tác động tích cực đến bệnh hen suyển. 1. Đứng dang chân, xuống tấn phối hợp với các động tác cúi, ngữa và quay người chung quanh thắt lưng nhằm chuyển trung tâm lực của cơ thể xuống Đan điền có tác dụng hoạt hoá huyệt Mệnh môn, giúp dẫn hoả quy nguyên, nạp khí về Thận. 2. Những động tác hít thở và vươn rộng cánh tay, vai giúp nở rộng lồng ngực để gia tăng hiệu suất của phổi. 3. Tựa cây gậy trên vai và xoay quanh cổ có thể giải toả những điểm ứ trệ khí huyết nơi ‘’vùng ngoan cố ‘’ ở bả vai thường ngăn trở việc giáng khí của những đường kinh dương. 4. Kích hoạt hai huyệt Đại chuỳ và Định suyển. Huyệt Đại chuỳ ở dưới đốt sống cổ thứ 7. Đại chuỳ là chỗ tụ hội của những đường kinh dương có công dụng giải biểu, giáng Phế khí. Huyệt Định suyển ở bờ ngoài gai đốt sống cổ thứ 7 đo ra khoảng nửa thốn. Định suyển là huyệt đặc trị bệnh hen suyển. Do đó bên cạnh tác dụng của một phương pháp dưỡng sinh để tăng cường lưu thông khí huyết và giữ gìn sức khoẻ, thực hành đều đặn bài tập cây gậy là một phương pháp rất hiệu quả để điều trị hen suyển.
Chế độ ăn uống
Hen suyển có liên quan đến các yếu tố gây dị ứng ở môi trường như khói, bụi, sơn, phấn hoa, thức ăn… Do đó, ngoài việc phòng tránh những yếu tố có thể gây dị ứng, luyện tập để nâng cao ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì chế độ ăn uống cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc kiểm soát bệnh. Nên kiêng cử những thức ăn có thể gây dị ứng đối với cơ địa riêng của mỗi người. Cần ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, magnesium và những acid béo Omega 3. Tiến sĩ Gary Hatch thuộc viện nghiên cứu môi trường ở Bắc Carolina cho biết ’’Có bằng chứng cho thấy việc thiếu vitamin C phối hợp với điều kiện không khí ô nhiểm làm gia tăng những trường hợp bệnh suyển, đặc biệt là đối với trẻ em.’’ Ông cũng nghiên cứu thấy ở những người bệnh suyển, lượng vitamin C trong cơ thể thường ít hơn 50% so với những người bình thường. Vitamin C tự nhiên có nhiều trong các loại rau quả xanh. Rau quả xanh cũng có nhiều magnesium. Magnesium có tính năng cải thiện hoạt động của phổi qua tác dụng làm giãn các lớp cơ bao quanh khí quản. Ngoài ra các nhà khoa học cũng khuyên người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm có chứa những acid béo Omega 3 như các loại cá, các loại quả hạch, mè, hạt hướng dương, dầu cá thu, dầu lanh… Ngoài việc tăng cường sức miển dịch và một số lợi ích khác, những loại acid béo Omega 3 là một yếu tố chống viêm tự nhiên rất hữu ích cho những người có cơ địa dị ứng để ngăn chặn cơn hen và cải thiện chức năng hô hấp.